Đông đảo độc giả trao đổi việc Đà Nẵng “nói không” với SV tại chức

Có nên “nói không” với đào tạo tại chức? Trước câu hỏi này hàng trăm độc giả đã chia sẻ ý kiến khác nhau. Sự khác nhau giữa từng người đã khiến nội dung tranh luận về chủ trương Đà Nẵng “nói không” với SV tại chức trở nên “nóng bỏng” hơn.

 
Đông đảo độc giả trao đổi việc Đà Nẵng “nói không” với SV tại chức - 1

Kết quả thăm dò trên trang Dân trí từ ngày 7/12/2010 đến nay

 

Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến mới nhất từ bạn đọc. Hi vọng sẽ nhận được thêm ý kiến trao đổi của bạn đọc:

 

 Bạn đọc Nguyễn Vinh Phát

 

Tôi đồng tình với cách làm của Đà Nẵng. Người tuyển dụng người ta có quyền chọn nhân viên theo yêu cầu của mình. Hãy tôn trọng sự quyết định của người khác tùy theo góc độ công việc. Tôi không bàn về tại chức hay chính quy mà tôi muốn nói tới sự quyết định của Đà Nẵng, người ta chắc cũng nhận quá nhiều hệ lụy từ việc tuyển những nhân viên hệ tại chức. Mặt khác nếu Đà Nẵng không tuyển hệ tại chức thì các anh có thể đi kiếm việc chỗ khác, cũng như tôi cần một kỹ sư thiết kế thì tôi không thể tuyển môt anh công nhân để đảm bảo công bằng khi có ý kiến họ cũng là con người và đều có nhu cầu công việc và cũng không vì thế mà anh công nhân không có việc làm. 

 

Bạn đọc Cao Xuân Lương

 

Cần xem lại vấn đề từ nhiều phía. Theo tôi, hệ tại chức không có lỗi mà lỗi là ở người dạy và người học của hệ tại chức. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận nhiều người tuy học hệ tại chức nhưng vẫn thành công. Tuy nhiên, những năm gần đây, quan niệm của người học hệ tại chức là "Học tại (cái) chức (vụ)" nên chủ yếu họ học làm sao có được bằng cấp theo yêu cầu chứ mục đích của họ không phải học để có kiến thức. Cũng vì lẽ đó nên từ phía người dạy cũng xem nhẹ việc dạy kiến thức mà chủ yếu là để có tiền (và nhiều tiền). Người dạy cứ nhẩn nha, dạy qua loa, người học cũng học ậm ạch, học ít nhậu nhiều....và cuối cùng cũng có bằng cấp.

 

Một thực tế đã chứng minh rất rõ: Nhiều người học hệ tại chức ra trường không có kiến thức hay kỹ năng, tuy xin được việc làm nhưng do năng lực yếu, kiến thức thiếu... cuối cùng bị đào thải. Vì thế nhiều cơ quan tuyển dụng không dám nhận những người học hệ tại chức. Theo tôi, Đà Nẵng từ chối những người hệ tại chức cũng có lý do của Đà Nẵng, không nên trách móc Đà Nẵng mà phải cảm ơn mới phải. Thái độ của Đà Nẵng đã chính thức gióng lên hồi chuông cảnh báo chất lượng đào tạo của hệ tại chức ở nước ta trong những năm gần đây.

 

Nếu chúng ta có cơ chế quản lý tốt, đặt mục tiêu học để đào tạo nhân tài thì hệ nào cũng chấp nhận được. Đã đến lúc (tuy có chậm) cần xem lại cách đào tạo của hệ tại chức để tránh tiếng oan cho hệ này.

 

Bạn đọc Thúy

 

Tôi đã từng làm trong 1 cơ quan nhà nước ở Tỉnh Vĩnh Phúc nên tôi cũng hiểu phần nào một số tâm sự của tác giả bài viết, đúng là không phải người học Đại học tại chức nào cũng kém nhưng đa số họ là kém có nhiều người không thi nổi vào đại học chính quy dù hoàn cảnh không éo le. Nếu muốn có một hội đồng tuyển dụng thật công bằng như tác giả đã nói thì quá khó trong một xã hội nặng về cơ chế xin cho trong các cơ quan nhà nước hiện nay, nên theo tôi tạm thời chúng ta nên làm theo ý của Đà Nẵng, đợi đến khi nào xã hội ta công bằng hơn thì chúng ta sẽ xem xét sau!

 

Bạn đọc Huỳnh Văn Lân

 

Chào các anh chị, các bạn! Mình là sinh viên năm cuối của một trường đại học (hệ tại chức). Do hoàn cảnh gia đình nên mình không thể tiếp tục học nữa, nói như các anh chị và các bạn là học chính quy. Tại sao các anh chị không nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn? Mình xin nói thật là đào tạo tại chức có nhiều điều như các anh chị đã nói ở trên. Nhưng mình có ý kiến : 1) Tuyển nhân sự một cách công bằng, tránh được tình trạng kiến thức tại chức không bằng chính quy, XH sẽ trả lời rất công bằng. 2) Còn việc quen biết, nhờ vả để được vào làm thì đó là thiệt hại của Cty tuyển dụng. 3) Các anh chị có biết rằng để được đến lớp học tại chức nhiều anh chị em công nhân phải trải qua nhiều cố gắng không? Mình xin có vài ý kiến. Chúc tất cả mọi người sức khỏe và thành công!

