Bạn đọc viết:

Gặp gỡ lương y dành 30 năm chăm sóc bệnh nhân phong

(Dân trí) - Cô Xuân là lương y đã gắn bó với trại phong Quả Cảm này suốt 30 năm qua, nơi mà người ta chỉ muốn tránh xa, thì cô lại tình nguyện hy sinh cuộc sống của mình để chăm sóc và mang lại niềm vui, sức khỏe cho những bệnh nhân ở trại phong này.

Cách thành phố Bắc Ninh chừng 5km, trại phong Quả Cảm, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh nằm khuất nẻo dưới chân mấy ngọn đồi thuộc xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh). Về thăm cô, khung cảnh đầu tiên mà tôi nhìn thấy là cảnh cô đang ngồi đọc thơ cho bệnh phong không biết chữ nghe, tự nhiên tôi thấy lòng ấm hẳn lên.

Cô Xuân là người theo đạo Thiên Chúa, sinh ra trong một gia đình gặp rất nhiều thiệt thòi và khó khăn, cha mẹ mất sớm, lại đông em nhỏ, mải chăm lo cho cuộc sống của các em mà bỏ quên mất tuổi thanh xuân của chính mình.
Cô Xuân trong căn phòng sáng chế” chân tay giả cho bệnh nhân
Cô Xuân trong căn phòng "sáng chế” chân tay giả cho bệnh nhân

Khi tất cả các em cô đã có gia đình hạnh phúc, cô quyết định xin vào trại phong này làm việc, cô chia sẻ: “Tôi vào đây là vì tình thương đối với họ, những con người ở đây mỗi người một hoàn cảnh rất đang thương, có những ông bà già không còn ai thân thiết, không có ai thăm nom gì rất tội nghiệp, chứ không phải vì muốn được nổi tiếng hay tôn vinh gì hết, nếu tôn vinh thì họ đã nói tới tôi từ 20 năm trước rồi”.

Theo chân cô đi thăm các bệnh nhân mới thấy hết được lòng bao dung vô hạn của người phụ nữ này. Nói về công việc chăm sóc bệnh nhân phong, cô Xuân cho biết: “Dù không phải là người mẹ thật sự, nhưng tôi luôn nghĩ phải dùng cả trái tim của mình, trái tim của người mẹ để chăm sóc các bệnh nhân ở đây”.

Cô Xuân đang trò chuyện cùng các bệnh nhân
Cô Xuân đang trò chuyện cùng các bệnh nhân

Ông Trần Văn Cót năm nay 70 tuổi, căn bệnh quái ác đã cướp mất các ngón tay và bàn chân của ông, nhưng nhờ có “bàn tay vàng” của cô Xuân, ông đã có thể đi lại bình thường, và còn có thể lao động sản xuất tự nuôi sống mình.

Sắp tới ngày Tết của dân tộc, cô Xuân mong muốn tất cả những người mắc bệnh phong sẽ không còn bị kỳ thị phân biệt, để họ có thể sống vui vẻ như một người phụ nữ bình thường, được đón một cái tết đúng nghĩa.

Chị Và Thị Và (30 tuổi) người dân tộc Dao ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một bệnh nhân phong được cô chăm sóc ở đây chia sẻ: “Tôi coi cô Xuân như người mẹ của mình, cô luôn tận tình chỉ bảo, chia sẻ những điều trong cuộc sống cho tôi, dạy tôi nói tiếng kinh, được cô cho tôi một mái ấm và còn là bà mối để cho tôi một người chồng là anh Vị như bây giờ nữa. Tôi yêu quý cô lắm”.
 
Cô Xuân và bệnh nhân phong Và Thị Và
Cô Xuân và bệnh nhân phong Và Thị Và

Cảm ơn cô và ra về mà trong lòng vẫn còn luyến tiếc, tôi hẹn cô một ngày gần nhất sẽ tới thăm cô và những con người nơi đây, hy vọng cô sẽ luôn khỏe mạnh để có thể mang thêm nhiều niềm vui, hạnh phúc cho những con người thiệt thòi như trại phong Quả Cảm này. Tôi tin cô sẽ luôn ở cạnh để chia sẻ những thiếu sót, thiệt thòi của những bệnh nhân nơi đây. Mong cô sẽ luôn là ánh sáng của miền đất ít người muốn lui tới này.

Trần Hằng