Tiêu điểm:

Đôi lời thưa cùng Bộ trưởng

(Dân trí) - Trả lời báo chí về tình trạng nhiều điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học, Bộ trường Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận nói chắc nịch: “Tôi nghĩ bình thường. Thi đại học là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại giỏi, kém để tuyển chọn là bình thường”.

Đồng ý một kỳ thi là để phân loại học sinh, tuyển chọn những em khá, giỏi. Tuy nhiên, học sinh đã tốt nghiệp PTTH, thi vào đại học mà kiến thức lịch sử quá kém, kém đến mức quá nhiều điểm 0 và phần còn lại hầu hết là dưới điểm trung bình là hoàn toàn không bình thường.
 
Đôi lời thưa cùng Bộ trưởng - 1

Khi môn Lịch sử có quá nhiều điểm 0 thì không có thể xem là chuyện bình thường được nữa

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định tiếp: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy. Khi tiếng nói của ngành Khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay không nhiều…”

Đồng ý là khoa học lịch sử không dễ kiếm việc bằng các ngành khác như kinh tế, tài chính, tin học…nhưng ngành khoa học xã hội, trong đó có lịch sử ở các quốc gia tiên tiến phát triển rất mạnh. Có thể không có nhiều người theo ngành lịch sử bằng các ngành thời thượng, nhưng họ không có vấn đề học sinh học kém môn lịch sử như chúng ta. Cho nên, đây không phải là vấn đề của thời đại mà là vấn đề của Việt Nam.

Bộ trưởng còn khuyên xã hội: “cần phải bình tĩnh nhìn nhận đầy đủ toàn diện. Học sinh giờ bị hô hào phải học ngoại ngữ, học tiếng Anh, học tin học… thì có những môn như Lịch sử và cả Văn học bị xem nhẹ hơn chút thì cũng dễ hiểu. Mình cần điều chỉnh nhưng đừng coi đó là thảm họa rồi “quy tội” là chú trọng đẩy cái này để sao nhãng cái kia. Việc đó là một chủ trương, đừng quy chụp một chiều”.

Báo chí không quy tội, quy chụp ai mà phản ánh trung thực về điểm lịch sử thấp trong kỳ thi vừa qua. Đây là một thảm họa thực sự về giáo dục, bởi vì không phải một kỳ thi mà nhiều mùa thi qua đã cho thấy học sinh dốt sử một cách khủng khiếp. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, phụ huynh lên tiếng nhưng ngành giáo dục đã không cải thiện được. Cả xã hội đã quá bức xúc nên không thể bình tĩnh được thưa bộ trưởng.

Một đất nước mà còn có nhiều người trăn trở, đóng góp ý kiến xây dựng hoặc phản biện về các vấn đề giáo dục là điều rất đáng mừng. Từ những phản ánh và phản biện đó, ngành giáo dục có thêm thông tin để tham khảo nhằm điều chỉnh hoặc cải cách. Nếu như không tiếp thu chân thành và thiện chí thì khó lòng để làm tốt hơn công việc và trách nhiệm của mình.

Lê Chân Nhân