Đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giáo dục

(Dân trí) - Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục và đào tạo ,trong đó có bậc THPT từ năm học 2010-2011.

Nội dung này đã nhận được ý kiến đồng tình của cán bộ quản lý, thầy cô giáo bậc THPT. Tuy nhiên cũng có không ít băn khoăn, lo lắng về tính khả thi, hiệu quả của nó.

“Bội thực” chương trình lồng ghép

So với chương trình cải cách trước đây, chương trình phân ban ở bậc THPT hiện nay, thì về cơ cấu số tiết, nội dung bài học ở từng môn có phần hợp lý và gọn gàng hơn. Nhưng số lượng các môn học, các hoạt động bắt buộc lại tăng lên, thêm vào: môn tin học, giáo dục quốc phòng và an ninh, hướng nghiệp dạy nghề và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nếu như trước đây, mỗi khối chỉ học một buổi sáng hoặc chiều là đủ thì bây giờ, ngoài học một buổi, mỗi tuần các em phải học thêm từ 1 đến 2 buổi nữa. Ngoài áp lực quá tải về chương trình, học sinh còn chịu thêm những sức ép, đòi hỏi khác của nhà trường, của mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn. Như vậy, học sinh đang phải chịu đến mấy tầng bị dồn ép, nhồi nhét về mặt học tập. Nay lại thêm một bộ môn Phòng chống tham nhũng (PCTN) vào nữa thì vô hình trung chúng ta “hành xác” con em đến mức quá đáng. Do đó,  theo các chuyên gia soạn thảo đề án có ý đưa nó dạy theo kiểu lồng ghép, tích hợp vào  môn giáo dục công dân hoặc các môn học xã hội khác phù hợp với điều kiện giảng dạy của từng môn và không tạo thành các môn học riêng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ý này cũng đồng với quan điểm của nhiều cán bộ quản lý và thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy mà chúng tôi có dịp trao đổi, chia sẻ. Thầy Trần Thanh Hậu, giáo viên Sử- giáo dục công dân, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết: Nội dung PCTN nên đưa toàn bộ vào bộ môn GDCD là hợp lý, đừng nên dây qua các các môn xã hội khác. Nhưng tôi e rằng đưa  nó vào môn này thì có phần lõang, vì hiện tại, bộ môn GDCD là một bộ môn có số lượng nội dung, vấn đề dạy lồng ghép, dạy tích hợp vào loại nhiều nhất, nào là bảo vệ môi trường, nào là an toàn giao thông, nào là giáo dục giới tính, nào là sức khỏe sinh sản vị thanh niên...Vả lại ,qua thực tế giảng dạy nhiều năm, chúng tôi nhận thấy, đưa những vấn đề, nội dung dạy lồng ghép, dạy tích hợp vào bộ môn GDCD thường chưa đạt yêu cầu, còn mang nặng tính hình thức. Bởi lẽ, bản thân nội dung, kiến thức ở bài đó, bài kia trong sách giáo khoa, sách giáo viên, thầy cô giáo chưa truyền tải hết được ( do quá dài) thì lấy đâu thời giờ để lồng ghép, tích hợp nội dung đã vào. Lần nào tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề cũng yêu cầu giáo viên phải dạy lồng ghép nhưng thầy cô giáo không dạy thì đành chịu thôi, do chẳng có qui định ràng buộc nào cả, trừ khi có người dự giờ, có thái độ đánh giá nghiêm túc”.

