Điều tra theo đơn thư: Hàng loạt vụ việc cán đích, Báo Dân trí ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc

(Dân trí) - Năm 2015, hoạt động điều tra theo đơn thư bạn đọc trên báo Dân trí đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc với hàng loạt vụ việc cán đích, giải cứu nhiều số phận khỏi cảnh oan sai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và bóc trần những hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ tha hoá. Những tuyến bài điển hình như “Kỳ án 194 phố Huế”; “Vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253 m2 đất huyện”; “Vụ 146 Quán Thánh”; “Vụ chiếc dùi đục tưởng tượng”; “Ém nhẹm bản án đẩy dân vào cảnh màn trời chiếu đất”…

Kỳ án 194 phố Huế: 80 bài báo và bản án 30 tháng tù treo với Trịnh Ngọc Chung

Kỳ án 194 phố Huế với việc bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng lộng quyền, bất chấp pháp luật ra quyết định cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế đẩy cả một gia đình vào cảnh tan cửa nát nhà đã được báo Dân trí vào cuộc điều tra, đeo đuổi trong suốt 80 bài báo. Từ vị trí quyền lực là Chi cục trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đến ngày Trịnh Ngọc Chung phải cúi đầu trước vành móng ngựa chấp hành bản án tù là thể hiện sự chiến thắng của công lý, sự nghiêm minh của pháp luật trước tính chiến đấu không khoan nhượng của báo Dân trí trong sự đồng hành, ủng hộ của hàng triệu bạn đọc và dư luận xã hội.

Điều tra theo đơn thư: Hàng loạt vụ việc cán đích, Báo Dân trí ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc - 1

Trịnh Ngọc Chung bị tuyên phạt 30 tháng tù treo sau hơn 80 bài báo điều tra của Dân trí.

Trịnh Ngọc Chung bị tuyên phạt 30 tháng tù treo sau hơn 80 bài báo điều tra của Dân trí.

Sau khi báo Dân trí đăng tải những thông tin điều tra về vụ việc, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, dù bị cáo Chung kiên quyết chối tội nhưng đại diện Viện kiểm sát khẳng định đủ căn cứ truy tố xử lý bị cáo Trịnh Ngọc Chung ra trước vành móng ngựa để xét xử theo đúng qui định pháp luật với những dấu hiệu phạm tội đã được làm rõ sau quá trình điều tra.

Đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định bị cáo Chung đã cố ý phạm tội đến cùng nên cần phải cách ly để giáo dục bởi tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho xã hội. Theo đó, căn cứ khoản 3, Điều 296 của Bộ Luật hình sự, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5-6 năm tù. Đồng thời bị cáo Chung phải bồi thường số tiền hơn 6,6 tỷ đồng cho phía bị hại là gia đình 194 phố Huế.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Ngô Tiến Phong đã thay mặt cho HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo, mức án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Sau phiên tòa sơ thẩm, sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận cũng như sự bất bình của công luận với mức án được cho là quá "bèo" với Trịnh Ngọc Chung còn nóng bỏng trong một thời gian dài.

Trước kháng cáo của cả bị cáo Trịnh Ngọc Chung và gia đình 194 phố Huế, TAND Tối cao đã chính thức ra bản án khẳng định Trịnh Ngọc Chung là tội phạm với bản án 30 tháng tù treo.

Vụ 146 Quán Thánh: Hơn 40 kỳ báo đấu tranh giải cứu hàng chục người dân ngập trong nước thải giữa thủ đô

Nhà 146 Quán Thánh có nguồn gốc là một biệt thự rộng hơn 300m2xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhà có một đường cống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình, rồi đổ thẳng vào cống thoát nước lớn ở phố Đặng Dung. Qua nhiều chục năm sử dụng, hệ thống thoát nước vẫn hoạt động ổn định. Từ tháng 7/2013, khu dân cư bất ngờ chìm trong nước thải không rõ nguyên nhân. Lời kêu cứu của hàng chục con người trong cơn tuyệt vọng rơi vào sự im lặng bất thường của chính quyền quận Ba Đình.


Sau hơn 40 bài điều tra của Dân trí, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận hàng loạt sai phạm trong vụ 146 Quán Thánh.

Sau hơn 40 bài điều tra của Dân trí, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận hàng loạt sai phạm trong vụ 146 Quán Thánh.

Từ đầu năm 2015, báo Dân trí đã vào cuộc và liên tục thông tin với hơn 40 bài báo phản ánh cuộc sống khốn cùng của 11 hộ dân sống tại biển số nhà 146 Quán Thánh, đồng thời điều tra bóc tách hàng loạt căn nguyên bất thường của sự việc.

Sau nỗ lực quyết tâm không ngừng nghỉ của người dân cũng như báo Dân trí, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước truy tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tại biển số nhà 146 Quán Thánh.

