Đoàn kết: Chúng ta là sức mạnh!

Khi Bác Hồ nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công", chúng ta đều hiểu rằng: Đoàn kết là cái gốc của thành công.

Cũng nói về vấn đề này, từ xa xưa dân gian có câu: "thuận vợ thuận chồng, biển Đông tát cạn - Thuận bè thuận bạn, tát cạn biển Đông". Vậy là câu ca dao cổ này đã dậy cho ta thêm một tác dụng nữa: Đoàn kết là động lực của thành công!

Nhưng, Đoàn kết chỉ thực sự là cái gốc, là động lực của thành công, khi đó là thứ Đoàn kết thực lòng; Đoàn kết mang tính chiến lược, chứ không mang tính chiến thuật (tiếc thay, người ta lại hay lạm dụng cái chiến thuật này trong ứng xử với đồng bào, đồng chí!).

Trong thực tế lịch sử Dân tộc ta, "Đoàn kết" không chỉ là cái gốc, là động lực; mà Đoàn kết còn là mục tiêu của cuộc sống nữa: thương yêu, đùm bọc trong tình đồng loại, trong "tình làng nghĩa xóm",... vốn là truyền thống nhiều đời của Con Người Việt Nam. Đó chính là tầm cao hơn của Đoàn kết; là tính xã hội rộng nhất, tính nhân văn sâu sắc nhất, tính không vụ lợi rõ rệt nhất và cũng là tình Người cao cả nhất!

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Và mục tiêu Đoàn kết chỉ và chỉ thực hiện được trong môi trường Dân chủ, Bình đẳng; đương nhiên là Dân chủ thật sự, Bình đẳng thật sự. Dân chủ, Bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có Đoàn kết. Không có Dân chủ thì không thể có Bình đẳng; không có Dân chủ, Bình đẳng thì không thể có Đoàn kết. Đó là chân lý vĩnh cửu! Không ai khác, chính Bác Hồ đã từng nhấn mạnh trong "Di Chúc": "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng".

Tư tưởng Dân chủ của Đảng và Bác Hồ trước hết cần được thể hiện trong tất cả các hoạt động của Quốc Hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân Dân. Tiếc rằng cho đến nay, điều đó chưa thực hiện được là bao! Chúng ta hãy nghe tâm sự của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, vị đại biểu quốc hội nổi tiếng "dám nói", khi phóng viên báo Dân trí phỏng vấn ông (ngày 8 tháng 1 năm 2008):

PV: Ông có thể cho những ví dụ cụ thể về sự chưa dân chủ trong hoạt động Quốc hội ?

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: Không ít đâu. Ví như việc bầu các chức danh chẳng hạn. Khi không có số dư thì không có sự lựa chọn nào khác mà không có sự lựa chọn khác thì sao gọi là dân chủ được? Tôi biết rằng khi có người được đề cử xin rút khỏi danh sách đề cử thì nhẽ ra phải được Quốc hội thảo luận có đồng ý cho rút hay không? Rồi việc dự thảo các văn bản luật lại giao cho các Bộ, Ngành chủ trì thì làm sao tránh khỏi sự chủ quan và phiến diện? Cũng cần nói thêm là cho đến giờ, chưa có một luật nào được soạn thảo từ ý kiến của Đại biểu Quốc hội, chưa có đại biểu nào phát hiện được một vụ tiêu cực cụ thể nào và cũng chưa lần nào Quốc hội thực hiện được việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội phê chuẩn. Điều này rõ ràng là luật chưa đi vào cuộc sống và cũng không thể nói những hiện tượng nêu trên đã là thực sự dân chủ.

Nhưng, công bằng mà nói, chính ngay một số vị đại biểu Quốc hội, nhiều khi cũng không thực thi quyền dân chủ của mình trong vai trò đại diện cho Dân, nói lên tiếng nói dân chủ của Cử tri.  Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (khoá XI) ngày 3 tháng 5 năm 2006, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã phải nói: "... chúng ta chưa làm cho các đại biểu QH có dũng khí, sự mạnh dạn để dám nói..." (Báo Thanh Niên số 124 ngày 4/5/2006). Làm sao mà người "đại diện cho quyền lực của Dân" lại yếu đuối đến thế? Khi Cử tri tín nhiệm bầu một người vào Quốc hội, thì nhất định người đó phải có đủ trình độ kiến thức và sự dũng cảm cần thiết, để nói được tiếng nói của Dân, thực thi quyền lực của Dân trong việc giám sát các hoạt động của Chính phủ. Không làm được như thế thì tham gia Quốc hội để làm gì? Đại biểu Quốc hội là phải biết "giơ tay" biểu quyết, tức là biết thể hiện chính-kiến-của-cử-tri. Nhưng trước khi "giơ tay", cần phải biết thảo luận, tranh luận để tìm ra chân lý của vấn đề. Nếu không, sẽ chỉ là một dạng khác của... "nghị gật"!

Mặt khác, công việc điều khiển các cuộc thảo luận, tranh luận ở Quốc hội, phải mang tính định hướng tư duy, chứ không áp đặt tư duy. Càng không thể là thầy giáo hướng dẫn học trò thảo luận bài học! Đấy chính là Dân chủ trong hoạt động Quốc hội!

Đến đây, cũng cần nhắc lại một chút Lịch sử: ở nước ta, người đề cập và hô hào sớm nhất vấn đề Dân quyền, chính là cụ Phan Tây Hồ. Theo cụ, "Dân chủ vừa là phương pháp để tự cường, vừa là cứu cánh, là mục đích tự nó nữa". Cái lý để cụ Phan coi trọng Dân chủ là: "Quốc tương hưng tắc thỉnh chư Dân!". Điều đó chứng minh cuộc đấu tranh cho Dân chủ ở nước ta đã được các bậc Cách mạng tiền bối chú trọng từ rất sớm. "Dân chủ" chính là mục tiêu đầu tiên, trước hết của cuộc đấu tranh giải phóng Dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc.

Không phải ngẫu nhiên khi cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Bác Hồ lại đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Trong đó, yếu tố Dân chủ được đặt lên trước tiên!

Một chế độ Dân chủ trong một nền Cộng hòa, là sự đảm bảo chắc chắn cho một Nhà nước Độc lập và một cuộc sống Tự do Hạnh phúc cho Nhân dân, ít nhất cũng là điều đúng đắn ở thời điểm ấy.

Dân chủ để Đoàn kết, Đoàn kết trong Dân chủ - đó là kỳ vọng hàng đầu mang tính thời đại; là sức mạnh vô địch của tư tưởng Hồ Chí Minh!

Trần Huy Thuận

LTS Dân trí - Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân thì bao giờ cũng chủ trương “thực hành dân chủ rộng rãi” đúng như tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, như tác giả bài viết trên đây đã phân tích và khẳng định..

Xã hội càng tiến lên thì nội hàm dân chủ càng phong phú và đa dạng hơn; cách thức thực hiện rộng rãi dân chủ cũng phải đổi mới kịp với xu thế phát triển. Chỉ có như vậy mới bảo đảm được sự đoàn kết rộng rãi và thật lòng của mọi người trong xã hội để cùng phấn đấu cho mục tiêu chung là “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đối chiếu với tình hình thực tế, còn nhiều điều bất cập trong việc “thực hành dân chủ rộng rãi”; một mặt vì quyền dân chủ của người dân trong các lĩnh vực hoạt động chưa được thể chế hóa một cách đúng đắn và đầy đủ; mặt khác, nhiều nơi nhiều lúc cách thức tổ chức “thực hành dân chủ rộng rãi” còn nặng về “hình thức” mà chưa đi vào thực chất.