Bỏ một số bài, đưa nội dung PCTN vào

Không chỉ riêng gì môn GDCD, các nội dung, vấn đề dạy lồng ghép, tích hợp đối với môn Ngữ văn ( về bảo vệ môi trường), môn sinh học ( về giới tính, sức khỏe sinh sản), môn lịch sử ( về lịch sử địa phương)... cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Xuất phát từ thực tế đấy, nội dung PCTN đưa vào dạy kiểu lồng ghép, tích hợp là không ổn, cần tách ra thành những bài riêng biệt, để dạy những kiến thức căn bản, tập trung hơn, thầy cô giáo khó thể phớt lờ hoặc bỏ qua được. Tất nhiên, cắt giảm bớt một số bài thuộc về chương trình GDCD ở ba khối. Nhiều giáo viên giảng dạy môn GDCD đề xuất: “Các em lớp 10, còn nhỏ quá, chưa cần đưa PCTN vào,  nên bắt đầu từ học sinh lớp 11 là thích hợp với nội dung bài và  tâm lý lứa tuổi. GDCD lớp 11, dạy về công dân với kinh tế, với các vấn đề chính trị- xã hội, thì bỏ đi bài Chính sách quốc phòng và an ninh, trang 110 ( vì nội dung này được học kĩ ở bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh rồi) , GDCD lớp 12 dạy học các vấn đề công dân liên quan đến pháp luật, các bài 1, bài 2, bài 3 có một số nội dung na ná giống nhau nên gom lại để nhường “đất” cho nội dung PCTN. Mỗi khối một bài, mỗi bài từ 2 đến 3 tiết là quá đủ”.

Có chế độ bồi dưỡng

Bên cạnh giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng còn cần được tuyên truyền, giáo dục qua nhiều hình thức, hoạt động đa dạng và phong phú khác như hoạt động ngoại hóa, nói chuyện trước cờ, xây dựng tờ tin nội bộ... Để đạt được hiệu quả tốt cho nội dung này, ban soạn thảo đề án phải phối hợp với bộ giáo dục, các trường đại học...phải có sự chuẩn bị tốt từ khâu biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giảng dạy PCTN cho tất các thầy giáo dạy bộ môn GDCD và đội ngũ cán bộ quản lý, ban giám hiệu các trường, lãnh đạo các sở giáo dục( để thành phần này có nhận thức đầy đủ và biết cách điều hành, triển khai thực hiện.).GDCD- một môn học, mỗi tuần chỉ có 1 tiết  mà lại có quá nhiều nội dung khác của xã hội nhờ cậy, gởi gắm vào đó cả, thực sự tạo ra những gánh nặng, áp lực lớn đối với các thầy cô giáo môn học ấy. Phần lớn các trường đại học sư phạm lâu nay đào tạo sinh viên vừa dạy lịch sử vừa dạy giáo dục công dân. Khi vào nghề, các trường thường phân công dạy cả hai: môn lịch sử lẫn công dân. Hơn nữa, giáo dục PCTN là một nội dung mới lạ, khó hiểu, khô khan đối với lứa tuổi học sinh bậc THPT, để dạy cho hay, cho được thì không dễ dàng chút nào, đòi hỏi nhiều ở tâm huyết, trách nhiệm và trình độ tay nghề, kiến thức tốt của đội ngũ thầy cô môn GDCD. Thiết nghĩ, Bộ giáo dục cần có chế độ bồi dưỡng thêm cho họ ( vì hầu hết giáo viên dạy sử- GDCD chỉ sống bằng đồng lương hạn hẹp, không thể dạy thêm, dạy phụ đạo như các môn tự nhiên được), nhằm kịp thời động viên, khích lệ, tiếp sức cho họ thêm yên tâm, phấn khởi, say mê  với nghề, với học sinh.

                                                      Đỗ Tấn Ngọc
Quảng Ngãi

LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ánh đúng băn khoăn của nhiều giáo viên khi phải lồng ghép nhiều nội dung mới vào môn học hoặc đưa thêm môn học mới vào chương trình (như môn Phòng chống tham nhũng) mà thiếu sự chuẩn bị chu đáo. Điều đó dẫn tới tình trạng không bảo đảm chất lượng dạy và học những nội dung mới hoặc môn học mới; hơn nữa, còn làm ảnh hưởng đến chất lượng những môn học khác vì chương trình học phải “lồng ghép” quá nhiều nội dung mà sức tiếp thu của học sinh chỉ có hạn.

Vì vậy,  khi đưa thêm nội dung mới vào chương trình giáo dục nói chung cũng như chương trình THPT nói riêng đều cần xem xét toàn bộ chương trình đã quá tải hay chưa, cần bớt nội dung của môn học nào để thêm nội dung mới cần thiết hơn?