 

Bạn đọc Hội TQ

 

Đúng là không phải 100% SV tại chức đều không nắm được kiến thức khi đi học, nhưng trên 95% là khi ra trường họ không có kiến thức, kỹ năng khi họ học xong. Vì đa số SV tại chức bây giờ là trượt thi đại học chính quy nên phải đi học tại chức để hợp thức hóa đi xin việc, vì rất nhiều sinh viên tại chức là "con, cháu, các, cụ, cả". Đồng ý là hiện tại không thể xóa bỏ hoàn toàn 100% hệ tại chức, nhưng cách tổ chuc thì phải chấn chỉnh lại không thể đào tạo tràn lan, liên kết ngang, dọc...tiến dần nên bỏ hệ tại chức. Vì học theo tín chỉ thì mọi người đều có thể đi học. Có thời gian thì đi học để nâng cao chuyên môn, lúc nào tích lũy đủ tín chỉ thì cấp bằng đại học. Chứ vừa đi học vừa đi làm thì làm gì có thời gian mà HỌC. Sắp xếp giỏi mấy cũng không có thời gian mà học. Làm việc bây giờ đâu như ngày xưa thời bao cấp vừa làm vừa chơi? Theo tôi là tiến tới nên bỏ hệ tại chức thôi!!!!

 

Bạn đọc Đức Trung

 

Em thấy ai cũng chỉ trích, bình luận về sinh viên tại chức, sao không thấy ai nói về những cơ quan tuyển những con người ấy? Có khả năng hay không thì đâu có thể hiện qua tấm bằng, đó chỉ phản ánh 1 phần thôi chứ. Bản thân em đang theo học 1 trường đại học, nhưng em không nghĩ ai cũng như ai. Trong trường đại học cũng có người học, người không. Tại chức cũng vậy. Dẫu biết rằng tại chức có nhiều kẽ hở, nhưng quan điểm xóa bỏ là thể hiện 1 sự bất lực với hệ đào tạo tại chức.

 

Theo em việc mở hệ tại chức để cho những người vì 1 số hoàn cảnh khác nhau theo học, là để lọc lấy những nhân tài, nguồn nhân lực quý, những người thực sự có quyết tâm trên những người không theo học tại hệ chính quy chứ đâu phải là tất cả. Dù chỉ là 1 người trên hàng trăm người của hệ tại chức, thì đó cũng rất đáng quý. Em nghĩ chỉ có biện pháp cân đối nguồn ngân sách cho đào tạo tại chức và thắt chặt việc quản lý thì mới có thể giải quyết được tình trạng này. Còn cụ thể như nào, em hi vọng chúng ta cùng góp ý xây dựng. Cám ơn mọi người đã chú ý.

 

Bạn đọc Thanh

 

Vì ở VN vẫn tuyển chọn nhân tài theo cách phải có bằng cấp nên dù bạn có giỏi đi nữa thì vẫn phải cần có bằng cấp thì mới được tuyển dụng. Vậy nên những người giỏi mà chưa có bằng cấp thì phải đi học để có bằng cấp, còn những người không giỏi cũng phải đi học để có cái bằng cho dễ xin việc. Vậy nên dẫn đến phong trào đi học văn bằng 2, văn bằng 3 nhưng chẳng biết chất lượng như thế nào nữa ???? Nếu ĐN nêu điều kiện phải tốt nghiệp chính quy, mà phải là hạng ưu thì các bạn cũng đừng có phiền lòng vì những nô bộc của nhân dân phải là những con người như vậy.

 

Bạn đọc Thanh Ngọc

 

Không nên phân biệt tại chức với chính quy vì hiện nay có rất nhiều trường đại học không đủ chi tiêu đầu vào và thi tuyển sinh như kêu gọi sinh viên vào trường. Có những trường ĐH dân lập đóng họp phí cao nhưng cũng đều là bằng ĐH. Nếu không mở hệ tại chức thì những sv đó đi học dân lập và cũng có bằng chính quy. Vậy thử hỏi liệu những sinh viên này có kinh nghiệm bằng những người ĐH tại chức không. Những sv tại chức hầu hết là người đã đi làm và thâm niên công tác cũng khá nhiều. Vì để chuyển hóa bằng cấp và lương cơ bản trong biên chế nên họ mới đi học, nếu không họ chẳng đi học làm gì cho mất thời gian và tốn kém. Bản thân tôi nghĩ không nên phân biệt tại chức hay chính quy. Bằng cấp chỉ là một vấn đề trong xã hội bây giờ những những người làm được việc vẫn có tiếng nói hơn.

 

Bạn đọc Nhuhai

 

Theo tôi thì nên nói không. Đọc bài góp ý tôi thấy một số người nói không cũng đúng, nhưng trên thực tế tôi thấy kết quả của việc đào tạo tại chức không cao. Và một nguyên nhân khiến tôi và nhiều người phải lo lắng cho đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước ở các xã, phường hiện nay chủ yếu là được đào tạo tại chức mà ra. Không phải họ học giỏi mà được đi học tại chức, mà do họ học kém thua xa với bạn bè cùng trang lứa, nhà lại có điều kiện do có anh em bố mẹ làm ông này bà nọ rồi cho con cái mình vào làm một chân gì nhỏ trong chính quyền, sau đó nhờ quan hệ được chính quyền cho đi học. Thế là lại về làm việc bằng bè bằng bạn so với những người được đào tạo chính thức. Xã hội biết nhưng ít ai dám lên tiếng... Điều này tôi thấy rất không công bằng với những người được đào tạo chính thức, họ đã cố gắng tìm lối đi cho mình nhưng luôn bị những người như thế cản đường. Họ ra trường đi chăng nữa thì cũng không chen chân vào được vì không phải con ông cháu cha....

 

Bạn đọc N. Thủy

 

Đúng rùi! Có khi những người có bằng cấp chưa chắc đã bằng những người học tại chức đó. CHỉ có điều vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Nếu như thế có lẽ những người có năng lực nhưng vì miếng cơm manh áo sẽ mãi không thể phát triển hơn được hay sao. Tôi nghĩ nên nhìn vào năng lực của người ta chứ.