Ninh Bình:

Dự án “cứu” 6.000 dân bỏ dở: Nông dân kêu cứu, 8 tỷ đồng bay theo gió?

(Dân trí) - Việc “cứu” 2.400 hộ dân huyện Yên Khánh (Ninh Bình) là cấp thiết nên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “ưu tiên” chống xâm nhập mặn. Tuy nhiên, Bộ TN-MT lại trình 2 dự án khác thay thế không mấy cấp bách khiến 6.000 dân “kêu cứu”, 8 tỷ đồng tiền ngân sách nguy cơ bay theo gió?

Như báo Dân trí đã phản ánh, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định “Phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC” (Các dự án ưu tên thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu), tỉnh Ninh Bình có 2 dự án được ưu tiên thực hiện vì sự cấp bách, ảnh hưởng đến 2.400 hộ với 6.000 dân (với khoảng 1.000 ha đất tự nhiên) của huyện Yên Khánh.

Được “ưu tiên”, đây cũng là dự án trọng điểm và cấp bách của địa phương nên UBND tỉnh Ninh Bình đã chi 8 tỷ đồng tiền ngân sách đối ứng cho dự án “Củng cố nâng cấp hệ thống sông trục từ cống Thôn Năm đến cống Đọ, các công trình trên tuyến huyện Yên Khánh nhằm ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn (huyện Yên Khánh).

Trước thực trạng nước biển dâng, cống Thôn Năm, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh đã không còn khả năng ngăn được nước mặn từ sông Đáy vào.
Trước thực trạng nước biển dâng, cống Thôn Năm, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh đã không còn khả năng ngăn được nước mặn từ sông Đáy vào.

Đã hơn 3 năm trôi qua, đến nay tỉnh Ninh Bình chưa nhận được đồng vốn nào từ Chương trình SP-RCC mà Thủ tướng đã phê duyệt để “chống biến đổi khí hậu”. 165 tỷ đồng để cứu 6.000 dân không được giải ngân khiến dự án đang bị bỏ dở, địa phương nhiều lần “cầu cứu” lên trung ương còn người trong vùng ảnh hưởng sống cảnh lao đao, nhiều năm mong chờ, “kêu cứu” chính quyền để dự án được thực hiện.

Điều khó hiểu là trong khi dự án “ưu tiên” cứu dân hơn 3 năm chưa được triển khai thì mới đây, ngày 29/8/2016 Bộ TN-MT lại có tờ trình số 39/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt danh mục dự án SP-RCC giai đoạn 2016 - 2020. Trong danh sách này không có dự án “cấp bách” cứu 2.400 hộ dân của huyện Yên Khánh mà thay vào đó là 2 dự án khác cũng ở huyện này, không mấy cấp thiết với số vốn lên tới 648 tỉ đồng.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Tuyển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết, trong thời gian qua do biến đổi khí hậu nên huyện phải chịu nhiều ảnh hưởng. Để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu địa bàn, huyện được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, UBND tỉnh nên đã triển khai một số dự án nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu.

“Tuyến sông từ cống Thôn Năm đến cống Đọ rất cần sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương để UBND tỉnh để triển khai, cải tạo nâng cấp nhằm mục tiêu ngăn nước biển dâng và xâm nhập mặn. Tất cả các dự án huyện đề xuất, lập kế hoạch đầu tư đang rất cần thiết. Đến nay do chưa được nâng cấp kịp thời nên việc tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chính vì vậy rất cần sự quan tâm, sớm đầu tư kinh phí để triển khai các dự án này có như vậy mới giúp cho địa phương phát triển kinh tế xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”, ông Tuyển nói.

Sông Trục là con sông quan trọng dẫn nước tưới, tiêu nước cho các xã vùng nam Ninh Bình, do bị nhiễm mặn nhiều năm qua khiến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của hơn 2.000 hộ dân bị đảo lộn.
Sông Trục là con sông quan trọng dẫn nước tưới, tiêu nước cho các xã vùng nam Ninh Bình, do bị nhiễm mặn nhiều năm qua khiến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của hơn 2.000 hộ dân bị đảo lộn.

Tống Văn Thịnh, Giám đốc BQL Dự án cơ sở hạ tầng thủy lợi (Sở NN&PTNT Ninh Bình) cho biết, các xã Khánh Tiên, Khánh Thiện (vùng dự án)… là vựa lúa của tỉnh Ninh Bình nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước nói chung. Vấn đề ngăn mặn là vấn đề cần thiết, phải giải quyết để đẩy mặn, ngăn mặn lên cao, phục vụ sản xuất, tiếp nước ngọt cho 4 xã để ổn định an ninh lương thực.

Đánh giá về 2 dự án mới mà Bộ TN-MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ông Thịnh nhận định: “Dự án mới so với dự án cũ không cấp thiết và không khả thi. Có thể trên Bộ có cách nhìn khác, tôi không dám bàn đúng sai trong việc thay đổi dự án. Dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp (đã được phê duyệt) là tâm huyết của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị để tiếp tục được triển khai dự án và đây là dự án cấp thiết”.

Ông Thịnh cũng chia sẻ thêm, nhiều năm làm trong ngành nông nghiệp, thủy lợi ông chưa từng gặp dự án nào đã được phê duyệt, đã cấp vốn đầu tư đối ứng… nhưng sau đó phải dừng triển khai, bị thay thế bằng dự án khác. “Điều này là sự bất thường”, Giám đốc BQL Dự án cơ sở hạ thầng thủy lợi bày tỏ.

Vị Giám đốc cũng băn khoăn về số tiền 8 tỉ đồng mà UBND tỉnh Ninh Bình đã đối ứng, bỏ ra thực hiện các bước ban đầu, bây giờ không có sản phẩm, không biết rồi sẽ phải quyết toán thế nào. Số tiền 8 tỷ đồng bay theo gió thì lãng phí quá.


Hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân các xã Khánh Thiện, Khánh Tiên... bị nước mặn xâm nhập dẫn đến năng xuất kém, người dân có nguy có bỏ ruộng.

Hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân các xã Khánh Thiện, Khánh Tiên... bị nước mặn xâm nhập dẫn đến năng xuất kém, người dân có nguy có bỏ ruộng.

Việc thay thế một dự án khác không mấy cấp thiết so với dự án đã được phê duyệt, đã đầu tư vốn đối ứng khiến nguy cơ dự án chồng dự án, nợ công ngày càng tăng cao.

Thái Bá