Tư vấn pháp luật:

Di sản dùng vào việc thờ cúng có phải chia không?

(Dân trí) - Ông tôi mất năm 2007 để lại di chúc căn nhà cho mẹ tôi thờ cúng được tòa và các đồng thừa kế chấp thuận. Bà tôi mất năm 1997, không để lại di chúc nên bản án sơ thẩm, phúc thẩm năm 2010 buộc mẹ tôi phải trả tiền cho cậu dì tôi.

Do mẹ tôi tuổi đã cao, không có thu nhập, sống nhờ vào sự phụng dưỡng của con cái nên không thể có tiền để thi hành quyết định của tòa án. Do không có tiền để thi hành án nên Cục thi hành án Cà Mau đã tiến hành kê biên căn nhà để thi hành án.

Cục Thi hành án thực hiện việc kê biên cưỡng chế đối với di sản để lại dùng vào việc thờ cúng như vậy có đúng pháp luật không? (Ngô Trọng Hiếu, Email: ngotronghieucm@gmail.com).

Di sản dùng vào việc thờ cúng có phải chia không? - 1
(Ảnh minh họa: Internet)

Trả lời:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định những bản án, quyết định của Tòa phúc thẩm có hiệu lực phải được thi hành. Đồng thời điều 4 Luật thi hành án dân sự quy định: “Bản án, quyết định quy định tại điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng.  

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án”.

Theo ông trình bày bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nên bản án phải được thi hành. Bản án trên chỉ được tạm đình chỉ thi hành án khi có Quyết định hoãn thi hành án của Cục Thi hành án hoặc kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Theo khoản 1 Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

“Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”.

Theo quy định nêu trên người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Vì ông không cung cấp đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vụ án nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho ông về tính pháp lý của hai bản án được. Nếu hai bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hay có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì ông có thể làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra kháng nghị để hủy 02 bản án nêu trên. Khi có quyết định kháng nghị thì việc thi hành án của Cục Thi hành án tỉnh Cà Mau sẽ bị tạm đình chỉ.

Trong khi chờ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết ông có thể làm đơn xin hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 1 điều 48 Luật thi hành án dân sự, cụ thể:

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;

c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc