Giáo dục giá trị đạo đức nhân văn cho thế hệ trẻ

“Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, đời người bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước” - (Hồ Chí Minh)

Tuổi trẻ là vốn quý, là một dạng tài nguyên quan trọng nhất của mỗi quốc gia, bởi vì đó là lực lượng tiềm ẩn sức mạnh về nhiều mặt, là lứa tuổi tràn đầy hoài bão ước mơ, bầu nhiệt huyết sục sôi có thể "dời non, lấp biển". Trong suốt chiều dài lịch sử, tuổi trẻ nước ta tiên phong trong công cuộc dựng nước và giữ nước và đã lập biết bao kỳ tích lừng lẫy đáng tự hào. Phẩm chất đó đã trở thành truyền thống quý báu của tuổi trẻ Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Từ ngày thống nhất đất nước, các thế hệ nối tiếp nhau sinh ra trên một đất nước hoà bình, độc lập và phát triển. Thật mừng cho con cháu chúng ta không phải sinh ra trong chiến tranh, không phải lớn lên trong lửa đạn, chết chóc. Những hi sinh mất mát và cả những chiến công cũng lùi dần vào dĩ vãng thậm chí có phần trở nên xa lạ với thế hệ 8x, 9x, các em chỉ còn đọc trong những bài lịch sử hoặc thấy bóng dáng chiến tranh trong những tác phẩm văn học, điện ảnh, nhưng thật đáng buồn khi điểm thi môn lịch sử, môn ngữ văn những năm gần đây lại thấp đến mức báo động.

 

Một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện quay lưng và coi thường quá khứ, sống thờ ơ vô cảm, hời hợt và thực dụng, chỉ coi trọng những giá trị vật chất trước mắt, chạy theo lợi nhuận... Trong nhà trường phổ thông, các em có xu hướng coi nhẹ, xa rời các môn khoa học xã hội mà thích đi vào các môn khoa học tự nhiên nhiều hơn và đổ xô thi đại học vào những ngành nghề "thời thượng" như tài chính, kế toán, ngoại giao, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông hoặc lao vào những thị trường làm ăn béo bở mà nhiều khi không quan tâm đến những giá trị đạo đức nhân văn cần đồng hành với con người mọi nơi, mọi lúc.

 

Chúng ta đã thấy những công trình hiện đại phá vỡ không gian văn hoá truyền thống, những dự án không quan tâm đến môi trường sống gây bao hậu quả cho con người, khai thác bừa bãi cả rừng phòng hộ đầu nguồn, đánh bắt thuỷ sản bằng thuốc nổ hoặc xung điện làm cạn kiệt, huỷ diệt nguồn lợi... Có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng cũng đáng quan ngại: Nghệ thuật múa rối hoặc dân ca các em không hứng thú bằng Pop, Rock, nhiều tác phẩm tinh hoa trở'nên xa lạ, nhiều áng thơ văn hay các em không để tâm... nên hành trang vào đời của các em có phần thiếu hụt và phiến diện, lệch lạc cả hiểu biết và tâm hồn, cằn cỗi thô kệch dẫn tới cách hành xử thiếu nhân ái, thiếu tầm nhìn nhân văn trong hoạch định công việc. Mặt trái của cơ chế thị trường cũng khiến các em chưa điều chỉnh được và trong xu thế quốc tế hoá và hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu các em có xu hướng vọng ngoại nhiều hơn dẫn tới chảy máu chất xám, chảy máu nhân tài, tự ty dân tộc...

 

Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp tốt cho việc tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức nhân văn cho thế hệ trẻ. Nhìn lại hệ thống giá trị đạo đức nhân văn, chúng ta thấy rằng từ thời cổ đại, loài người đã thừa nhận hệ thống giá trị: Chân, Thiện, Mỹ và đến nay vẫn được mọi người thừa nhận, tuy có một vài sự khác nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Tiếp đó là hệ thống giá trị nhân văn của Nho giáo thời phong kiến là Nhân, Trí, Dũng.

