Dối trá tình trạng thi nghề của HS lớp 12

Kì thi nghề phổ thông của học sinh (HS) lớp 12 THPT năm nay vẫn là một biểu hiện dối trá đáng quan ngại. Tất cả HS tham gia thi nghề chỉ cốt lấy điểm khuyến khích, mà không học hành được gì cả.

Lạ lùng thay, kì thi như thế đã tồn tại mười mấy năm nay?! Đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với từ khóa “học nghề phổ thông”, chúng tôi tìm kiếm một lúc trên trang google đã thấy hàng chục bài viết có nội dung không mấy “thân thiện” với việc học-thi nghề phổ thông.

Thế nhưng ngày 27 tháng 11 năm 2008, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 10945 /BGDĐT-GDTrH “Hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông” tiếp tục duy trì chính sách cộng điểm khuyến khích cho HS có chứng chỉ nghề phổ thông trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh THPT và tốt nghiệp THPT.          

Học và thi nghề phổ thông-những nghịch lý

Lúc chúng tôi còn học phổ thông (năm 1992), đã có chính sách cộng điểm ưu tiên cho HS có chứng chỉ nghề. Và chúng tôi đã không tham gia thi nghề, với suy nghĩ xuất phát từ lòng tự trọng “thà không đậu tốt nghiệp thì thôi chứ không cần cái điểm cộng ấy”. Đến nay, đã hơn một thập kỉ, chính sách trên vẫn tiếp tục được Bộ GD-ĐT duy trì, và đã tạo ra một hệ lụy khôn lường là sự học-thi đối phó để lấy điểm khuyến khích của nhiều thế hệ HS trên cả nước. Việc học-thi nghề như thế vốn xuất phát từ một ý tưởng tốt nhưng lại diễn ra theo chiều hướng tiêu cực bởi những nguyên nhân chính sau:        

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

- Không có nhu cầu thực sự của người học: Tất cả HS đều muốn học lên, đỗ đạt vào các trường ĐH-CĐ, có bằng cấp cao và nghề nghiệp nhàn hạ, thoát ly lao động chân tay. Nếu không thì mục tiêu quan trọng nhất là có tấm bằng tốt nghiệp (THCS hay THPT) rồi mới nghĩ đến tìm kiếm việc làm, học nghề.            

Chương trình học nghề trong trường phổ thông sẽ vô nghĩa đối với những HS thi đậu ĐH-CĐ, và cũng vô ích đối với những HS đi theo con đường nghề nghiệp. Bởi vì các em buộc phải học ở các trường, trung tâm dạy nghề, với chương trình riêng, chuyên nghiệp để bảo đảm kĩ năng hành nghề (hoặc do các em được rèn luyện trong gia đình hay tự học trong thực tiễn).

- Chương trình học quá tải, HS chỉ tập trung học văn hóa là đã không còn thời gian.

- Không đáp ứng các yêu cầu về giáo viên (GV), cơ sở vật chất, thiết bị, danh mục nghề nghiệp…Học nghề là học thực hành, nhưng rất nhiều trường không có thiết bị, cơ sở vật chất gì, GV kiêm nhiệm, không nắm vững kĩ năng nghề nghiệp. Có GV dạy nghề tâm sự: “Mình vốn là GV Sinh, được điều đi dạy nghề, kinh nghiệm về nghề làm vườn của mình còn kém xa HS vốn là con nông dân”.

Nếu không có chính sách cộng điểm, chắc chắc việc thi nghề đã “rã đám” từ lâu; nhưng nay vì có chính sách ấy nên HS cứ “bám” lấy như một cái “phao cứu sinh” cho thi cử.

Vì vậy, tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng đối phó, giả dối.

- Học nghề: Nhốn nháo, vô kỉ luật, vắng nhiều, học không đủ buổi. Nhiều GV đến ngồi chơi một lúc rồi về. Học “nghề” nhưng lại học “chay”, học lí thuyết. Chuyện thi nghề lại còn hài hước hơn nữa.

Thi “nghề” - Trò hề kí      

Năm nay, ở tỉnh nọ, thi nghề diễn ra sớm hơn mọi năm (năm ngoái đến tháng 3 mới thi, năm nay thi từ tháng 11, như vậy là sớm đến gần 4 tháng). Hệ quả là rất nhiều trường chưa dạy xong chương trình, nhưng vẫn thi, vì có hề gì, thậm chí không cần học vẫn thi tốt.

