Để ngày Nhà giáo Việt Nam thực sự có ý nghĩa

Một số năm gần đây, nhiều nơi trong cả nước đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 rất trọng thể tại trường, tại lớp học. Đó là cách làm hay, có tác dụng giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo.

Nhưng vẫn còn không ít trường học trong cả nước vẫn tổ chức kỷ niệm ngày 20/11 chưa hay, vẫn để cho học sinh lũ lượt kéo đến nhà thầy cô giáo để chúc mừng, làm cản trở giao thông, có khi gây ra tai nạn đáng tiếc. Và còn không ít chuyện làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo vì nhiều cha mẹ học sinh có đời sống khá giả, nhân dịp này đem quà cáp và phong bao biếu các thầy cô, làm cho nhiều gia đình nghèo phải băn khoăn và khó xử.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Để Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thật sự có ý nghĩa, cần tổ chức kỷ niệm có nét đẹp văn hóa hơn hẳn mọi năm. Nên tổ chức ngay tại trường, tại lớp học, không để cho một học sinh nào đến tận nhà thầy cô giáo chúc mừng.

 

Mong Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các tỉnh sớm có văn bản hướng dẫn hướng dẫn cách tổ chức kỷ niêm với nhiều nét mới như yêu cầu các trường và giáo viên các cấp, các ngành học kiên quyết không nhận phong bao, quà cáp làm phiền hà nhân dân, làm mất uy tín và danh dự nhà giáo.

 

Các giấy mời họp mặt truyền thống nên ghi dòng chữ “Đề nghị không tặng hoa để tránh lãng phí”.

 

Trong ngày lễ kỷ niệm nên tổ chức tuyên dương, khen thưởng các đơn vị điển hình tiên tiến trong nhà trường, các thầy cô giáo đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và giáo dục học sinh; khen thưởng những tấm gương người tốt việc tốt trong tập thể giáo viên, học sinh.

 

Nhân dịp này, có thể tổ chức các cuộc thảo luận, tọa đàm về các biện pháp thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “hai không” với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và hiện tượng “học sinh ngồi nhầm lớp”, vận động phù hợp với mỗi ngành học.

 

Trong buổi tọa đàm, mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo nên chuẩn bị tốt để trình bầy kế hoạch xây dựng đạo đức, tác phong nhà giáo mẫu mực.

 

Các cấp quản lý cũng cần công khai kế hoạch tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, đi sâu đi sát cơ sở để thường xuyên động viên uốn nắn kịp thời những lệch lạc nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “hai không”, làm sao thầy ra thầy, trò ra trò; thầy dạy thật và trò học thật, để đạt thành tích thật.

 

Nếu làm được như vậy thì cả thầy và trò đều vui mừng và lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ vui biết bao và có ý nghĩa biết bao. Trò quý thầy, biết ơn công lao dạy bảo của thầy cô thì hãy luôn phấn đấu vươn lên không ngừng trong học tập để thi thật, đỗ thật và giỏi thật. Còn những nhà giáo chúng thì hãy luôn ghi nhớ mình là người chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp trồng người, những người làm nghề cao qúy nhất trong các nghề cao qúy, những người biết học tập và làm theo lời Bác dạy: “Người Thầy giáo tốt, Thầy giáo xứng đáng là Thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không dăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người Thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đấy là một điều rất vẻ vang”.

 

Nguyễn Cảnh

(Cụm 6 thị trấn Phúc Thọ,huyên Phúc Thọ, Hà Tây)

 

 

LTS Dân trí - Truyền thống đạo lý của dân tộc ta được thể hiện thành câu châm ngôn rất hay: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Tôn vinh nghề dạy học và quý trọng Thầy Cô giáo vốn là nghĩa cử cao đẹp của nhân dân ta.

 

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định lấy Ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh nghề dạy học và ghi nhớ công lao của Thầy Cô giáo, những người đã cống hiến tất cả sức lực và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người. Vì vậy cần tổ chức kỷ nịệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đúng với ý nghĩa cao qúy này.

 

Hoan nghênh tác giả bài viết trên đây đã có những ý kiến đóng góp thiết thực để tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thật sự có ý nghĩa.