Đỗ tốt nghiệp cao vọt, liệu có thực chất?

(Dân trí) - Nhiều ngày qua, các Sở GD-ĐT liên tiếp công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hầu như địa phương nào cũng có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao, vượt xa so với các năm trước, nhiều trường đỗ 100%; riêng hệ GDTX, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay còn tăng cao đột biến.

Nhìn lại lộ trình ba năm qua, nhiều địa phương đã có những “cú nhảy” ngoạn mục. Năm 2009, nhiều người dân Hà Tĩnh xôn xao vì kết quả tốt nghiệp của tỉnh tụt xuống còn 74% hệ THPT và 22% hệ giáo dục thường xuyên.

 

Năm nay Hà Tĩnh có tỉ lệ đậu tốt nghiệp lên đến 99,14% ở hệ THPT và 97,61% ở hệ giáo dục thường xuyên. Các tỉnh  Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn trong các năm trước đều đứng cuối bảng xếp hạng về tỉ lệ đậu tốt nghiệp, thì năm nay tỉ lệ đậu cũng ở mức cao...

Những con số, kết quả của năm nay thật đẹp, thật mỹ mãn. Nếu những con số, kết quả tốt nghiệp lần này phản ánh đúng thực chất việc dạy học của thầy trò ở nhà trường phổ thông thì đây thực sự là tín hiệu vui, đáng mừng, đáng tự hào, ghi nhận nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi của ngành giáo dục. Thử tìm các nguyên nhân, yếu tố nào đã góp phần làm cho kết quả, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay lại “tăng trưởng” ngoạn mục đến vậy?

Có kinh nghiệm ôn tập

Không phủ nhận việc nhà trường, thầy cô giáo đã có nhiều kinh nghiệm, phương pháp tốt trong quá trình giảng dạy, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh ở  năm tốt nghiệp thứ 3 của chương trình phân ban bậc THPT.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Chú trọng rèn cặp đối tượng học sinh yếu kém, tăng cường thời lượng ôn tập, tập trung củng cố, đào sâu kiến thức trọng tâm, cơ bản, lên kế hoạch, tổ chức nhiều lần thi thử tốt nghiệp, thi đại học, tuy có căng thẳng, gây áp lực nặng nề cho các em nhưng cái được thấy rõ, buộc học sinh phải lo học, làm cho học sinh phải chuẩn bị tốt, chu đáo về kiến thức và kỹ năng các môn thi.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách vở, các tài liệu tham khảo ngày càng đầy đủ, dồi dào hơn, đã hỗ trợ tích cực cho thí sinh rất nhiều, tạo cho các em tâm thế chủ động, tự tin trong quá trình học và thi. Hơn nữa, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của Bộ GD &ĐT trong các môn học, đề thi rất rõ ràng, cụ thể bằng các văn bản, cấu trúc đề thi tốt nghiệp, được triển khai khá sớm đến từng học sinh.

Đề thi có môn quá dễ, đề trắc nghiệm ít phiên bản đề

Đề thi các môn nhìn chung là vừa sức, sát kiến thức- kỹ năng cơ bản, nhiều em hoàn thành bài làm trong thời gian ngắn, bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng rất phấn khởi, mừng vui. Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo bộ môn toán thì đề thi môn toán năm nay quá nhẹ, quá dễ so với các năm trước, do đó, điểm môn toán ở hầu hết các hội đồng thi đều cao chót vót.

 

GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhận xét: “Đề thi của cả sáu môn thi năm nay đều dễ hơn năm 2010. Đề dễ thì nhiều thí sinh làm được bài và tỉ lệ tốt nghiệp tăng là việc đương nhiên”.


Đỗ tốt nghiệp cao vọt, liệu có thực chất? - 1

Kỷ luật phòng thi được xem là vấn đề cốt lõi để có kỳ thi nghiêm túc, đúng thực chất (Ảnh internet).

Năm nay, đề thi các môn trắc nghiệm: vật lý, sinh học và ngoại ngữ, có điều làm giới chuyên môn thất vọng là số lượng phiên bản đề quá ít chỉ có từ 4 đến 6 bản đề, ít hơn một nửa so với các năm trước. 12 bản đề mà nhiều thí sinh vẫn có thể truyền ký hiệu, trao đổi, quay cóp bài của nhau được; mà năm nay, chỉ có 4-6 bản đề thì các thí sinh càng thuận lợi, dễ dàng “qua mặt” giám thị.

Có điểm nghề, không có tính cạnh tranh

Mặt khác, hầu hết học sinh lớp 12 đều tham gia học nghề (dù chỉ học chiếu lệ), đều có điểm khuyến khích cộng điểm tốt nghiệp, từ 1 đến 2 điểm. Theo thống kê nhiều trường, thì khoảng 5- 10% thí sinh được “cứu” từ việc có điểm khuyến khích đó, khi điểm thi ngấp nghé 28, 29. Điểm nghề tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, góp phần đưa tỉ lệ đậu tốt nghiệp nhiều trường , nhiều địa phương tăng lên. 

