Để tình yêu Hà Nội tỏa sáng

(Dân trí) - Hòa trong không khí tưng bừng, náo nức chuẩn bị đón chào Đại lễ, không ít bạn đọc vẫn bày tỏ những nỗi lo “thương hoa, tiếc gốm, sợ tắc đường…”. Tựu trung lại vẫn là nỗi lo về ý thức của người dân.

 

Để tình yêu Hà Nội tỏa sáng - 1

Hình ảnh một đoạn con đường gốm sứ ven sông Hồng.

Có thế nói ý thức còn chưa cao của nhiều người dân lâu nay đã trở thành nỗi lo thường trực trong  chính cộng đồng người Việt Nam chúng ta và cả của bạn bè quốc tế, nhất là về cách ứng xử nơi công cộng và văn hóa khi tham gia giao thông.

 

Có lẽ chính vì vậy, song song với những bình luận chia sẻ niềm vui chung của cả nước nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi cũng nhận được nhiều hơn những ý kiến tâm huyết bày tỏ lo ngại  lặp lại những sự việc đáng buồn như: chen lấn gây ách tắc giao thông; phá, cướp hoa, cây cảnh trang trí sau lễ hội; xả rác sau khi xem các chương trình văn hóa nghệ thuật, xem bắn pháo hoa; gây những cảnh làm mất mỹ quan, ảnh hưởng tới sự bền vững của con đường gốm sứ ven sông Hồng…

 

Như bạn Phạm Thanh Tâm – email: cuncoi7882@yahoo.com bày tỏ:

 

Con đường đẹp như vậy, những mong mỗi người dân thủ đô có ý thức giữ gìn, mong các bác lãnh đạo có phương án giữ gìn, bảo vệ vẻ đẹp và sự toàn vẹn của kỷ lục Guinness này. Tôi đã yêu và dõi theo con đường gốm sứ  từ khi nó được bắt đầu và rất xót xa mỗi khi nhìn thấy người ta xây dựng những bức tường để ghép gốm một cách quá sơ sài, liệu tường "mười" thì tồn tại được bao lâu nhỉ? Sao đã mất công làm lại  không làm cho nó vững chãi hơn. Hy vọng con đường này tồn tại mãi mãi...

 

Hoặc Mèo Con – email meocon.1507@yahoo.com nhấn mạnh:

 

Hy vọng lần này người Hà Nội có ý thức hơn một chút đối với những hoa cỏ trang trí đẹp thế này, đừng làm mất hình ảnh của những người mang danh nghìn năm nhưng cách ứng xử nơi công cộng lại không bằng những người Sài Gòn. Hãy ứng xử thật văn minh nơi công cộng, nhất là trong mỗi dịp lễ hội như thế này.

 

Đó là còn chưa kể đến những lo lắng khác có vẻ nhỏ hơn như: lo thời tiết không thuận; lo nếu không giám sát chặt chẽ sẽ lại xảy ra hiện tượng chặt chém giá vé trông giữ xe; lo công tác giữ gìn trật tự sao cho tốt, để nhiều người dân có thể xem được càng nhiều càng tốt những sự kiện trong số 54 sự kiện chính diễn ra suốt 10 ngày Đại lễ…

 

Và chúng tôi đã rất cảm động khi một bạn đọc mới đầu giờ sáng đã gọi điện “nhờ Dân Trí nhắn nhủ sao đó, để trong khi tác nghiệp với số lượng lớn nhà báo tập trung như vậy, vẫn không gây cản trở đáng tiếc nào cho các hoạt động lễ hội. Đặc biệt là trong ngày 10/10 khi diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành quy mô lớn nhất tại Quảng trường Ba Đình”.

 

Thật đáng quý làm sao những tấm lòng hướng về Thủ đô, những tình yêu thiết tha với Hà Nội được tỏ bày một cách giản dị và chân thành, thiết thực như vậy. Chúng tôi cũng hy vọng và tin tưởng rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua hàng chục phương án, tình huống cần có đã được lên kế hoạch cho từng sự kiện quan trọng, chúng ta sẽ được chứng kiến một Đại lễ thật hoành tráng và thật tuyệt vời, để lại dấu ấn ngàn năm có một trong đời.

 

Thanh Nguyễn