Điều đáng lưu ý về tình hình dân số nước ta

Tôi nhận thấy gần đây có những ý kiến trái chiều về tình trạng biến động dân số ở Việt Nam, như mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba và nội dung bản Pháp lệnh dân số năm 2003. Tôi có một số ý kiến muốn được trao đổi về những vấn đề đó.

Thứ nhất về mức sinh, theo các cuộc điều tra biến động dân số hằng năm do Tổng cục thông kê tiến hành thì mức sinh ở Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế là 2,1 con vào năm 2005. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ trong cả cuộc đời của mình sẽ sinh khoảng hai con. Trước hết phải khẳng định là nguồn số liệu về dân số do Tổng cục thông kê cung cấp là nguồn số liệu chính thống được điều tra một cách hệ thống và có độ tin cậy. Xu hướng giảm sinh ở Việt Nam quan sát được trong hơn 10 năm qua.

Việc đánh giá qui mô dân số không thể dựa trên con số của một năm nào đó mà phải căn cứ vào xu hướng diễn biến của nó trong một thời gian đủ dài. Điều này là hết sức quan trọng ở Việt Nam khi mà đại bộ phận dân chúng vẫn tin rằng việc sinh con sẽ tốt hơn trong một số năm nhất định nào đó, tùy theo con giáp và tuổi của người mẹ.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Do vậy sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta quan sát thấy số trẻ em được sinh ra tăng đột biến trong một số năm nào đó. Ví dụ như năm 2000 Canh Thìn, hay 2003 Quý Mùi. Những cũng phải khẳng định rằng mức gia tằng này là không đáng kể (không vượt quá 10% mức sinh của năm trước đó) và trên hết những biến động nhất thời này không thay được xu hướng giảm sinh mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua và cả trong những năm tiếp theo.

Thứ hai về tỷ lệ sinh con thứ ba, cũng theo các nguồn số liệu trên thì cùng với quá trình giảm sinh chung trên phạm vi cả nước, tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ ba cũng đã giảm đi trong suốt thập kỷ qua. Tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ ba hiện nay chỉ còn dưới 17% là rất thấp. Chính tỷ lệ cặp vợ chồng có từ ba con trở lên thấp như vậy, bù trừ với những cặp vợ chồng chỉ có một con thì mới tạo nên mức sinh chung của cả nước là khoảng hai con. Qua các cuộc điều tra với các qui mô và tính đại diện khác nhau về số con mong muốn của các cặp vợ chồng đều chỉ ra tỷ lệ các cặp vợ chồng mong muốn có ba con trở lên cao hơn nhiều so với tỷ lệ này trên thực tế. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được vì từ mong ước đến thực tế quyết định thêm một người con sau khi đã có hai con là cả một câu chuyện dài của các cặp vợ chồng, khi mà chi phí để nuôi dạy một người con ra đời ngày càng tốn kém. 

Tuy nhiên một điều đáng quan ngại chính là tỷ lệ gia đình một con đang ngày một gia tăng ở cả khu vực nông thôn và thành thị trong suốt thập kỷ qua. Trong xã hội ta, khi mà tâm lý ưa chuộng con trai và nhu cầu có con trai vẫn còn rất lớn trong đại bộ phận dân chúng, thì phần lớn các gia đình có một con lại là có một con trai. Điều này có nghĩa là nếu lần sinh đầu tiên là con trai, thì các cặp vợ chồng có xu hướng dừng, không sinh thêm con nữa.

Nhưng ngược lại, nếu con đầu lòng là con gái thì họ có xu hướng sẽ tiếp tục sinh thêm con thứ hai, thậm chí là con thứ ba. Quan sát này không phải là mới. Tuy nhiên, trong quá khứ khi qui mô gia đình còn lớn tới 3-4 con thì biện pháp này hầu như không ảnh hưởng gì đến cơ cấu giới tính của dân số. Nhưng câu chuyện ngày hôm nay đã khác, khi mỗi gia đình chỉ còn 1-2 con thì số lượng con trai đã trở lên nhiều hơn so với số con gái, đặc biệt ở các gia đình một con. Chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ số giới tính ở những đứa con đầu tiên khi phân tích tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam. Thực chất của hiện tượng gia tăng nhanh chóng tỷ số giới tính khi sinh gần đây là sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ các gia đình có một con trai trong dân số, trong khi tỷ lệ gia đình một con gái lại hầu như rất thấp.

Bên cạnh việc thực hiện phá thai chọn lọc giới như là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất căn bằng giới tính khi sinh, nổi lên như một vấn đề lớn nhất của dân số Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thập kỷ tới, thì việc tiếp tục theo đuổi chính sách dân số gia đình qui mô nhỏ trong hoàn cảnh mức sinh đã giảm mạnh như trình bày ở trên sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng mất căn bằng giới tính.

Sở dĩ như vậy là vì dân số có sự tự điều chỉnh mức cân bằng giới tính. Giả sử cơ cấu giới tính của những đứa trẻ của các gia đình hai con là cân bằng. Khi đó, để cân bằng lại về cơ cấu giới tính của một số cặp vợ chồng có một con trai, sẽ cần đến một tỷ lệ tương tự các cặp vợ chồng có ba con, với hy vọng sẽ có nhiều trẻ gái trong số những đứa trẻ sinh ra trong lần sinh thứ ba dưới tác động của yếu tố tuổi người mẹ (Tuổi mẹ càng cao thì khả năng sinh con gái sẽ càng cao). 

