Đề thi ngữ văn và đáp án vẫn còn bất ổn?

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay được đánh giá chính xác, vừa sức. Tuy nhiên, theo tôi, đề thi đã mắc phải sai lầm đáng tiếc, đó là có câu ra theo kiểu đánh đố thí sinh và đáp án cũng có những chỗ bất hợp lý.

Khu biệt phi khoa học trong câu nghị luận xã hội

Từ năm 2009, đề thi Ngữ văn có câu nghị luận xã hội (30% số điểm) gây ra nhiều ý kiến khác nhau về đề thi dạng này. Năm nay, đề thi đề cập một vấn đề hết sức quen thuộc, tưởng như đề sẽ không có “vấn đề” gì, vậy mà lại có điều đáng băn khoăn.

“Câu 2. (3,0 điểm): Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay”.

Theo chúng tôi, câu này bị “lỗi” trong phần yêu cầu nghị luận. Đề yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về “lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Giới hạn của đề như vậy, buộc lòng thí sinh phải phân biệt “lòng yêu thương con người” của “tuổi trẻ” (có thể hiểu là thanh niên) với các đối tượng khác như trẻ em, trung niên, người già và đương nhiên bao hàm cả người cùng trang lứa...Vì vậy, sẽ nẩy sinh vấn đề: Tình yêu thương con người của “tuổi trẻ” có gì khác biệt so với các đối tượng khác, ý nghĩa của vấn đề là gì?  Đáp án cũng phải thể hiện được sự phân biệt đó. Thế nhưng đáp án hoàn toàn không có sự phân biệt nào, mà vấn đề “tình yêu thương” được đề cập chung chung, cho tất cả các đối tượng, mọi lứa tuổi.

Chỉ có một ý nhỏ trong đáp án nói về vấn đề này, và chỉ được 0,5 điểm: “Phê phán những biểu hiện vô cảm của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay; cần sống có lòng yêu thương con người”. Ý này lạc lõng và phi logic, bởi vì trong xã hội hiện nay, tình trạng vô cảm ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có, và đều đáng phê phán. Chẳng lẽ các đối tượng khác “tuổi trẻ” mà vô cảm thì không cần phê phán? Trong khi đó, một ý rất quan trọng, không thể thiếu (hầu hết ai cũng nghĩ đến) là làm thế nào để lẽ sống yêu thương trở nên phổ biến thì không được đáp án đề cập.

Trong khoa học, thao tác phân loại, khu biệt các đối tượng hết sức quan trọng, là tiền đề và cũng là kết quả của nghiên cứu. Muốn phân loại, khu biệt đúng phải có những cơ sở, căn cứ rõ ràng. Nếu khu biệt vấn đề, đối tượng sai thì sẽ dẫn đến hiện tượng “sai một li, đi một dặm”, có thể làm rối loạn tư duy người đọc. Sự khu biệt “lòng yêu thương con người của tuổi trẻ” không dựa trên một căn cứ, cơ sở nào, không có ý nghĩa gì, vì vậy, khiến cho thí sinh  phải bối rối.

Vấn đề đơn giản, đáp án vừa thừa, lại vừa thiếu

Đề thi nghị luận xã hội dành cho thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên lại quá đơn giản. “Câu 2. (3,0 điểm): Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của nhà trường trong việc truyền thụ kiến thức văn hoá cho học sinh”.

Đề thi như thế, quanh đi quẩn lại đáp án cũng chỉ nêu một ý tổng quát: “Nhà trường là nơi giáo dục toàn diện, trong đó có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức văn hoá cho học sinh” (0,5 điểm). Vì vấn đề quá đơn giản, nên trong đáp án đã xẩy ra hiện tượng trùng lặp. Ý “Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá; truyền thụ cho học sinh những kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội; khơi dậy lòng ham hiểu biết,…” được cho đến 1,5 điểm cũng chỉ là cách diễn đạt khác đi của ý 0,5 điểm nói trên. Trong khi đó, một ý rất quan trọng là “Vai trò của nhà trường tuy quan trọng đối với việc giáo dục con người, song đó không phải là con đường, cánh cửa duy nhất (vì cá nhân có thể tự học, tự tu dưỡng…)” thì lại không được đáp án đề cập.      

Ý “Từ việc nhận thức được vai trò của nhà trường, học sinh có tình cảm gắn bó với mái trường, tự giác trau dồi tri thức. Trong quá trình tiếp nhận kiến thức, học sinh cần có ý thức chủ động, tích cực, sáng tạo” mang tính suy diễn, áp đặt. Trong khi đó, ý “cần có ý thức bảo vệ, xây dựng nhà trường” thì lại không có trong đáp án.

Câu hỏi vào tác phẩm đã bị cắt xén nhiều, đáp án chưa hợp lí

   Câu nghị luận văn học của thí sinh phổ thông:   

“Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm): Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục-2008)”.

Đáp án của Bộ GD-ĐT như sau:

Trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (chủ yếu phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai), thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:

- Nêu được vấn đề cần nghị luận.

0,50

- Việt là một cậu con trai vô tư, tính tình “trẻ con”, ngây thơ, hiếu động.