Mọi việc vẫn…như cũ, nghĩa là nhà trường và các thầy cô “tạo điều kiện” hết mức giúp thí sinh hướng đến mục tiêu lấy điểm khuyến khích cộng vào kết quả thi tốt nghiệp (2 điểm, 1,5 điểm  hoặc 1 điểm, tùy theo chứng chỉ Giỏi-Khá hay Trung bình), như một cái “phao cứu sinh” phòng sẵn.

Cũng phông màn, tổ chức lễ khai mạc rất “hoành tráng”…Rồi còn thành lập hội đồng coi thi, tổ chức thanh tra chéo, thanh tra lưu động, học quy chế, niêm yết số báo danh…Tất cả…y như thật.      

Thi lý thuyết: tất cả thí sinh đều chép tài liệu. Thi thực hành: làm quấy quá cho xong một yêu cầu đơn giản. Kết quả: Thí sinh vi phạm quy chế: 0%, thí sinh thi “nghề” đạt yêu cầu:100%! Đúng là “hai bên đều có lợi”: Thầy có thành tích; trò có điểm cộng.

Dối trá tình trạng thi nghề của HS lớp 12 - 1

Trong phòng thi thực hành môn điện dân dụng, chúng tôi phỏng vấn nhanh 2 thí sinh, một nam, một nữ. Câu hỏi: “Em học nghề điện có lắp được mạch điện trong nhà không?”. Thí sinh nam: “Tự em đã lắp được mạch điện do học cùng anh trai là thợ điện”. Thí sinh nữ: “Em chỉ học lí thuyết, không làm được.”.

 

Dối trá tình trạng thi nghề của HS lớp 12 - 2

Bài thi-sản phẩm của giờ thực hành môn điện dân dụng, một chiếc hộp giấy nhỏ trông giống như một cái bao diêm. Khi được hỏi làm cái ấy có tác dụng gì không, một GV dạy nghề nói: “Học thì thi vậy thôi, chẳng để làm gì”. 

      

Nên nhìn thẳng vào sự thật

Một trong những lí do khiến Bộ GD-ĐT duy trì chính sách cộng điểm khuyến khích cho những HS có chứng chỉ nghề phổ thông là nhằm khuyến khích các em học nghề, giúp các em có kỹ năng nghề nghiệp phổ thông ban đầu và tự hướng nghiệp góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. 

Tuy nhiên, cả hai mục tiêu ấy đều không thể đạt được. Với cách thức học-thi như trên, hầu như HS không nắm thêm được một kĩ năng nghề nghiệp hữu ích nào, và đã hàng chục năm qua, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn không hề được khắc phục, thậm chí ngày càng trầm trọng.          

Tất cả GV trao đổi với chúng tôi đều không đồng tình với việc học-thi nghề phổ thông kiểu như trên, phụ huynh cũng không đồng thuận, và HS cũng rất ngán ngẩm. Các nhà quản lý giáo dục từ cấp trường, cấp phòng, sở đều biết như thế, và đều chấp nhận thực tế ấy; một số người còn nói “thôi thế cũng tốt, có cớ để “cứu vớt” con em”!?            

Với cách thức học-thi “nghề” như trên đã làm lãng phí không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức của GV và học sinh. Nhưng nguy hại nhất là đã tạo ra một “trực quan sinh động” về sự giả dối cho bao thế hệ học sinh, góp phần làm băng hoại nhân cách thế hệ trẻ, đi ngược lại nguyên lý giáo dục XHCN.

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Tác giả viết bài trên đây là giáo viên THPT đã tận mắt chứng kiến cách dạy cũng như cách thi nghề dối trá chỉ cốt có điểm khuyến khích cho học sinh được cộng thêm vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, quả thật chỉ tốn thêm thời gian, tiền của và sức lực của cả giáo viên và học sinh, nhất là làm cho học sinh tập quen với sự dối trá, hết sức phản lại với nguyên lý giáo dục, như tác giả bài viết đã nhận xét.

Đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo, nhất là các vụ có chức năng quản lý trực tiếp về vấn đề này nên điều tra cụ thể tình hình được phản ảnh và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.