Dựa vào nhau mà sống…

Vốn có truyền thống đoàn kết, sống thuận hoà, đa số người Việt Nam ta tuân theo cách xử thế “Dựa vào nhau mà sống”.

Bên cạnh những mặt tích cực, cách ứng xử này nhiều khi dẫn tới “dĩ hòa vi quý”, “ăn cây nào rào cây ấy” đã tạo nên không ít hậu quả tiêu cực trong xã hội.                   

 

Số liệu của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, đã có hàng trăm vụ việc liên quan đến tham nhũng trên phạm vi cả nước bị phanh phui nhưng không hề có một vụ nào được phát hiện bởi nội bộ cơ quan, tổ chức.

 

Trước đó, đã có nhiều địa phương báo cáo “không phát hiện tham nhũng”. Không thể có chuyện công chức lại không hề biết gì về tình trạng tham nhũng, tiêu cực của cơ quan, tổ chức mình; thậm chí nhiều người biết rất rõ, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Song, tất cả đều “im lặng đáng sợ” vì sợ bị trù dập, vì vô trách nhiệm, vì muốn bảo toàn hoà khí, bảo vệ sự “đoàn kết” trong cơ quan và những lí do “tế nhị” khác…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhiều người không đấu tranh vì quan niệm: “ăn cây nào rào cây ấy”, một khi cơ quan “có chuyện” thì công việc làm ăn của mọi người và bản thân không được yên ổn… Thậm chí, khi vụ việc đã vỡ lở ra nhưng có  một số người vẫn cố tình che chắn, bảo vệ, bênh nhau chằm chặp như mẹ bênh con, bất chấp sự thật.

 

Cơ quan nào cũng có ban thanh tra nhân dân, các tổ chức công đoàn, các hội nghị để lấy ý kiến tập thể, bình bầu danh hiệu thi đua, rồi những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo… Song tất cả đều bất lực trong việc ngặn chặn, phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

 

Nguy hiểm nhất là tình trạng “bắt tay ngầm” giữa không ít nhân viên hành pháp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nói một cách hình ảnh là “liên minh mèo - chuột”. Tình trạng thất thu thuế ngoài các nguyên nhân như hệ thống pháp luật về thuế chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, sự yếu kém về năng lực của cán bộ thu thuế… còn có một nguyên nhân quan trọng nữa là có sự thoả hiệp, móc nối giữa cán bộ thuế vụ và các doanh nghiệp. Số tiền “thuế” mà các doanh nghiệp phải lót tay thường xuyên cho các cán bộ thuế vụ tất nhiên là ít hơn nhiều lần so với số thuế qui định phải nộp vào ngân sách nhà nước.

 

Tương tự như vậy, những cú “bắt tay ngầm” giữa lực lượng kiểm lâm với lâm tặc, giữa cảnh sát giao thông với tài xế, giữa cán bộ thanh tra với các cơ quan, doanh nghiệp… khiến cho tình trạng phạm pháp diễn ra ngày càng phức tạp.

 

Quan niệm “có tiêu cực mới có ăn” hay “có tiêu cực mới có việc làm” dẫn đến hành vi “phạt rồi cho tồn tại” và “nhắm mắt làm ngơ” của một số  nhân viên hành pháp biến chất, tha hoá đã tạo nên tiền lệ xấu, làm cho tiêu cực phát triển rất khó kiểm soát. Những nhân viên này vẫn tạo cho mình một vỏ bọc “mẫn cán” thậm chí “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhưng thực chất lại âm thầm tiếp tay cho những hành vi sai trái.                

 

Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vốn đúng đắn nhưng bị lợi dụng, biến thành những “cơ hội làm ăn” vô cùng béo bở của một số cán bộ công chức thoái hoá. Chính sách luân chuyển cán bộ, bổ sung đối tượng để xét thương binh, các dự án đầu tư cho những xã đặc biệt khó khăn… đều tạo ra cơ hội làm giàu “siêu tốc” cho một số người.