 

Sinh thời, Bác Hồ thường dạy: Nhân, Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trung với nước, Hiếu với dân. Như vậy, cái đức cái thiện, lòng yêu dân, yêu nước là cốt lõi trong thước đo giá trị nhân văn của con người Việt Nam.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, hệ thống giá trị nhân văn được nhiều người nghiên cứu và được tiếp cận đa dạng nhưng nhìn chung có hai hệ thống giá trị nhân văn, đó là:

 

1. Hệ thống giá trị truyền thống: Lòng yêu nhà, yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tự lực tự cường, nhân ái, nghĩa tình thuỷ chung, vị tha, độ lượng, hiếu học, sáng tạo, đoàn kết, cần kiệm, cởi mở lạc quan, dũng cảm kiên cường, gắn bó với gia tộc quê hương, biết ơn tổ tiên, tôn trọng người cao tuổi...

 

2. Hệ thống giá trị hiện đại: hoà bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng; ý thức bảo vệ môi trường, trật tự an ninh; năng động sáng tạo, tự lập, chấp nhận cạnh tranh, nhạy cảm với cái mới; có tinh thần hữu nghị hợp tác...

 

Như vậy, hệ thống giá trị từ cổ đại, truyền thống đến hiện đại của loài người và Việt Nam có nhiều điểm chung gặp gỡ nhau. Chúng ta có thể căn cứ vào đó để định hướng việc tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức nhân văn cho thế hệ trẻ. Nằm trong chương trình các bậc học từ mầm non đến THPT đã chú trọng chuyển tải các nội dung nói trên, đặc biệt ở các bộ môn KHXH bồi bổ tâm hồn, bồi dưỡng năng lực nhiều mặt, giáo dục lòng nhân ái, các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật đến những bài học làm người, giúp các em dần đi vào quỹ đạo chung của cộng đồng.

 

Vì vậy, nhà trường cần làm tốt việc nâng cao chất lượng dạy và học những bộ môn KHXH. Nên chăng, Bộ Giáo dục cần sớm tổ chức thi đại học bằng cả hai môn văn hoá cơ bản là toán và ngữ văn để buộc học sinh phải chú trọng tới các môn KHXH... Các đài truyền hình có nhiều chương trình khoa giáo, giải trí và nhiều sân chơi bổ ích, các bậc phụ huynh nên khuyến khích con em xem, không nên để trẻ sa đà vào trò chơi điện tử... Bao nhiêu danh nhân, danh sĩ, người có công với nước, anh hùng liệt sĩ được lưu danh ở tên đường phố, tên trường học, công viên... nên có biển đề giới thiệu ngắn gọn công lao, sự tích hoặc những đóng góp của các vị đó ở nơi thích hợp dễ nhìn dễ đọc.

 

Khi bộ phim dựa theo tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” trình chiếu, không ít người e ngại thế hệ trẻ không thích xem phim cách mạng nhưng không ngờ doanh thu lại rất cao, các bạn trẻ đã đón nhận nồng nhiệt và rất ngưỡng mộ nhân vật Pa-ven trong phim. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ ở đâu và thời nào cũng trân trọng cái đẹp, cái hùng.

 

Ngày 3/2/2007, TƯ Đảng đã triển khai cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hưởng ứng cuộc vận động, hàng nghìn cuộc thi kể chuyện diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, để lại trong lòng người nghe biết bao xúc cảm về đạo đức cao đẹp của Bác Hồ. Hơn một năm qua, cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Chúng ta tin rằng, nếu được quan tâm đầy đủ, tạo ra môi trường phấn đấu thuận lợi, chắc chắn thế hệ trẻ sẽ phát huy hết tài năng và những phẩm chất tốt cống hiến cho cuộc sống, cho sự tiến bộ của đất nước.

 

Dương Hiền Nga

Trung tâm GDTX thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

 

LTS Dân trí - Trau dồi những giá trị đạo đức và nhân văn cho thế hệ trẻ là một bộ phận hữu cơ của sự nghiệp “trồng nghiệp”. Đó là công việc hệ trọng đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên và sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Nhìn lại những năm qua, chúng ta thấy còn nhiều bất cập về nhận thức cũng như các biện pháp giáo dục đạo đức, ý thức nhân văn ở mỗi gia đình cũng như nhà trường và xã hội.

Bài viết trên đây đóng góp những ý kiến chân thành và thiết thực, mong rằng các cấp lãnh đạo, các nhà giáo dục cũng như các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức và ý thức nhân văn cho thế hệ trẻ.