Đi chợ Tết - lan man chuyện mua bán

Ngày Tết đi chợ, chứng kiến kẻ bán người mua, lan man một chút về chuyện bán mua. Không có ý gì khác, ngoài mong muốn góp phần làm trong sạch môi trường mua bán vốn lâu nay tồn tại khá nhiều điều đáng bàn.

 

Trong cơ chế thị trường đang từng bước hình thành và hòan thiện ở nước ta, ngòai những nhân tố tích cực giúp cho nền kinh tế phát triển nhanh, còn thấy xuất hiện lối làm ăn “chụp giật”, thiếu đạo đức và văn hóa kinh doanh, khiến cho mối quan hệ giữa những người Bán - Mua bị thương tổn.

Mua - Bán là có thể coi là họat động trung tâm của nền kinh tế thị trường.

Nguyên tắc đúng đắn nhất trong “mua – bán” có lẽ là “thuận mua vừa bán”. Một nền kinh tế trong sạch, đúng đắnổn định là khi nó giữ được nguyên tắc đó. Ngược với “thuận mua vừa bán” là “mua như xin – bán như cho”, là “mua bằng bất cứ giá nào”, là “ép giá”, là “bán với giá cắt cổ”,…

Cái gốc của việc “thuận mua vừa bán” chính là “giá cả”. Về nguyên tắc, “giá cả” luôn luôn xoay quanh cái trục “giá trị” và “giá trị sử dụng” - nó cao thấp theo đúng giá trị của bản thân nó. Khi nguyên tắc này bị phá vỡ, có nghĩa là nền kinh tế hàng hóa rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí là hỗn lọan. Và điều này luôn luôn tác động xấu đến đời sống xã hội, đến miếng cơm manh áo của đông đảo giới cần lao! Tình trạng giá một số mặt hàng bị đẩy lên rất cao trong thời gian gần đây, mà điển hình là sữa bột các loại – có giá bán cao nhất thế giới, đã nói lên điều đó.

Giá cả không tuân theo giá trị và giá trị sử dụng có nguyên nhân ở hoạt động đầu cơ, ở việc “cung không đi đôi với cầu”, ở cơ chế độc quyền sản xuất kinh doanh. Đầu cơ thì đã có sự quản lý của pháp luật, cung đi đôi với cầu thì chủ yếu thuộc tài điều khiển của nhà doanh nghiệp, còn khắc phục tình trạng độc quyền thì phải dựa vào cải cách cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô.

Giá cả còn không phản ảnh đúng giá trị khi nó là hàng giả, hàng kém chất, hàng thiu thối được ngụy trang lừa khách hàng,… Cái giá ấy phản ảnh giá lương tâm của chính người kinh doanh nó. Tiếc rằng thời này, nhất là vào những dịp lễ tết như hiện nay, nhiều kẻ buôn bán đã không từ một thủ đoạn nào nhằm tận thu lợi nhuận, thỏa mãn đến mức tối đa lòng tham của họ, bất chấp sức khỏe và tính mạng đồng loại - bản chất “con buôn” mà xã hội muốn quên đi, đã trở lại nguyên hình của nó!

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.
MUA – BÁN chỉ hoạt động được khi trong xã hội thực sự có HÀNG HÓA. Hàng hóa là những sản phẩm đa dạng được đưa vào lưu thông, nó biến đổi và phát triển không ngừng cùng với  đà phát triển chung của công nghệ và xã hội. Đặc điểm chung nhất của hàng hóa chính là giá trị sử dụng phục vụ nhu cầu sống chính đáng của mỗi con người cũng như toàn xã hội. Khi xuât hiện một hành vi mua-bán (những cái) bất thường, những cái vốn không phải hoặc không nên là hàng hóa – như mua quan bán chức, mua bằng, mua giấy khen, mua tước hiệu, mua bán dâm,… thì phải hiểu đấy là sự thóa mạ đối với hàng hóa và nền kinh tế thị trường, là sự suy đồi của xã hội. Trách nhiệm cao cả của các tổ chức chính trị - xã hội là phải ngăn chặn và xóa bỏ sự hình thành và lan truyền những loại hàng hóa vô văn hóa, phản đạo đức đó.

SỨC LAO ĐỘNG cũng là hàng hóa, một dạng hàng hóa đặc biệt. Nhưng sức lao động không phải là bản thân con người và phẩm giá con người. Con người bán sức lao động của mình để kiếm sống, chứ không bán bản thân con người anh ta. Một kẻ đã bán mình cho danh lợi, kẻ đó không đáng gọi là người nữa! Rất tiếc là nhiều ông chủ doanh nghiệp - kể cả một số doanh nghiệp Nhà nước, đã cố tình hiểu sai vấn đề này, coi người lao động như cỏ rác, muốn đối xử thế nào cũng được, tàn nhẫn hơn cả đế quốc phong kiến xưa kia… Ngược lại, người lao động do chỗ khó kiếm công ăn việc làm, do đời  sống  khó  khăn, nhiều khi cũng tự giác biến mình thành những nô lệ kiểu mới cho các ông chủ sai khiến, hành hạ, nhục mạ. Chuyện “làm chủ” của người lao động nhiều khi chỉ  còn  là huyền thoại, chuyện dở khóc dở cười!

Mong rằng năm mới mang tên Canh Dần sẽ bớt đi những “mặt trái” của cơ chế thị trường để cho quan hê Mua - Bán trở nên lành mạnh và tốt đẹp hơn.

Trần Huy Thuận

                                                                 Nam Định

 

LTS Dân trí - Bàn về quan hệ Mua - Bán là bàn về mối quan hệ rường cột của nền kinh tế thị trường và đấy cũng là mối quan hệ phổ biến giữa người và người trong xã hội ngày nay.

Nhân chuyện Bán - Mua vào những ngày giáp Tết, tác giả bài viết trên đây muốn đề cập những vấn đề đáng quan tâm để xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong việc bán và mua. Đấy không chỉ là văn hóa và đạo đức kinh doanh mà còn là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường một cách bền vững.