Trà Vinh:

Doanh nghiệp chiếm đất của dân, gần 10 năm Tòa giải quyết bất thành!

(Dân trí) - Năm 2008, doanh nghiệp sản xuất nước đá ngang nhiên lấn đất của hộ liền kề để xây dựng nhà xưởng với diện tích hàng trăm mét vuông. Thế nhưng, hộ dân bị chiếm đất đi kiện gần 10 năm nhưng Tòa án vẫn chưa giải quyết xong để trả lại quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân.

Mở cơ sở sản xuất nước đá, ngang nhiên lấn đất xây dựng nhà xưởng

Theo đơn trình bày, vào năm 2005, ông Bùi Thiện Dân (ngụ thị trấn Định An, Trà Cú, Trà Vinh) bị nhà nước giải tỏa đất để xây dựng cảng cá Định An. Ông Dân được nhà nước đền bù lại phần đất bề ngang 11,5 m, chiều dài 48 m với tổng diện tích 551 m2. Ông Nguyễn Hồng Nhẫn (ngụ cùng địa phương) có hoàn cảnh bị giải tỏa tương tự nên cũng được nhà nước đền bù cho phần đất giáp ranh với đất của ông Dân.

Tuy nhiên, đến năm 2008 bà Tăng Thị Hồng Nghiệp (vợ ông Nhẫn) thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Phước Hải (chuyên sản xuất nước đá cây - PV) và vợ chồng ông Nhẫn đã xây dựng cơ sở sản xuất nước đá lấn sang phần đất của ông Dân với diện tích 150 m2 ở chính giữa lô đất có chiều ngang 20 m, chiều dài 7,5 m. Ông Dân gửi đơn khiếu nại, chính quyền địa phương tổ chức hòa giải nhiều lần ở địa phương. Khi đó ông Nhẫn không chứng minh được phần đất trên là đất của ông và cũng thừa nhận đã xây dựng lấn qua đất của ông Dân. Tổ hòa giải yêu cầu ông Nhẫn đình việc xây dựng và chuyển lên cấp trên để giải quyết nhưng ông Nhẫn không đồng ý. Sau đó tổ hòa giải chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trà Cú giải quyết.

Phần đất của ông Dân bị cơ sở sản xuất nước đá chiếm xây dựng nhà xưởng
Phần đất của ông Dân bị cơ sở sản xuất nước đá chiếm xây dựng nhà xưởng

Năm 2009, trong lúc TAND huyện Trà Cú thụ lý, giải quyết thì ông Nhẫn tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất nước đá lấn sang phần đất ông Dân với diện tích tăng lên 230 m2 và cắt phần đất ông Dân ra làm 2 phần riêng biệt.

Ngày 22/10/2009, TAND huyện Trà Cú đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và quyết định chấp nhận yêu cầu của ông Bùi Thiện Dân đòi lại đất. Buộc ông Nguyễn Hồng Nhẫn tháo dỡ toàn bộ nhà máy nước đá xây dựng trên phần đất ông Dân theo đúng hiện trạng ban đầu. Sau đó đến năm 2010, TAND tỉnh Trà Vinh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và không chấp nhận kháng cáo của ông Nhẫn.

Không cưỡng chế được vì đất của chồng, vợ đứng tên đăng ký kinh doanh

Sau khi tòa tuyên án, ngày 03/3/2010, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú ra quyết định thi hành án buộc ông Nguyễn Hồng Nhẫn tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng xây dựng trên phần đất tranh chấp để trả lại diện tích 230 m2 cho ông Bùi Thiện Dân. Trong quá trình thi hành án, ông Nhẫn không tự nguyện thi hành. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú củng cố hồ sơ, thủ tục cần thiết để chuẩn bị cưỡng chế. Tuy nhiên, bà Tăng Thị Hồng Nghiệp (vợ ông Nhẫn - PV) cho rằng bà cùng các thành viên trong gia đình là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan nhưng các cấp từ sơ thẩm đến phúc thẩm đều không đề cập đến.

Ông Dân bên phần đất bị chiếm dụng
Ông Dân bên phần đất bị chiếm dụng

Vì vậy, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú ra quyết định hoãn thi hành án và đề nghị TAND tỉnh xem xét lại bản án. Sau đó, TAND tỉnh Trà Vinh có văn bản gửi TAND tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Ngày 15/11/2012, TAND tối cao quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh vì cho rằng: “Trên phần đất ông Nguyễn Hồng Nhẫn lấn chiếm xây dựng 2 nhà xưởng do bà Tăng Thị Hồng Nghiệp (vợ ông Nhẫn) đứng tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Khi giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa bà Tăng Thị Hồng Nghiệp vào tham gia tố tụng là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy khi cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên xử buộc ông Nguyễn Hồng Nhẫn di dời toàn bộ nhà xưởng nhà máy nước đá và các tài sản khác mà ông Nguyễn Hồng Nhẫn xây dựng trên phần đất tranh chấp trả lại đất cho ông Bùi Thiện Dân là chưa đầy đủ và không thể thi hành án được”.

Ông Dân không có nơi để di dời cơ sở hàn, tiện trong khi đất bị chiếm dụng gần 10 năm
Ông Dân không có nơi để di dời cơ sở hàn, tiện trong khi đất bị chiếm dụng gần 10 năm

Sau đó, ngày 3/1/2013, Hội đồng Giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao. Hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh và bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Trà Cú về “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Bùi Thiện Dân và bị đơn ông Nguyễn Hồng Nhẫn. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Sai sót của Tòa án, dân lãnh đủ

Ông Dân rấn bức xúc vì vụ án đúng ra đã giải quyết xong nhưng ở 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại không đưa người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vào bản án nên mới xảy ra sự việc xử lòng vòng. Đây là lỗi của Tòa án nhưng chính gia đình ông Dân bị thiệt thòi khi vụ án kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, đến bây giờ tòa án vẫn tiếp tục “ngâm” không đưa ra xét xử khiến người dân rất bức xúc. Trong khi đó, gia đình ông Dân hành nghề hàn, tiện và kinh doanh phế liệu nên rất cần mặt bằng. Từ khi bị ông Nhẫn chiếm dụng đất gia đình phải đi thuê chỗ chứa hàng để làm ăn, mua bán vừa tốn chi phí vừa rất bất tiện.

Ông Dân bức xúc cho biết: “Không hiểu sao Tòa án vẫn chưa đưa ra xét xử dù vụ việc đã quá rõ ràng. Mỗi khi đợi lâu tôi lên Tòa án hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời “từ từ sẽ đưa ra xét xử”. Trong khi đó, ông Nhẫn chiếm dụng xây dựng nhà xưởng bây giờ gần chục năm nhà xưởng đã hư hỏng ông lại tiếp tục cải tạo lại, thay mới mà chẳng thể nào can ngăn được”.

Việc vụ án chưa được đưa ra xét xử cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cảng cá Định An. Ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Định An (Trà Cú, Trà Vinh) cho biết: “Vụ việc tranh chấp đất đai giữa ông Nhẫn và ông Dân đã được giải quyết hòa giải cách đây gần 10 năm. Việc hòa giải không thành dù đã quá rõ ràng nên chính quyền địa phương đã gửi hồ sơ lên tòa án theo đúng quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay Tòa án vẫn chưa xét xử xong. Chính việc chậm trễ này đã gây khó khăn cho địa phương trong việc giải giải phóng mặt bằng để xây dựng cảng cá Định An. Bởi vì, hiện tại cơ sở hàn, tiện của ông Dân ở ngay mé sông dính vào dự án. Tuy nhiên, địa phương không thể cưỡng chế được do ông Dân không có chỗ để di dời cơ sở vì phần đất được nhà nước cấp đã bị ông Nhẫn chiếm dụng xây dựng nhà máy sản xuất nước đá tới nay chưa giải quyết xong”.

Ông Dân mòn mỏi vác đơn đi kiện đòi đất suốt gần 10 năm
Ông Dân mòn mỏi vác đơn đi kiện đòi đất suốt gần 10 năm

Việc giải quyết tranh chấp cũng được các cấp ở chính quyền địa phương rất quan tâm. Ông Trịnh Hoàng Phong, Chánh Thanh tra huyện Trà Cú cho biết: “Vụ việc này trước đây được huyện Ủy, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt để xử lý. Tuy nhiên, khi các cấp, các ngành tính tới phương án cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng của ông Nhẫn thì phát sinh người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan là vợ ông Nhẫn không được đưa vào bản án. Vì vậy, việc cưỡng chế bị hoãn lại rồi đưa hồ sơ về xét xử lại từ đầu nên kéo dài cho tới nay. Quan điểm của huyện Ủy, UBND huyện là kiên quyết xử lý để tạo sự nghiêm minh của pháp luật”.

Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử và ông Dân vẫn phải đi thuê đất để kinh doanh dù mảnh đất của gia đình mình bị người khác chiếm dụng gần chục năm liền. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Tòa án ông Dân lại lắc đầu ngao ngán vì không biết bao giờ công lý mới được thực thi, gia đình ông mới được sử dụng phần đất đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp.

Minh Giang