Dự án bán đất của dân: Chính quyền vẫn “cố đấm ăn xôi?”

(Dân trí) - Mặc dù không bác bỏ được căn cứ của người dân về nguồn gốc sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, tuy nhiên, chính quyền thành phố Thanh Hóa vẫn “cố” thực hiện dự án khi mà những khiếu nại, thắc mắc chính đáng của dân chưa được xem xét thấu đáo.

Dự án khu xen cư Hồ Toàn Thành, thành phố Thanh Hóa đã lùm xùm suốt hơn 10 năm qua, nhưng chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư vẫn chưa có cách giải quyết thấu tình, đạt lý, khiến người dân chịu thiệt thòi và bức xúc khiếu kiện kéo dài.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo số 664/BC-TTTH gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong đó khẳng định, chủ đầu tư là Tổng Công ty đầu tư và xây dựng Thanh Hóa - CTCP đã san lấp mặt bằng phần diện tích giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch.

img-1201-8ba3c-a7efb
Mặt bằng dự án còn lôm nhôm nhưng đã được phân lô, bán nền.

Về phía chính quyền thành phố Thanh Hóa vẫn một mực khẳng định, vị trí đất các hộ bị ảnh hưởng của dự án có một mặt tiếp giáp với thửa đất ao hồ, không có đường vào (thửa 68 tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính phường Ba Đình xác lập năm 1994), nên các hộ gia đình tự ý lần chiếm, san lấp sử dụng sau ngày 15/10/1993, dẫn đến diện tích theo hiện trạng sử dụng tăng nhiều so với giấy chứng đã cấp. Như vậy hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất không xác định việc bồi thường giá trị về đất là đúng theo quy định.

Trong khi đó, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc UBND thành phố Thanh Hóa căn cứ vào hồ sơ địa chính năm 1994 để lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng là có cơ sở. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh khẳng định: “Theo bản đồ địa chính phường Ba Đình, phê duyệt ngày 9/6/1994, thể hiện: vị trí khu đất thực hiện dự án, bao gồm toàn bộ thửa đất số 68, tờ bản đồ số 04, diện tích 2.347m2, loại đất hồ, chủ sử dụng là phường Ba Đình…”.

Điều phi lý ở đây là chính quyền phường Ba Đình là đơn vị hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở, lại trở thành “chủ sử dụng” khu đất “không có đường vào” đang được người dân sử dụng hàng chục năm nay.

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 109, Luật đất đai 2003 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Như vậy, căn cứ theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thì dự án khu xen cư Hồ Toàn Thành đem “đất của UBND phường”, phân lô, bán nền của Tổng Công ty cây dựng Thanh Hóa là hoàn toàn bất hợp pháp.

Điều này được thể hiện rõ tại một số hợp đồng mua bán đất giữa ban quản lý dự án với một số đơn vị khi mà dự án mới chỉ san lấp được một phần mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch nhưng việc “bán chác” đã được thực hiện, núp dưới hình thức góp vốn đầu tư.

Về nguồn gốc sử dụng đất của người dân, theo báo cáo của Thanh tra tỉnh thì đối với “Biên bản họp dân phố về việc đề nghị cấp giấy phép sử dụng đất theo Nghị định 60/NĐ-CP” ngày 6/11/1997 có chữ ký và đóng dấu xác nhận của Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch UBND phường,  xác định 47 hộ dân phố Đinh Công Tráng, sử dụng đất thổ cư ổn định từ trước ngày 8/12/1980 đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Như vậy, Thanh tra tỉnh Than Hóa cũng không bác bỏ được nguồn gốc sử dụng đất thổ cư ổn định của 47 hộ dân phố Đinh Công Tráng. Trong khi trước đó, cũng theo đơn vị này lại khẳng định vị trí đất các hộ bị ảnh hưởng của dự án là do các hộ tự lấn chiếm sau ngày 15/10/1993, điều này quá mâu thuẫn, thể hiện sự duy ý chí của ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc thực hiện một dự án vốn tồn tại nhiều khuất tất...

Trần Lê