Kỷ cương chưa nghiêm

Kỷ luật phòng thi được xem là vấn đề cốt lõi để có kỳ thi nghiêm túc, đúng thực chất. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy có không ít chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng thi cũng như các giám thị coi thi có thái độ không triệt để, dứt khoát.

Vẫn còn sính bệnh thành tích, muốn cho địa phương mình, trường mình luôn đỗ cao. Vẫn có tâm lý thương học trò, cho tụi nó đậu hết cho rồi, chỉ có cái tấm bằng tốt nghiệp THPT thì làm được cái gì giữa thời đại bây giờ.

Nhiều cán bộ quản lý và giám thi tự mâu thuẫn với mình, một mặt muốn kỳ thi nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất, để học sinh biết lo học, không chủ quan, chây lười nhưng khi coi thi lại quá dễ dãi, buông lỏng, để mặc thí sinh làm gì thì làm, thấy thí sinh ngang nhiên sử dụng tài liệu, quay cóp vẫn không lập biên bản.
 
Đỗ tốt nghiệp cao vọt, liệu có thực chất? - 2

(Ảnh internet)

Trong việc chấm thi cũng có biểu hiện rõ rệt về “căn bệnh thành tích” tái phát. Không biết vì lý do gì mà có cuộc họp ngày 5/6 tại TP Cần Thơ của các chuyên viên bộ môn ngữ văn của Sở GD-ĐT 11 tỉnh ĐKSCL và đã đưa ra Biên bản hướng dẫn thống nhất cách chấm và cho điểm môn ngữ văn. Nội dung của “Biên bản” hướng dẫn này hoàn toàn khác so với Văn bản hướng dẫn chấm thi của Bộ. Nhiều giáo viên tham gia chấm thi, đã phải lên tiếng trước biên bản hướng dẫn sai trái và vô lý đó.

Một điều rất đáng quan tâm là hai năm nay, không còn lực lượng thanh tra của Bộ GD-ĐT “cắm chốt” tại các Hội đồng thi nữa, tất cả thành phần của hội đồng coi thi đều là nội bộ, “người nhà” cả thì công tác tổ chức coi thi có đảm bảo tính khách quan, chân thực, nghiêm túc thật sự không?

Những biểu hiện thường gặp trong những kỳ thi tốt nghiệp trước năm 2006, (từng bị triệt tiêu gần như hoàn toàn trong các năm từ 2007 đến 2009, khi có chủ trương “Hai không”, có lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ) thì nay đã tái xuất, hoành hành trở lại.

 

Lãnh đạo hội đồng đến giám thị, người làm bảo vệ... cũng thi đua nhau gởi “gà”. Thậm chí, có cả cảnh giám thị nháp bài, dàn xếp giám thị người A, người B, vào phòng K để “hỗ trợ” cho “gà” vượt khó.

Chúng tôi cũng rất đồng tình với ý kiến giáo sư Văn Như Cương cho rằng :”những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng đột biến nhưng chưa thể hiện nỗ lực trong việc phấn đấu nâng cao chất lượng dạy học, khắc phục tình trạng học sinh yếu kém thì Bộ GD-ĐT cần xem xét lại tính khách quan, nghiêm túc trong khâu coi thi”.

Là “người trong cuộc”, chúng tôi thiết tha mong rằng  ngành giáo dục chúng ta không được từ bỏ việc thực hiện chủ trương “Hai không”. Chỉ có như vậy mới không thấy hổ thẹn với lương tâm nghề nghiệp của những người Thầy đã được nhân dân tin cậy giao cho nhiệm vụ cao cả “trồng người”, vì tương lai của đất nước, và tương lai của mọi gia đình.

 

Hoàng Việt

LTS Dân trí - Vốn là “người trong cuộc”, thầy giáo nào cũng thấy mừng về kết quả tốt nghiệp cao của học trò, nếu kết quả đó phản ánh đúng thực chất. Nhưng với tâm huyết của người Thầy, thật lòng vì sự tiến bộ của học trò cũng như vì tương lai của nền giáo dục nước nhà, những người Thầy chân chính không thể yên tâm về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Cùng với bài viết trên đây của một thầy giáo lâu năm trong nghề đã trực tiếp tham gia coi thi, chấm thi nhiều năm, còn nhiều ý kiến của các nhà giáo gửi đến báo Dân trí phản ảnh về tình hình tổ chức và chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp thiếu nghiêm túc, chủ yếu do Bộ giao “quyền tự chủ” cho các Sở GD-ĐT, không còn lực lượng Thanh tra “cắm chốt” của Bộ, cho nên khâu trông thi cũng như chấm thi đều có sự “nới tay” và “căn bệnh thành tích” lại có điều cơ hội tái phát mạnh mẽ ở không ít địa phương. Điều đó giải thích vì sao những địa phương vốn yếu kém về giáo dục thì năm nay cũng đỗ tốt nghiệp hơn 90%!

Mong rằng Bộ GD-ĐT cũng như các cấp quản lý giáo dục lắng nghe những ý kiến đóng góp của chính những “người trong cuộc” để thấy được tình hình thực tế diễn ra trong kỳ thi vừa qua, để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và  nâng cao hơn nữa kết quá về thực chất của những kỳ thi tiếp theo.