 

Trước đây, nhiều trường THPT số học sinh đăng kí vào lớp đầu cấp không đủ chỉ tiêu nên mở cửa mời tất cả học sinh tốt nghiệp THCS vào học. Nay, cung không đủ cầu mới sinh ra tình trạng “chạy trường” vô cùng quyết liệt, và một số vị “quan” giáo dục vô cùng béo bở. Thậm chí một số cộng tác viên của chương trình cho người nghèo vay vốn cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để “làm tiền” họ.

 

Thiếu hiểu biết về luật pháp, không tin tưởng vào sự công minh của những người “cầm cân nẩy mực”, tâm lí thích “làm tắt”, “đi ngang” nên người dân đã đồng ý lót tay cho các nhân viên hành pháp để chóng được việc, coi như là một điều tất yếu “qua sông phải luỵ đò”.

 

Người dân không bao giờ coi việc mình hối lộ là việc xấu, trái pháp luật, thậm chí còn tự cho rằng đó là hành vi khôn ngoan, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và còn mang ơn nghĩa với kẻ đã nhận tiền hối lộ! Những toan tính vụ lợi thiển cận của một số cá nhân đã gây nên những thiệt hại không lường hết được đối với cộng đồng, quốc gia.

 

Dĩ nhiên cách ứng xử “dựa vào nhau mà sống” chỉ diễn ra êm thấm một khi cả hai bên đều có lợi, nếu như quyền lợi của một phía bị thiệt hại ở một mức độ nào đấy sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của mối quan hệ này. Công luận đã không ít lần chứng kiến những vụ việc tố cáo, đấu đá nhau của những người một thời vốn là “đồng minh” thân thiết.

 

Đã đến lúc cần chuyển hoá quan niệm “dựa vào nhau mà sống” thành “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, mỗi nhân viên hành pháp phải là một Bao Công, mỗi người dân đều tự giác tuân theo luật pháp và biết tôn trọng lợi ích của cộng đồng, của quốc gia. Đó mới là cách ứng xử văn minh, bảo đảm cho xã hội một tương lai phát triển bền vững.

 

Trần Quang Đại

(quangdaiht@gmail.com) 

Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh 

 

LTS Dân trí - “ Dựa vào nhau mà sống” theo đạo lý tình nghĩa xóm giềng “lúc tối lửa tắt đèn có nhau”, chia sẻ cùng nhau lúc buồn vui, hoạn nạn, “lá lành đùm lá rách” thì đấy vốn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nhưng “dựa vào nhau” theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy”, “dĩ hòa vi quý”, thậm chí ngoắc ngoặc với nhau để mưu cầu lợi ích riêng tư, cục bộ, dẫn tới vi phạm pháp luật thì điều ấy cần lên án và phanh phui ra ánh sáng. Đấy là thái độ sống của những con người có nhân cách, biết sống trung thực, thẳng thắn và biết đặt lợi ích chung, lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên lợi ích cục bộ và lợi ích cá nhân.

 

Vấn đề mà tác giả bài viết trên đây đặt ra từ mặt trái trong cách ứng xử “dựa vào nhau mà sống” là những điều đã được chứng nghiệm trong cuộc sống mà ai cũng dễ thấy nhưng ít ai phê phán và dường như cũng có thái độ “dĩ hòa vi quý”. Nhiều khi các bậc cha mẹ thấy con cái hăng hái đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong cơ quan, trong làng xóm, lại răn dạy rằng: Chúng bay phải nhớ “khôn độc không bằng ngốc đàn” đâu, phải biết nhìn nhau mà sống, đừng có “ngựa non háu đá!”.

 

Xem ra cách nghĩ và cách sống nói trên hoàn toàn xa lạ đối với nếp sống của xã hội mới được xây dựng trên nền tảng của hiến pháp và hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước cũng như quyền tự do, dân chủ và lợi ích của mọi người dân.