1,00

- Căm thù giặc sâu sắc, khao khát chiến đấu giết giặc, có tinh thần dũng cảm.

1,00

- Giàu tình nghĩa với gia đình, rất mực thuỷ chung với quê hương và cách mạng.

1,00

- Tác giả đã để cho Việt tự kể chuyện về mình bằng một ngôn ngữ, giọng điệu riêng và qua đó nhân vật hiện lên cụ thể, sinh động.

1,00

- Đánh giá chung về nhân vật.

0,50

  

Đáp án này sẽ không có vấn đề gì, nếu như sách giáo khoa (SGK) in trọn vẹn văn bản truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi. Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” trong SGK đã bị cắt nhiều đoạn. Tác phẩm kể lại 4 lần tỉnh dậy của nhân vật Việt trên chiến trường, nhưng trong SGK Ngữ văn, chương trình chuẩn, NXB Giáo dục 2008 chỉ còn nội dung kể lại việc nhân vật tỉnh lại ở lần thứ tư (nghĩa là các lần 1,2,3 đã bị cắt), phần cuối tác phẩm cũng bị “tỉnh lược”.

Nhiều giáo viên cho rằng việc cắt xén như vậy khiến cho câu chuyện trở nên khó hiểu, hình tượng nhân vật không được thể hiện trọn vẹn, đặc biệt các chi tiết liên quan đến nhân vật má Việt đã bị cắt gần hết. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, hầu như giáo viên không ra đề kiểm tra liên quan đến tác phẩm.

Về nguyên tắc, học sinh chỉ học và đề kiểm tra chỉ giới hạn trong phần được trích trong SGK. Đề thi cũng đã ghi rõ điều này. Một bài văn nghị luận không thể chỉ gạch đầu dòng các ý, mà các ý đó cần được chứng minh một cách thuyết phục bằng các dẫn chứng cụ thể. Vì văn bản trong SGK đã bị cắt xén, nhiều chi tiết điển hình cho tính cách nhân vật không còn, nên thí sinh sẽ  khó khăn khi tìm các dẫn chứng. Ví dụ, rất nhiều chi tiết thể hiện tính cách “vô tư, tính tình “trẻ con”, ngây thơ, hiếu động” của nhân vật Việt đã bị cắt bỏ.

Thí sinh chỉ còn biết dựa vào một số dẫn chứng nghèo nàn trong SGK như Việt muốn níu lấy các đồng đội mà khóc, lăn kềnh ra ván “cười khì”, chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay…Chừng ấy là quá ít ỏi so với các chi tiết “đắt giá” đã bị lược bỏ như Việt muốn “giấu” chị gái của mình với mọi người, đi bộ đội vẫn mang theo cái ná thun (súng cao su), tranh phần ếch, tranh chiến công với chị, Việt nghĩ về cái chết, Việt khóc khi gặp lại đồng đội…Đối với hai ý “Căm thù giặc sâu sắc, khao khát chiến đấu giết giặc, có tinh thần dũng cảm” và “Giàu tình nghĩa với gia đình, rất mực thuỷ chung với quê hương và cách mạng” cũng vậy, thí sinh sẽ rất khó khăn khi tìm dẫn chứng. Bởi vì văn bản trích trong SGK quá nghèo nàn so với bản đầy đủ. Việc tác phẩm đã bị cắt xén một cách tuỳ tiện, vô hình trung đã “làm khó” các thí sinh.

Với câu này, chỉ cần thí sinh viết một trang giấy thi đã đạt yêu cầu để có thể cho điểm tối đa (5 điểm).

Đặc biệt, trong đáp án có ý “Tác giả đã để cho Việt tự kể chuyện về mình bằng một ngôn ngữ, giọng điệu riêng và qua đó nhân vật hiện lên cụ thể, sinh động” (1 điểm) theo tôi là bất hợp lý. Ý này không liên quan đến tính cách, phẩm chất nhân vật, nên không thể xem là một ý chính với tỷ lệ điểm cao như vậy. Đây chỉ là một ý nhỏ, nên để khuyến khích các học sinh giỏi. Sẽ có không ít thí sinh mất điểm vì nội dung “trái khoáy” này của đáp án. Vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho thí sinh.  


Trần Quang Đại

Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, muốn đánh giá đúng trình độ học sinh thì yêu cầu trước hết là đề thi và đáp án phải chuẩn xác, vì đấy chính là “thước đo” để đánh giá kết quả bài làm của học sinh. Tiếc rằng đề thi và đáp án môn ngữ văn trong kỳ thi vừa qua chưa tạo nên sức thuyết phục và sự nhất trí cao đối với chính các thầy giáo dạy môn ngữ văn.

Ý kiến phản biện trên đây về đề thi và đáp án môn thi ngữ văn của một thầy giáo dạy môn học này và đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Đấy là những ý kiến đóng góp có cơ sở phương pháp luận và có căn cứ thực tiễn.Mong rằng các cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về đề thi và đáp án môn ngữ văn xem xét một cách khách quan những ý kiến phản biện nói trên, nếu thấy hợp lý thì nên rút kinh nghiệm không chỉ cho các kỳ thi sau mà có thể điều chỉnh kịp thời cho đáp án chấm kỳ thi này.