“Đi chợ như bị...mất cắp”

(Dân trí) - Giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống tăng gấp đôi gấp ba lần từ tết khiến các bà nội trợ “sành sỏi” cũng phải đau đầu. Vì vậy không ngạc nhiên khi hỏi chuyện chợ búa ta đều nhận được câu trả lời quen quen - “đi chợ như mất cắp”.

Dù nhà nước đã chú trọng nhiều đến chương trình bình ổn giá nhưng với một thị trường lớn như Hà Nội thì dường như điều đó chả thấm tháp vào đâu.

 

Ngay sau khi bài viết của bạn đọc Đinh Thế Hưng với tựa đề Giá luôn tăng trước lương  được đăng trên mục Diễn đàn bạn đọc, đã có rất nhiều ý kiến đồng tình với tác giả.
 
“Đi chợ như bị...mất cắp” - 1

Không ít người đau đầu vì giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh leo thang.
(ảnh: msinhvien.com)

 

Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến điển hình:

 

Ngày trước (2 năm trước) cầm 100 ngàn đi chợ cảm giác còn có ý nghĩa. Hiện thời cầm 100 ngàn đi chợ mua được rất ít. Nếu cứ để tăng giá như thế này thì những người có thu nhập trung bình và đi ở trọ như chúng tôi luôn có cảm giác "váng đầu", khổ sở vì phải tính toán. Mức thu nhập thế này và giá cả như thế này thật không còn đủ tự tin để nghĩ đến việc lấy vợ, sinh con...  Phạm Thành Sơn: sonpt1982@gmail.com.

 

Đi chợ cứ như mất cắp ấy. Tiểu thương ở chợ họ rủ nhau bán mọi thứ tăng lên hay sao ý, nhưng mình cần mình vẫn phải mua. Trước tết giá cả đã tăng vù vù, ra tết vẫn cứ tăng, người nghèo biết kêu ai... Ra chợ lại càng thấy ức chế ... Bữa ăn ngày càng teo tóp đi, chỉ khổ cho những người dân nghèo ... Buồn, ngày mai đi chợ chỉ mang ít tiền đi thôi, mang nhiều hết nhiều các bạn ạ! Rồi những ngày sau biết tiêu bằng gì... Lien Tran:  tranbichlien6971@yahoo.com.

 

Nghĩ đến đồng lương của công nhân và CBCNV, nếu theo mệnh giá thì thấy cũng vui vui. Nhưng thực tế để móc hầu bao ra mua sắm cái gì đó thiết yếu cho mình và gia đình thì thật sự giật mình, nhiều khi cứ nghĩ như mình bị mất tiền hay trả lộn gì đó. Tiền cứ như không cánh mà bay. Phạm ái Dân: danmay1177@yahoo.com.

 

Bình quân thu nhập của người dân VN mình còn quá thấp. Lương 1 công chức như mình chỉ vẻn vẹn có 1,2 triệu đ/tháng mà đủ thứ tiền cần phải chi tiêu vào đó. Thời tăng giá như hiện nay không biết phải làm thêm gì để có thêm thu nhập. Gánh nặng về giá cả đè nặng lên những người dân như mình... Trần Văn Anh: mrnguyen0786@hotmail.com.

 

Trước tiên phải cảm ơn bài viết rất thực tế của tác giả. Một nỗi băn khoăn và khó nói của biết bao nhiêu người không biết ngỏ cùng ai. Đây là vấn đề mà các ban ngành các cấp cần xem xét và có một hướng đi đúng đắn, để những người làm CBCNV nhà nước cũng như ngững người dân lao động tìm được lời giải cho cuộc sống trong thời kỳ giá cả tăng cao.
 
"Tăng giá trước khi tăng lương", vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào? Những người thu nhập thấp bao giờ mới có nhà để ở? Họ còn không dám ăn ngon, lấy tiền đâu để mà mặc đẹp, mua nhà. Mọi thứ chi tiêu đều phải được đắn đo và xem xét rất kỹ. Những điều cần nói thì tác giả bài viết đã nêu lên hết rồi. Đó cũng là mong muốn của biết bao nhiêu người có mức thu nhập thấp, mong các ban, các cấp có thẩm quyền có đường lối chính sách giúp người dân có cuộc sống dễ dàng hơn.  Lê văn Bình: binhienlinh@yahoo.com.

