Điệp khúc chậm trả lương mới tái diễn

(Dân trí) - Ngày 4/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung áp dụng cho công chức, viên chức, tăng từ 730.000đ lên 830.000 đ/tháng. Nhưng cho đến nay giáo viên nhiều nơi ở Nghệ An vẫn chưa được hưởng lương mới.

Mắc ở... đâu đó
 
Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ 250.000đ áp dụng cho những người có hệ số lương từ 3.0 trở xuống, gồm cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, giáo viên có thu nhập thấp ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa được nhận trợ cấp này.


Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Một giáo viên dạy môn Thể dục trên địa bàn huyện Nam Đàn bức xúc: “Chúng tôi là giáo viên Thể dục, không có điều kiện để dạy thêm như các môn khác. Được nhà nước tăng lương, những tưởng được nhận đúng kỳ hạn để bù đắp phần nào chi phí khi giá cả tăng cao. Nhưng qua hai kỳ lương rồi, không hiểu vì sao vẫn chưa được nhận”.

 

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các cấp học ở huyện Nam Đàn đều chưa được hưởng lương mới. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các địa phương khác trong tỉnh như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Thanh Chương…
 
Đưa vấn đề vì sao giáo viên chưa được hưởng lương mới theo đúng kỳ hạn quy định, kế toán và hiệu trưởng của nhiều nhà trường đều có chung câu trả lời: do phòng tài chính của huyện chưa rót tiền về, còn “mắc” ở cấp nào cao hơn thì họ cũng không được rõ.
 

Theo Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, từ ngày 1/5/2011, mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 730.000 đ lên 830.000 đ/tháng. Thực hiện Nghị định trên, công chức, viên chức và các đối tượng được hưởng chính sách ở nhiều địa phương trong cả nước đã được hưởng lương mới theo đúng kỳ hạn.

Nhằm bù trượt giá và hỗ trợ phần nào cho những người có thu nhập thấp, ngày 30/3/2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo.

Trong đó, hỗ trợ 250.000đ áp dụng cho người có hệ số lương từ 3.0 trở xuống gồm cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ngay sau khi Nghị định của Chính phủ được áp dụng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48 hướng dẫn việc xác định nguồn và phương thức chi trả trợ cấp khó khăn. Thông tư quy định việc chi trả trợ cấp khó khăn cho các đối tượng được thực hiện hai lần trong quý 2 năm 2011.

Trong đó, lần thứ nhất thực hiện trong tháng 4, lần thứ hai thực hiện trong tháng 5 cùng với đợt tăng lương cơ bản.
 
Điệp khúc... rùa

Mặc dù đã có quy định, Thông tư hướng dẫn thực hiện của các cấp, ngành liên quan, tuy nhiên cho đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên thuộc diện quy định ở nhiều địa phương vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp khó khăn.
 
Điệp khúc chậm trả lương mới tái diễn - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)

Số tiền hỗ trợ của Chính phủ dù không lớn, nhưng cũng động viên phần nào tinh thần của những giáo viên có hệ số lương thấp trong thời điểm “bão giá”. Mặc dù vậy, sự chậm trễ trong quá trình làm thủ tục chi trả của phòng tài chính ở các địa phương đã làm giảm đi ý nghĩa từ quyết định đúng đắn, kịp thời của Chính phủ.
 
Đáng nói là, đây không phải là lần đầu tiên đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh chậm được hưởng lương mới và các khoản hỗ trợ, trợ cấp theo đúng quy định.

Còn nhớ, ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2010/NĐ-CP quy định từ ngày 1/5/2010, công chức, viên chức thuộc diện biên chế hưởng lương từ ngân sách được tăng lương tối thiểu từ 650.000 đ lên 730.000 đ/tháng. Tuy nhiên, đến tháng 8/2010, đội ngũ giáo viên ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh vẫn chưa được hưởng lương mới theo đúng quy định.

Đến năm nay, “điệp khúc” chậm trễ ấy lại lặp lại. Đồng lương của giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường vốn đã eo hẹp, đời sống càng trở nên khó khăn hơn trong thời điểm lạm phát, giá cả leo thang.

Vẫn biết rằng, “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, trước sau rồi cũng sẽ được nhận. Tuy nhiên, việc chậm chi trả lương mới và các khoản trợ cấp theo đúng quy định cho đội ngũ giáo viên trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng tới đời sống và gây tâm lý ức chế trong không ít giáo viên.

Mong rằng các cấp, ngành liên quan, trực tiếp là sở tài chính, phòng tài chính ở các địa phương nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để việc chi trả được thực hiện trong thời gian sớm nhất.

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí-Đội ngũ giáo viên luôn giữ vai trò quyết định trong quá trình phấn đấu để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đang còn nhiều mặt yếu kém. Vì vậy, chăm lo đời sống của giáo viên là công việc hệ trọng mà  các cấp chính quyền và quản lý giáo dục cần quan tâm. Trước hết là thực hiện đúng và kịp thời các chính sách, chế độ đã được ban hành.

Việc chậm trả lương mới và thực hiện chế độ phụ cấp đối với giáo viên ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Nghệ An được phản ảnh trong bài viết trên đây là một thiếu sót đáng lưu ý và cần sớm khắc phục, nhất là điều đó đã tái diễn hai năm liên tục.

Mong rằng tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương khác xảy ra tình hình tương tự không để tái diễn việc chậm trễ thực hiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên. Đấy không chỉ là việc thực hiện đúng quy định chung mà còn thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống của dân tộc  ta.