Giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông do ô tô gây nên

(Dân trí) - Có thể nói tai nạn giao thông (TNGT) thường xảy ra là do lái xe ô tô chưa được huấn luyện cẩn thận, việc cấp bằng lái xe còn nhiều sơ hở cũng như chế tài đối với lái xe gây TNGT, nhất là làm chết người chưa thật nghiêm.

Có lẽ ở nước ta, gần như thường xuyên xảy ra TNGT mà phần lớn là do lái xe ô tô gây ra. Mới đây, đêm 21/ 6/ 2011 trên đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội lại xảy ra TNGT do lái xe ô tô “điên” làm 1 phụ nữ bị trọng thương. Đến nỗi,  bây giờ nhiều người mỗi khi có việc cần ra đường cứ nơm nớp sợ ô tô đâm vào mình.

 

Những năm vừa qua, số lượng ô tô tăng vọt. Cùng với đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, còn có nhiều người lái xe không chuyên tăng lên nhanh. Nguyên nhân xe ô tô gây tai nạn chủ yếu do lái xe ẩu, tay lái non, không thành thạo thao tác lái xe, không làm chủ được tốc độ và quỹ đạo bánh xe trên phố đông người. Đặc biệt, chân phải tài-xế chưa có phản xạ đạp pê-đan phanh-lúc gặp tình huống cần dừng xe khẩn cấp; mà có khi lại luống cuống đạp mạnh chân phải vào pê-đan ga làm ô tô nhẩy chồm lên-gây hậu quả khôn lường.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bởi vì, điều khiển ô tô “phức tạp” hơn mô tô ở chân phải người lái xe: vừa có nhiệm vụ đạp pê-đan ga cho ô tô chạy, vừa có nhiệm vụ đạp pê-đan phanh cho ô tô dừng (bất kể là xe số sàn hay số tự động). Cho nên khi đột ngột gặp chướng ngại vật trên đường-cần dừng ngay xe lại, người mới học lái ô tô dễ đạp chân phải nhầm vào pê-đan ga gây ra TNGT. Còn chân phải người lái xe mô tô chỉ có nhiệm vụ đạp cần phanh cho mô tô dừng (đối với xe có phanh chân).

 

Ngoài ra, cũng không loại trừ lái xe ô tô “điên” do say rượu bia hoặc nghiện ma tuý, hoặc do ô tô có lỗi kỹ thuật bị “dính” pê-đan ga (tài-xế đã “nhả hết” pê-đan ga mà tốc độ xe vẫn tăng vọt)…

 

Để phòng tránh lái xe ô tô gây ra tai nạn, biện pháp trước tiên từ khi đào tạo lái xe, các giáo viên dạy lái xe cần tuân thủ nghiêm ngặt đủ chỉ tiêu cây số thực hành cho học viên lái ô tô trên đường. Chú ý tập nhiều thao tác “dồn số” để phòng xe bị mất phanh (đối với xe số sàn) và động tác dừng xe bất chợt. Tạo cho học viên phản xạ có điều kiện về “dồn số”, về dừng ô tô đột xuất, để khi cần dừng ô tô gấp, chỉ sau thời gian tối đa một giây phản ứng tâm lý, bao giờ chân phải người lái xe cũng đạp nhanh nhất vào pê-đan phanh.

 

Bổ sung thêm giáo trình dạy thực hành lái xe số tự động (xem trong ảnh các chế độ số), để bất luận khi chuyển chế độ từ N (số không) sang D (số tiến), hoặc R (số lùi), hoặc P (đỗ xe)-chân phải các học viên đều phải đạp pê-đan phanh.

 

Đồng thời chú trọng rèn luyện cho học viên lái xe thực hiện nghiêm túc “ba không”: không vi phạm tốc độ, không vi phạm cự ly an toàn và không uống rượu bia khi lái xe.

 

Đến khi sát hạch-cấp giấy phép lái xe, không thể bỏ qua 2 bài thi: dừng xe bất chợt (kể cả với xe số sàn, số tự động) và thao tác “dồn số” (với xe số sàn) đối với các thí sinh.

 

Biện pháp thứ hai: Cơ quan Cảnh sát điều tra TNGT, nên mở chuyên đề các vụ TNGT do lái xe ô tô “điên”. Lập danh mục chi tiết các vụ TNGT này. Trong đó thống kê đầy đủ về tuổi đời, tuổi nghề người lái xe… Thống kê nơi đào tạo, nơi sát hạch-cấp giấy phép lái xe. Để quy liên đới trách nhiệm những cơ sở đào tạo, cơ quan sát hạch-cấp nhiều giấy phép lái xe “điên”.

 

Mặt khác, khi điều tra TNGT do lái xe ô tô “điên”, ngoài việc kiểm tra, xác minh giấy phép lái xe thật hay giả (là lẽ đương nhiên rồi); còn cần phối hợp với ngành Y tế kiểm tra lại sức khoẻ người lái xe ô tô “điên” và loại những người không đủ sức khoẻ, hoặc nghiện ma tuý ra khỏi đội ngũ lái xe.
 
Giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông do ô tô gây nên - 1

Hiện trường vụ tai nạn tại ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn xảy ra hồi tháng 9/2010 (Ảnh: Tiến Nguyên).

 

Biện pháp thứ ba: Cần tăng mức án đối với lái xe gây TNGT chết người. Vì theo Bộ Luật Hình sự hiện hành (điều 202) quy định mức hình phạt người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây thiệt hại tính mạng người khác, chỉ bị tù từ sáu tháng đến năm năm. Và nếu phạm nhân cải tạo tốt, có thể được giảm án 1/3 thời gian (sáu tháng còn bốn tháng; năm năm còn ba năm rưỡi). Với các mức án như vậy, dư luận nhân dân cho rằng: như “muỗi đốt gỗ”. Trường hợp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, lái xe cũng chỉ bị tù tối đa đến 15 năm.

 

Đã thế, trên thực tế còn không ít vụ TNGT do lái xe gây ra chết người, nhưng rút cục vẫn để hoà giải giữa lái xe với gia đình nạn nhân. Nghĩa là lái xe chỉ cần bỏ ra một khoản tiền thoả thuận đến bù là xong. Rồi lái xe đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

 

Vì vậy, tác dụng giáo dục, răn đe những người lái xe gây TNGT  rất kém. Đây cũng là một căn nguyên, khiến một số lái xe ẩu, coi thường Luật Giao thông và tính mạng người đi đường. Trong khi xem xét về góc độ gây  chết người do lái xe gây TNGT, với người dân lành bị chết do kẻ khủng bố, cũng đều bị oan uổng cả. Thậm chí ở nước ta hầu như chưa có nạn  khủng bố, thì TNGT đang là nỗi lo thường trực đối với tất cả mọi người. Nhất là khi đi đường, nếu bất thình lình, không may bị một tài-xế ô tô “non tay lái, già rượu bia” va phải.

 

Nhằm giáo dục răn đe lái xe gây TNGT, góp phần giảm thiểu số người bị chết do TNGT; cơ quan thẩm quyền cần nâng nặng mức án lái xe gây TNGT chết người. Chẳng hạn lái xe gây TNGT làm chết một người, cũng sẽ phải tù ít nhất 15 năm… Làm sao người lái xe ra đường luôn luôn chú ý an toàn giao thông. Và nếu gây TNGT chết người-sẽ bị tù “mọt gông”.

 

Đồng thời đối với những vụ TNGT này, cần nghiêm cấm việc hoà giải giữa lái xe với gia đình nạn nhân.

 

Biện pháp thứ tư: Công tác thông tin, tuyên truyền trong khi chưa có kết luận điều tra TNGT liên quan lái xe ô tô “điên”, chưa biết “đầu cua tai nheo” ra sao; một số phương tiện thông tin đại chúng và cả nhân viên cơ quan chức năng chớ vội vã đưa tin TNGT do ô tô “mất lái” như thời gian vừa qua.

 

Bởi vì trong trường hợp ô tô bị “mất lái” thật (vô-lăng xe mất tác dụng chuyển hướng), thì người lái xe chuẩn sẽ phanh ô tô lại. Làm sao có chuyện đâm va lung tung, liên tiếp hết người đi đường này, đến người đi đường khác-nếu không phải là lái xe ẩu, tay lái non, hoặc say rượu bia, nghiện ma tuý…

 

Mặt khác, đưa tin TNGT ô tô “mất lái” trên công luận, khi chưa biết kết quả “khám” xe TNGT; vừa võ đoán-nhiều khi không chính xác, vừa tác hại đến tâm lý người lái xe cho rằng TNGT là do ô tô bị “mất lái”, chứ đâu phải do lái xe ô tô. Và vì thế, có lẽ người lái xe chẳng chịu trách nhiệm gì?

 

Mà lẽ ra phải đưa tin TNGT kịp thời nhưng trung thực, chính xác, cho mọi người đều hiểu và yêu cầu đội ngũ lái xe phải làm được trong trường hợp: ô tô bị “mất lái”, thì còn phanh; mất phanh thì “dồn số” (đối với những xe số sàn), để nếu không may xảy ra TNGT, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

 

                                                                   Nguyễn Thành Lập

 

LTS Dân trí- Nước ta là một trong những nước còn để xảy ra tai nạn giao thông khá phổ biến, trong đó tai nạn do ô tô gây ra chiếm phần lớn và thường là những tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, những kiến nghị nêu lên trong bài viết trên đây cần được các cơ quan chức năng xem xét và nên vận dụng những điều thấy hợp lý và có tính khả thi.

 

Bảo vệ an tòan cho mọi nguời dân khi tham gia giao thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan có chức năng quản lý trong lĩnh vực này. Thực hiện phận sự của mình, các cơ quan quản lý và bảo đảm an toàn giao thông cần có biện pháp đồng bộ kiên quyết ngăn chặn tai nạn giao thông, nhất là tai nạn do lái xe ô tô gây ra.