Nếu chính sách dân số trong thập kỷ tới vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu giảm sinh như là một mục tiêu chính, đã đề ra suốt 30 năm nay, thì nó sẽ làm triệt tiêu khả năng bù trừ tự nhiên này. Điều đó có nghĩa là tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ hầu như không có một giải pháp cụ thể nào có thể có hiệu quả ngay trong một thời gian ngắn. Việc thay đổi đổi nếp nghĩ và tâm lý ưa chuộng con trai là công việc lâu dài và hết sức khó khăn, các biện pháp tuyên truyền chỉ có tác dụng cùng với thời gian và sự phát triển kinh tế xã hội. Các biện pháp quản lý hành chính kiểm soát tình trạng phá thai chọn lọc giới dường như là không khả thi trong điều kiện nước ta hiện nay, khi mà mạng lưới y tế tư nhân và y tế công cung cấp dịch vụ siêu âm và phá thai ngày một phát triển. Hơn nữa các biện pháp quản lý này có thể dẫn đến một hậu quả là làm giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ này và tạo ra một thị trường chọn lọc giới ngầm với mức giá cao cho những ai có nhu cầu và có khả năng chi trả. Bài học ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy các biện pháp quản lý hành chính, mặc dù là cần thiết, nhưng ít hiệu quả.

Cuối cùng về Pháp lệnh dân số 2003, mặc dù Pháp lệnh đã ra đời 5 năm và có những điều khoản cụ thể, rõ ràng về việc cấm thực hành chọn lọc giới tính dưới mọi hình thức. Ngoài Pháp lệnh, chúng ta còn có Nghị định Chính Phủ, ban hành năm 2006 cũng có những qui định cụ thể về mức sử phạt với những hành vi chọn lọc giới tính. Nhưng rõ ràng việc ban hành các văn bản pháp lý này đã không phòng ngừa được tình trạng chọn lọc giới tính trước sinh hiện đang diễn ra ở Việt Nam, mà hậu quả của nó được phản ánh ngay lập tức qua những con số thống kê về tỷ số giới tính khi sinh, đang tăng lên từng năm.

Cần lưu ý là tại thời điểm xây dựng Pháp lệnh dân số trước năm 2003, Việt Nam chưa có hiện tượng chọn giới tính. Hiện tượng này chỉ mới xẩy ra khoảng từ năm 2004 trở về đây. Điều quan ngại là tốc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh hiện nay của Việt Nam, khoảng 1%/năm còn cao hơn cả Trung Quốc và Hàn Quốc trong những giai đoạn tồi tệ nhất ở những năm 1980-1990 của thế kỷ trước. Một câu hỏi lớn cho các nhà lập chính sách dân số là vậy yếu tố nào đã tạo nên tình trạng phá thai chọn lọc giới tính trên diện rộng như vậy trong vài năm qua? Mặc dù có những cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ khám thai, siêu âm, kế hoạch hóa gia đình, nhưng những yếu tố này không thể tạo ra sự đột biến mạnh mẽ, nhanh chóng trong hành vi sinh sản của người dân đến như vậy.   

Để kết luận cho bài viết này, tôi xin đưa ra bài học rút ra được từ kinh nghiệm của các quốc gia Châu Á khác có bối cảnh văn hóa, kinh tế xã hội tương tự Việt Nam hiện nay và đang phải đương đầu với những hậu quả xã hội do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xẩy ra từ 2-3 thập kỷ trước. Đó là chính sự miễn cưỡng của Chính phủ các nước này trong việc thừa nhận quyền sinh sản của người dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phản ứng chậm trễ với những biến động nhanh chóng của các vấn đề dân số đương đại. 

Bác sỹ Phạm Nguyên Bằng

LTS Dân trí - Mục tiêu của việc hạn chế sinh sản để cho quy mô phát triển dân số phù hợp với khả năng phát triển kinh tế đất nước và điều đó cũng tạo điều kiện cho mỗi gia đình có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn. Nói cách khác, suy cho cùng thì mục tiêu của công tác dân số hay chính sách dân số là phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của mọi gia đình, cho nên mục tiêu hạn chế sinh sản phải đi đôi với việc bảo đảm sự cân bằng của giới tính, nghĩa là số con trai luôn cân bằng với con gái ở cùng một thế hệ. Nếu không bảo đảm sự cân bằng này thì sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng giới tính vì thiếu con gái và thừa con trai, nghĩa là không bảo đảm hạnh phúc cho mọi gia đình cũng như mọi người.

Tác giả bài viết trên đây bàn tới hệ lụy của tình trạng đó và phải có tầm nhìn xa chứ không thể khắc phục được tức thời tình trạng này. Trên cở sở phân tích toàn diện tình hình kinh tế-xã hội ; kết quả thực hiện chính sách dân số cũng như tâm lý xã hội và sự phát triển của các phương thăm khám và phá thai theo ý muốn, từ đó kịp thời điều chỉnh đúng chính sách dân số nhằm vừa bảo đảm quy mô phát triển dân số hợp lý vừa bảo đảm sự cân bằng giới tính để bảo đảm tốt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-xã hội cũng như hạnh phúc của mọi gia đình và mọi người.