Nguyên nhân cuối cùng cũng được xác định là do đường cống thoát nước chung dưới nền nhà số 5 Đặng Dung có dấu hiệu bị bịt lại bằng bê tông và giẻ rách. Câu hỏi lớn được đặt ra là cuốn sổ đỏ của nhà số 5 Đặng Dung đã được ai đó ký cấp đè lên cả cống thoát nước chung. Đích thân Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo thanh tra việc cấp sổ đỏ cho nhà số 5 Đặng Dung.

Mất nhiều công sức và tiền của, UBND quận Ba Đình và các cơ quan chức năng mới tìm ra chiếc cống “mất tích” dưới nền nhà số 5 Đặng Dung đã “nhấn chìm” 11 hộ dân phải sống cảnh ngập ngụa trong ô nhiễm, xú uế hơn hai năm qua. Tuy nhiên, thay vì tìm phương án thông tắc đường cống cũ, UBND quận Ba Đình lại lên kế hoạch chi 480 triệu đồng xây đường cống mới với phát ngôn gây bão dư luận “Xây cống mới không phải hỏi ý dân” của ông Nguyễn Phong Cầm - Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 10/11/2015.

Phát ngôn “không phải hỏi ý dân” của ông Nguyễn Phong Cầm đã khiến cả Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc phải bất bình thốt lên: “Nói rằng không cần lấy ý kiến người dân thì người đó không những chỉ là dại dột, mà đó là người dốt”.

Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí, Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức công bố kết luận vụ 146 Quán Thánh, khẳng định đường cống thoát nước chung bị tắc dưới nền nhà số 5 Đặng Dung. Hàng loạt sai phạm phát lộ: Cấp sổ đỏ cho nhà số 5 trên cả đất sinh hoạt chung, đè lên cống thoát nước của cả khu dân cư 146 Quán Thánh; 3 tầng nhà số 5 Đặng Dung xây không phép phá vỡ quy hoạch phố cổ không hề bị cơ quan chức năng xử lý. Trước những sai phạm trên, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị xử lý rút kinh nghiệm với chủ tịch quận Ba Đình; Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường Quán Thánh và xử lý nghiêm các cán bộ có sai phạm về quản lý trật tự xây dựng; Điều chỉnh sổ đỏ nhà số 5 Đặng Dung theo quy định pháp luật.

Thanh tra TP Hà Nội cũng đề nghị UBND quận Ba Đình tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của các hộ dân tại số nhà 146 Quán Thánh khẩn trương thực hiện việc lắp đặt cống giải cứu người dân khỏi cảnh ngập trong nước thải.

Vụ “phơi nắng bị cáo tại sân toà”: Thoát cảnh lao tù và lá thư xúc động cảm ơn Báo Dân trí

Vụ án “Cố ý gây thương tích” liên quan đến bị can Vương Xuân Khích bị Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) khởi tố khi tỷ lệ thương tích chỉ 4%, không có vật chứng được thu giữ trong vụ án và quyết định khởi tố cách thời điểm gây án hơn 1 năm được báo Dân trí đeo đuổi, điều tra trong suốt nhiều tháng.

Bị cáo Vương Xuân Khích bị khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích” theo Quyết định khởi tố số 183 ngày 28/10/2014 của Cơ quan Công an huyện Quốc Oai.

Vụ án còn gây sự chú ý của dư luận khi trước đó bị cáo Vương Xuân Khích đã bị nhốt trong xe thùng “phơi” giữa trời nắng như đổ lửa đợi hội đồng xét xử.

Với hàng loạt bất thường trong vụ án được báo Dân trí thông tin rộng rãi trước công luận, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai đã ký Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, trả tự do cho bị cáo Khích. Báo Dân trí đã nhận được bức thư cảm ơn xúc động của ông Vương Xuân Khích:

Lời đầu tôi xin kính chúc sức khỏe Ban Biên tập, kính chúc sức khỏe nhà báo Anh Thế, hôm nay trước sự vui mừng khôn xiết của bản thân tôi và toàn thể gia đình, tôi xin được gửi thư này đến quý Báo lời trân trọng và cảm ơn sâu sắc!

Kính thưa quý Báo!

Bản thân tôi đã từng là bị can, bị cáo trong một vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai khiến cho cuộc đời tôi như đã từng chết đi rồi lại được hồi sinh sống lại khi đến nay vụ án đã kết thúc bởi quyết định đình chỉ. Tôi bị bắt giam đến tận hơn 4 tháng trời, khoảng thời gian tôi nằm trong tù ngục thì gia đình, vợ con tôi biết rằng tôi bị oan sai nên đã cố gắng kêu cứu các cơ quan công quyền, gửi đơn thư đến rất nhiều cơ quan nhà nước để minh oan cho tôi, trong những lá đơn được gửi đi rất may mắn cho gia đình, bản thân tôi là đã gửi được đến Báo Dân trí mà ngày hôm nay tôi như được sống lại một lần nữa. Hiện tại tôi đã được tự do, không phải vướng vào vòng lao lý khổ cực.