 

Cảm ơn bài viết! Nhưng tôi muốn nói thêm về tăng lương chỉ dành cho cán bộ công nhân viên chức, chứ những người lao động tự do như xích lô, xe thồ, nông dân, bán vé số... thì lấy gì để tăng. Còn về làm dịch vụ càng khó tăng hơn nữa. Theo tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên cân nhắc làm việc gì cho chắc chắn. Chẳng hạn như kiềm chế tăng giá thì mọi người dân đều hưởng ứng, chính cái này mới giúp các thành phần thu nhập thấp đỡ tái nghèo. Giá tăng, học phí tăng, dân nghèo càng thiếu ăn và thất học. Mong các ngành chức năng xem xét kỹ hơn nữa...  Va­n Đông: dongdtc@gmail.com.

 

Cách đây hơn 3 năm, với mức thu nhập hơn 3triệu đ/tháng vậy mà mỗi tháng tôi còn dành ra được vài trăm nghìn tiết kiệm. Bây giờ thu nhập gần 6 triệu mà còn chật vật không để ra được đồng nào. Tháng nào cũng đóng thuế thu nhập, vậy mà vẫn luôn ước mơ được mua một ngôi nhà giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp. Hic, ai cho người đóng thuế thu nhập mua nhà giá rẻ cơ chứ, mà nếu có cho mua thì cũng chẳng có tiền. Về quê thì không xin được việc. Cuộc sống ngày càng khó khăn. - Ke toan: Ktxtc_chieuthu7@yahoo.com.

 

Bài viết nêu đúng tâm lý chung của những người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên ở 1 góc cạnh nào đó, có thể nó chỉ dừng lại ở mức độ là bài viết phản ảnh mà thôi. Còn trên thực tế việc này cũng chỉ dậm chân tại chỗ, mà hình như chưa được cơ quan chức năng nào dốc sức tìm ra hướng giải quyết. Tôi cũng là nhân viên chức bình thường, chuyện mua nhà giá rẻ có lẽ cũng không đủ sức khi đồng lương thấp đã phải chi bao việc chi tiêu hằng ngày + giá nhà thuê trọ nữa. Làm vẫn làm nhưng chẳng thấy tương lai ở đâu cả. Thiết nghĩ có bài viết hay nhưng chỉ để lại trong tâm trí chúng ta thì cũng không giải quyết được gì...  Le thang: lethangmtcn83@gmail.com.

 

Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quyết định. Ai cũng biết nếu lương tăng thì báo trước một năm còn xăng tăng thì đúng giờ, đúng ngày mới biết. Khi lương chưa tăng thì giá cả tiêu dùng đã bị đẩy lên do tăng giá điện, giá nước, giá xăng dầu.... Đến tháng Năm mới tăng lương nhưng từ tháng Ba thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới, và chắc chắn đến tháng Năm khi lương thực sự tăng thì giá cả thị trường lại tăng thêm một mốc nữa. Vậy là có lợi cho ai?! Chắc chỉ có lợi cho những người lắm tiền nhiều của thừa cơ tích trữ mà thôi. Còn với dân nghèo, lương tăng có khi lại càng làm tăng thêm nỗi lo sức lao động mất giá - ly: ly68@yahoo.com.

   

Trên thực tế chúng ta thấy, khi có quyết định tăng lương tối thiểu thì giá đã tăng trước đó từ lâu, và sau quyết định thì giá lại tăng lần nữa. Quỹ bình ổn giá tung ra nhưng tôi vẫn chưa nhận thấy được giá trị của nó. Và cuối cùng vẫn là những người có thu nhập thấp là thiệt thòi nhất, cuộc sống càng ngày càng khó khăn - Nam: 123nam@yahoo.com....

 

Nguyệt Thu (tổng hợp)