Bài 8:

Gia đình liệt sỹ tìm công lý 35m2 đất: Dân “tố” bản cam kết trả đất mờ ám!

(Dân trí) - Gia đình liệt sỹ cho rằng, “bản cam kết trả đất” chính quyền địa phương đưa ra là mờ ám, làm sai lệch sự việc. Chính quyền dùng văn bản này khẳng định 35m2 đất “mượn” là thiếu căn cứ, trong khi đó gia đình liệt sỹ có đầy đủ giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc đất.

Sau khi báo Dân trí đăng bài viết: “Hé lộ “bình phong” cho quyết định thu hồi đất”, gia đình liệt sỹ Phạm Hữu Hằng mới vỡ lẽ từ trước đến nay, tồn tại “bản cam kết trả” đất này mà họ không hề hay biết.

Bà Phạm Thị Hiềng (con liệt sỹ Hằng) cho biết, qua báo Dân trí phản ánh tôi rất bất ngờ và đây là lần đầu tiên được tiếp xúc với văn bản này của UBND xã Khánh Nhạc đưa ra.

“Đọc văn bản này (biên bản làm việc giữa UBND xã và cụ Lê Thị Tứ) gia đình tôi rất bức xúc vì nhận thấy văn bản này không được trung thực, minh bạch, rất mờ ám. Suốt nhiều năm qua, kể từ buổi họp đầu tiên giữa gia đình tôi và UBND xã cho tới nay đã 10 lần; hai lần trực tiếp đối thoại với lãnh đạo huyện Yên Khánh; một lần gặp trực tiếp Chủ tịch UBND huyện tại buổi tiếp dân.

Biên bản làm việc chính quyền làm bình phong cho quyết định thu hồi đất của gia đình liệt sỹ.
Biên bản làm việc chính quyền làm "bình phong" cho quyết định thu hồi đất của gia đình liệt sỹ.

Các lãnh đạo từ xã đến huyện đều nói đất của gia đình tôi là đất mượn, họ khẳng định bằng miệng, gia đình tôi đòi hỏi văn bản để chứng minh là “đất mượn” thì chính quyền địa phương không có, họ cũng không hề đưa ra biên bản làm việc này. Trong khi đó, gia đình tôi có đầy đủ giấy tờ, tài liệu để chứng minh thì lại bị bác bỏ. Vậy tại sao đến nay lại có văn bản (biên bản làm việc) này” - bà Hiềng bức xúc.

Cũng theo con gái liệt sỹ Hằng, khi đọc biên bản làm việc này bà thấy rất khó hiểu. “Chữ viết trong biên bản thì nguệch ngoạc, thậm chí có chữ không thể luận ra được là chữ gì dẫn đến người đọc không hiểu nội dung ra sao, giải quyết vấn đề gì” - bà Hiềng nói.

Gia đình liệt sỹ cũng đặt nghi vấn, trong cuộc họp có đầy đủ các thành phần, các ban ngành của xã (gồm 10 đại biểu) nhưng khi ký tên vào biên bản thì không có đầy đủ chữ ký của các thành viên, chữ ký cũng không rõ ràng về họ và tên tuổi.

Về phía gia đình liệt sỹ, chỉ có cụ Lê Thị Tứ (nay đã mất) đã ngoài 80 tuổi, cụ không biết chữ, lại không có người giám hộ đi cùng. Bà Hiềng cho rằng, buổi làm việc này là bất thường, bất lợi cho gia đình chính sách mà cụ thể là gia đình bà phải chịu thiệt thòi nhiều năm qua.

Biên bản làm việc có đầy đủ các thành phần nhưng không đầy đủ chữ ký, lãnh đạo xã không đóng dấu xác thực để văn bản có tính pháp lý.
Biên bản làm việc có đầy đủ các thành phần nhưng không đầy đủ chữ ký, lãnh đạo xã không đóng dấu xác thực để văn bản có tính pháp lý.

Con gái liệt sỹ Hằng nghi ngờ về tính pháp lý của “biên bản làm việc”: “Cuộc họp có đầy đủ Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã, có Đảng ủy và các trưởng ban ngành của xã, tại sao khi kết thúc ký vào biên bản lại không có dấu của UBND xã đóng để xác nhận về mặt pháp lý của văn bản này? Văn bản hoàn tất buổi làm việc, gia đình tôi lại không có một bản để thực thi?

Gia đình tôi không công nhận văn bản này, nó trái ngược lại với giấy mời của UBND xã ký năm 1981. Gia đình tôi cho là có sự mờ ám của văn bản để làm sai lệch sự việc của gia đình tôi” - bà Hiềng cho hay.

Nói về báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình lên Tổng cục quản lý đất đai của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, bà Hiềng cho rằng, báo cáo này là không khách quan và thiếu trung thực khi chỉ nghe xã, huyện báo cáo lại mà không về gia đình bà xác minh cụ thể sự việc.

Theo đó, ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường là không có tài liệu nào chứng minh 5 sào ao Quận Tào giao cho 2 gia đình liệt sỹ.

Về việc này bà Hiềng phản bác: “Tài liệu và sổ sách của sự việc này, ông (Phó Giám đốc Sở TNMT Ninh Bình) cần phải tìm hiểu ở tĩnh Hà Nam Ninh cũ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hiện nay. Vì làm trong ngành nên ông rõ hơn về cách quản lý sổ sách. Hiện nay gia đình tôi có biên bản xác nhận của các gia đình đã thuê 5 sào ao Quận Tào của gia đình tôi trong 3 năm 1957, 1958 và 1959, sau đó họ trả lại cho gia đình tôi”.

Hơn chục năm tìm công lý 35m2 đất, đến nay gia đình liệt sỹ vẫn mòn mỏi chờ công bằng đến với gia đình.
Hơn chục năm tìm công lý 35m2 đất, đến nay gia đình liệt sỹ vẫn mòn mỏi chờ công bằng đến với gia đình.

Liên quan đến biên bản làm việc giữa cụ Tứ và UBND xã Khánh Nhạc được chính quyền địa phương làm “bình phong” để thu hồi đất của gia đình liệt sỹ, trong buổi làm việc với phóng viên Dân trí trước đó, khi được đề cập đến biên bản này lãnh đạo huyện Yên Khánh cũng không đưa ra, và từ chối cung cấp cho phóng viên.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số nhân chứng còn sống cũng đã có xác nhận, gia đình liệt sỹ Hằng có diện tích thuộc 5 sào ao Quận Tào là có thật. Việc chuyển đổi đất cũng được ghi rất rõ trong tài liệu là tờ giấy mời năm 1981 mà gia đình liệt sỹ hiện đang còn lưu giữ.

“Đến nay các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh vẫn chưa giải quyết cho gia đình tôi đúng với sự đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với gia đình thương bình liệt sỹ. Gia đình tôi rất mong báo Dân trí tiếp tục tìm lại sự công bằng cho gia đình tôi” - bà Hiềng chia sẻ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá