Bạn đọc viết:

Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (ĐTBDCBCC) góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển đát nước trong giai đọan mới.

Thời gian qua, công tác này đã thu được những thành tựu đáng kể, giúp cho trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC ngày càng được nâng cao, bộ máy nhà nước  hoạt động có hiệu quả hơn, ngày càng thích ứng với xu thế phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế, do những nguyên nhân khác nhau, công tác ĐTBDCBCC  vẫn còn những hạn chế đáng quan tâm.

Vẫn còn chậm đổi mới và những bất cập

Trước tiên, đó là việc ĐTBDCBCC thực sự chưa chủ động, chủ yếu là khi có công văn từ cấp trên hoặc từ các Trung tâm đào tạo gửi thông báo tuyển sinh. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước căn cứ vào thực trạng CBCC trong cơ quan rồi mới lập danh sách đăng ký. Tuy trong thực tế, việc cử CBCC đi học là có lựa chọn, nhưng chủ yếu dựa vào thâm niên công tác, bậc lương, hoặc quy hoạch. Đi học các lớp này, đa số học viên chỉ học mang tính đối phó là chủ yếu, học để lấy bằng cấp, chứng chỉ, chứ chưa có mục đích rõ ràng, trước hết là để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác. Vì vậy, CBCC tham gia các lớp học thường chỉ nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn về các loại văn bằng, chứng chỉ cần thiết để được bổ nhiệm, được chuyển ngạch cao hơn mà chưa thật sự chú trọng  nâng cao năng lực chuyên môn để làm việc tốt hơn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Thực tế, các cơ quan quản lý cán bộ chưa làm tốt việc xác định các tiêu chí để đánh giá đúng thực chất trình độ và năng lực chuyên môn của CBCC qua họat động thực tiễn để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu hoặc nâng cao những kiến thức mà họ đã được đào tạo trong nhà trường. Vì thế, vấn đề ĐTBDCBCC mang định hướng “cung” mà chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề “cầu”. Nghĩa là ta có gì thì ĐTBD cái ấy, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ sự cần thiết của việc nâng cao kỹ năng thực hiện công việc của CBCC.

Nếu có một cuộc khảo sát, điều tra trong đội ngũ CBCC các cơ quan, ban ngành ở một số địa phương nhất định sẽ có không ít các trường hợp việc ĐTBDCBCC còn những bất cập. Như trường hợp Cô A học có bằng Trung cấp Y tế, sau một thời gian làm việc, để được bổ nhiệm, nâng ngạch hoặc lên lương…lại xin đi học đại học Luật tại chức. Hay như anh B là Kỹ sư tin học lại làm công tác Dân số/kế hoạch hóa gia đình rồi lại được đi đào tạo thạc sĩ về một ngành khác để có cơ hội được đề bạt…Đấy là sự bất hợp lý còn tồn tại trong việc sắp xếp, bố trí cũng như ĐTBDCBCC nhà nước hiện nay.

Cần những đổi mới có tính đột phá

Thực tế cho thấy, việc đổi mới công tác ĐTBDCBCC là một nhu cầu bức thiết và tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của công cuộc cải cách hành chính, mà trong đó, đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới con người là một trong bốn nội dung trọng tâm, cũng như phù hợp với Luật Cán bộ, công chức vừa được ban hành. Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đề ra: “Đổi mới phương thức và nội dung các chương trình ĐTBDCBCC sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành chính, đãm bảo tính thống nhất trong hoạt động của cơ quan hành chính…”.  Đây là một trong những yêu cầu cần thực hiện trong công tác ĐTBDCBCC trong thời gian tới. Đó là việc ĐTBDCBCC theo nhu cầu. Nghĩa là, việc ĐTBD đó phải hướng vào việc đào tạo cái mà người học cần và xã hội cần Theo đó, cơ quan nhà nước trên cơ sở căn cứ vào vị trí công tác, yêu cầu nghiệp vụ cụ thể của từng cán bộ, công chức xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp để ĐTBDCBCC sát với nhu cầu sử dụng CBCC và khả năng thực tế của CBCC. Đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu giúp CBCC chủ động lựa chọn nội dung, chương trình, cơ sở đào tạo và thời gian học tập phù hợp và sát với thực tế. Công chức tự lựa chọn việc học tập sẽ nâng cao tính tự giác và trách nhiệm trong học tập và thực thi nhiệm vụ, là cơ sở để cơ quan sử dụng công chức đánh giá đúng hơn năng lực thi hành công vụ, tránh việc ĐTBDCBCC giống nhau, tràn lan cho mọi đối tượng.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, việc ĐTBDCBCC cần có những đổi mới để góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực quản lý bộ máy nhà nước, thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính nhà nước mà Đảng và nhà nước ta đang triển khai thực hiện./.

Cao Ngọc Linh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Kon Tum

LTS Dân trí - Yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới cũng như  quá trình hội nhập quốc tế đều đòi hỏi nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, làm việc gì cũng cần đến tính chuyên nghiệp, vừa thành thạo trong công việc, vừa có thái độ giao tiếp tận tình, lịch sự, có ý thức cộng đồng trách nhiệm trong các mối quan hệ giao tiếp hằng ngày. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu cải cách bộ máy hành chính cũng như thủ tục hành chính còn nhiều rườm rà, vướng mắc và gây khó cho người dân.

Vì vậy, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức nên xuất phát từ yêu cầu cụ thể của việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công việc để lập kế hoạch mở lớp cũng như biên soạn chương trình, giáo trình cho phù hợp. Tránh việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chung chung, không xác định rõ mục tiêu cũng như đối tương cần đào tạo, bồi dưỡng như bài viết trên đây đã phản ảnh. Làm như vậy vừa gây ra lãng phí nhiều mặt, vừa không đem lại hiệu quả thiết thực.