Đổi mới phương pháp dạy học nhìn từ phía người học

(Dân trí) - Đầu năm học vừa qua, lớp tôi rất hào hứng khi được tin thầy dạy môn tiếng Anh chính là một cán bộ của Đoàn trường. Chúng tôi rất hy vọng các giờ học tiếng Anh cũng sẽ sôi nổi như khi chúng tôi tham gia các giờ hoạt động của Đoàn.

Quả không khác như khi chúng tôi mong đợi, ngay từ tiết đầu tiên, Thầy đã thông báo chúng tôi sẽ học môn tiếng Anh ở phòng nghe nhìn. Điều đó có nghĩa chúng tôi sẽ được học với bài giảng kết hợp hình ảnh và trò chơi trình chiếu trên máy. Quả là tuyệt vời.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Lớp tôi có 45 học sinh, Thầy chia lớp thành 15 nhóm, mỗi nhóm sẽ đảm nhiệm một đơn vị bài học. Thầy cho chúng tôi thời gian bằng nhau để hoàn thành bài của nhóm mình, và sau đó, cứ mỗi tiết học sẽ có một nhóm lên trình bày mục tiêu, tiến trình của bài học ngày hôm đó. Thầy sẽ có nhận xét và góp ý vào cuối mỗi tiết học.

Học sinh chúng tôi ban đầu rất thích thú với cách học này. Chúng tôi được quyền tham gia kiến tạo bài học, được phép thiết kế bài học theo ý mình, lại còn được trình bày ý kiến của mình. Nhưng unit 1 trôi qua, unit 2… đến unit 3 (mỗi học kì môn tiếng Anh có 8 unit) thì chúng tôi bắt đầu cảm thấy không ổn. Chúng tôi hầu như không được cung cấp thêm kiến thức gì về từ vựng, ngữ pháp- hai phần quan trọng của bộ môn Anh văn. Hầu hết chúng tôi đều chú tâm đến bài làm của mình mà không quan tâm đến bài học mà bạn trình bày. Thầy cũng không thể có nhiều thời gian để giảng giải cho chúng tôi những điều chúng tôi chưa hiểu rõ. Những phần bài tập trong sách, chúng tôi cũng được làm, nhưng là làm xong, bạn chỉ chiếu đáp án lên màn hình cho chúng tôi đối chiếu. Những chỗ chúng tôi chưa rõ, những phần lí thuyết cơ bản thì không được giải đáp. Thầy chỉ có thể hướng dẫn, nhận xét nhưng không thể bám sát xem chúng tôi còn yếu chỗ nào để dừng lại và củng cố.

Cuối cùng chúng tôi chọn một giải pháp: đi học thêm để bổ sung phần kiến thức bị hổng và rèn luyện từ vựng để có thể lên lớp theo kịp bài dạy của các bạn.

Đây chính là tâm sự của một học sinh trong một lớp học theo phương pháp mới. Đúng là Thầy giáo đã rất tích cực đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhưng giá như Thầy lắng nghe kịp thời ý kiến phản hồi của học sinh để biết được cả mặt ưu điểm và nhược điểm của cách dạy mới, từ đó Thầy vận dụng phương pháp mới một cách linh hoạt hơn thì kết quả đem lại sẽ tốt hơn  nhiều.

 

Nguyên Thư

 

 

LTS Dân trí - Qua mỗi giờ học, hiệu quả thiết thực đem lại cho mỗi học sinh là những tri thức mới và bước đầu làm quen với việc vận dụng những tri thức đó. Đấy cũng là yêu cầu cơ bản đặt ra với người thầy dù dạy bằng phương pháp mới hay cũ.

 

Bài viết ngắn trên đây cho thấy “một lỗ hổng” trong việc vận dụng phương pháp mới mà thầy giáo chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu cơ bản của bài học, cho nên nếu áp dụng phương pháp mới, tiết học trở nên sinh động hơn, học sinh hào hứng tham gia sôi nổi, nhưng nội dung bài học không nắm vững thì rốt cuộc phương pháp mới chưa phát huy được tác dụng.