Đừng để di vật thành phế vật

Cố đô Huế, một vùng đất mang đậm giá trị văn hóa dân tộc với những nét cổ kính lâu đời được minh qua các di vật may mắn còn sót lại. Thế nhưng, thật đáng buồn vì những hiện vật có giá trị lịch sử như vậy lại không được người ta xem trọng...

Từ những hiện vật “trời”…

 

Đến với Bảo tàng lịch sử và cách mạng TT - Huế, đây là nơi lưu giữ những chiếc xe tăng, xe thiết giáp, pháo cối, súng hạng nặng… được mệnh danh là “Vua sấm sét”, những vũ khí này từng được xem là niềm tự hào một thời của quân đội Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam và được bỏ lại sau khi chúng thất bại và rút quân về nước. Những vũ khí hạng nặng như thế này hiện không còn nhiều và chỉ có gần như duy nhất tại Huế. Nó vừa là biểu tượng cho sự dã man, tàn ác của kẻ thù vừa thể hiện tinh thần, ý chí kiên cường anh dũng của quân và dân ta, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Nhiều du khách đến đây, đặc biệt là khách quốc tế lại được hiểu biết thêm lịch sử nước ta và khâm phục về truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam.

 

Đừng để di vật thành phế vật - 1

Những hiện vật trời bị phơi nắng dầm mưa và đang xuống cấp nhanh chóng
 
Thế nhưng, thật đáng buồn khi những hiện vật có giá trị như vậy lại được trưng bày một cách quá lơ là, không được xem trọng. Nhiều hiện vật ngày càng xuống cấp. Khu bảo tồn không có mái che, cỏ dại mọc um tùm… với thời tiết khắc nghiệt ở Huế chỉ cần một trận mưa to thì những hiện vật này cũng đủ ngâm trong nước cả 3 - 4 ngày. Theo nhiều người dân ở đây cho biết, thì chiều nào trẻ con cũng ra đây vui đùa, vẽ bậy lên khắp nơi…, thậm chí gần đây, xung quanh đó còn xuất hiện cả các bơm kim tiêm. Còn về việc bảo quản, nghe đâu người ta chỉ dùng dầu nhớt lau chùi 3 lần /1 năm chỉ như là đối phó. Chuyện hiện vật phơi mưa, phơi nắng với nhiều người đã quá đỗi bình thường.
 
Đừng để di vật thành phế vật - 2
 

Anh Phú Tâm (một du khách ở Hà Nội cho biết): “Tôi rất thích đến Huế tham quan, vì ở đây có những hiện vật lịch sử mà không nơi đâu trên nước ta có được. Tuy nhiên, tôi cũng rất buồn vì lần này tới tôi nhận thấy nhiều hiện vật ở đây hư hỏng nhanh quá. Cũng phải thôi, vì ở Huế mưa lũ nhiều, nếu không sớm khắc phục tình trạng này e rằng một thời gian nữa chẳng còn hiện vật để mà xem”.

 

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, đồng nghĩa với việc từng ấy thời gian các hiện vật ấy mặc sức bị sự bào mòn và phá hoại giữa tự nhiên mà chưa có một công tác bảo tồn nào thích hợp.

 

… đến những “Đồ cổ vỉa hè”

 

Đó là những cửa hàng đồ cổ nhỏ nằm trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, TP.Huế. Nơi đây trưng bày đủ các loại đồ cổ, hiện vật. Đó là các loại đồ cổ được các ngư dân Vạn Đò trục vớt ở Sông Hương rồi về bán lại cho các chủ tiệm ở đây, như vậy từ những người lao động bình thường đã vô tình làm sống lại cả một nét văn hóa của vùng đất cố đô xưa kia qua các thời kỳ.

 
Đừng để di vật thành phế vật - 3

Một góc phố đồ cổ vỉa hè, nơi những hiện vật có giá trị được bảo quản quá sơ sài
 

Từ những đồ cổ xịn, đồ cũ hay đồ giả cổ đều có cả, những vật dụng như: ly, thìa, lược, mũ, ba lô, huân chương… đến các vật có giá trị như đồ gốm, tiền đồng đời Chăm, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đều có cả, giá cả của các đồ cổ này cũng rất chi là “vỉa hè” chỉ khoảng từ vài ba chục ngàn, cao nhất cũng chỉ vài trăm ngàn. Nó như một nét đặc trưng vốn chỉ có ở Huế, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa Huế đến với nhiều du khách hơn

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc buôn bán tự phát của các tiệm đồ cổ vỉa hè vẫn đang còn tồn tại một thực trạng đáng xem xét. Đó là việc trưng bày các loại đồ cổ dưới thời tiết nắng mưa thất thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản các đồ vật có giá trị. Thêm vào đó, việc trục vớt đồ cổ thường do các ngư dân địa phương thực hiện nên đa số đều  không hiểu biết nhiều về đồ cổ, công tác thực hiện chủ yếu là thủ công, dẫn đến nhiều đồ cổ khi vớt lên đều bị hư hỏng nặng mất đi giá trị lịch sử của nó. Ngoài ra, việc tự phát những tiệm bán đồ cổ lại nằm ngay lên trục được sầm uất nhiều người qua lại, ảnh hưởng phần nào đến việc giao thông của người dân.
 
Đừng để di vật thành phế vật - 4

 

Vì thế, nên có những biện pháp thích hợp của chính quyền địa phương trong việc buôn bán và bảo tồn đồ cổ nơi đây, để vừa giữ được cảnh quan đô thị lại góp phần bảo tồn được nét văn hóa riêng của Cố đô Huế.

 

Trước tình hình đó, hy vọng các cơ quan chức năng nên sớm có một biện pháp tối ưu nhanh chóng nhất để tìm cách khôi phục và bảo tồn các hiện vật mang giá trị vật chất và tinh thần hết sức quan trọng này. Đừng để, sự bào mòn phá hoại của tự nhiên để rồi chũng chỉ còn là những hình ảnh trong sách vở.

 

Tiến Nhất
Lớp Báo chí K32 - Đại học Khoa học Huế