Biết được sự việc quý báo đã kịp thời chuyển tải thông tin, nội dung đúng với bản chất thật của vụ án, thêm sự nỗ lực cố gắng bào chữa, minh oan cho thân chủ của luật sư Vi Văn Diện và luật sư Vũ Thế Hợp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), đến nay cơ quan công an huyện Quốc Oai đã phải quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với tôi chỉ vì họ cho rằng tôi đã phạm tội cố ý gây thương tích cho bị hại Vương Thị Toàn chỉ với thương tích 4% sức khỏe mà không có vật chứng gì điều tra.

Quý báo kính mến, hiện nay tôi đã được trả tự do, không phải ăn cơm tù nhờ sự vào cuộc kịp thời của quý báo trong vụ án của tôi, đúng như người thầy thuốc đã mang lại cho tôi cuộc sống, đã khiến cho công lý được thực thi, bản thân tôi được vô tội. Tôi không biết nói gì hơn, không có gì có thể cảm tạ được tờ báo tri ân của mình bằng lời cảm ơn trân trọng nhất, cảm ơn quý báo rất nhiều!".

Vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253 m2 đất huyện: 26 bài báo kéo mức thuế về 0 đồng cho cụ bà 75 tuổi


Cụ bà 75 tuổi đã chạm một tay vào công lý sau hơn 30 bài báo điều tra của Dân trí.

Cụ bà 75 tuổi đã chạm một tay vào công lý sau hơn 30 bài báo điều tra của Dân trí.

Đầu tháng 7/2015, Báo Dân trí nhận được đơn cầu cứu của Đàm Thị Lích phản ánh về việc bà bị áp mức thuế “khổng lồ” lên đến 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất. Nhiều tháng tìm hiểu và thông tin khách quan nhất, Báo Dân trí đã viện dẫn ý kiến của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, Cục thuế tỉnh, UBND huyện Đức Trọng, bên cạnh đó, sự phân tích sâu sắc của Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM đã làm sáng tỏ được nhiều điểm “mập mờ”, khuất tất trong vụ áp thuế “kỳ lạ” đối với cụ bà 75 tuổi.

Nguyên do được xác định là cách làm việc cẩu thả, tắc trách của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đức Trọng tron khi xác định nguồn gốc đất của bà Lích đẩy một cụ bà 75 tuổi vào cảnh “kêu không ai thấu”.

“Quả bóng” trách nhiệm đã được các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đá qua đá lại cho nhau suốt nhiều tháng trời. Hơn 20 bài báo của Dân trí đã có kết quả khi UBND huyện Đức Trọng đã có báo cáo gửi lên UBND tỉnh Lâm Đồng xin ý kiến, đồng thời kiến nghị không thu tiền sử dụng đất đối với 253m2 đất của bà Lích mà trước đó mảnh đất này bị áp thuế 5,7 tỷ đồng.

Giải cứu” 2500 nhân khẩu phường Thanh Nhàn ra khỏi quy hoạch treo nửa thế kỷ

Tháng 9/2015, báo Dân trí nhận được đơn của đại diện gần 600 hộ gia đình thuộc cụm dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội phản ánh: Hàng chục năm qua, người dân nhiều thế hệ khu dân cư số 4 phải chịu đựng cuộc sống khó khăn do nằm trong quy hoạch công viên Tuổi trẻ Thủ đô lập từ năm 1970, nhưng từ đó đến nay dự án chưa được triển khai. Do thuộc vùng quy hoạch “treo”, các hộ dân ở đây có đất mà không được cấp sổ đỏ, có tiền không được sửa chữa xây dựng nhà mới, hộ khẩu không được nhập - tách, đe dọa nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của người dân.

Ghi nhận thực tế mới thấu hiểu hết cuộc sống khốn đốn mà 2500 nhân khẩu nơi đây đối mặt hàng ngày khi nhà 8 - 10 nhân khẩu sống chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 rộng chưa đầy 10m2, nhà có thể đổ sập bất thình lình mỗi lúc thời tiết mưa bão do bị mục nát kéo dài chưa được sửa chữa do nằm trong vùng quy hoạch “treo” suốt gần nửa thế kỷ.

Sau khi báo Dân trí phản ánh cuộc sống khó khăn và những rủi ro rình rập mà 2500 nhân khẩu ngày đêm đối mặt, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Quận ủy - UBND quận Hai Bà Trưng đã vào cuộc kiểm tra, họp bàn và thống nhất các phương án “giải cứu” cụm dân cư số 4 phường Thanh Nhàn báo cáo TP. Hà Nội, trong đó có phương án đưa gần 600 hộ gia đình ra khỏi vùng quy hoạch “treo” nhiều chục năm qua.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố lần thứ 14, cụm dân cư số 4 phường Thanh Nhàn đã được đón nhận tin vui khi ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng xác nhận việc đề xuất báo cáo TP. Hà Nội chỉ thực hiện giai đoạn 2 dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên diện tích 12ha, thay vì 26ha như kế hoạch. Thực hiện theo phương án này, người dân sẽ có điều kiện cải tạo, xây dựng nhà ở. Theo phương án này Thành phố cũng giảm được kinh phí đầu tư 2000 tỷ đồng, không phải lo phương án di dời và tái định cư cho khoảng 800 hộ gia đình.

Anh Thế - Ngọc Cương