Để giảm thiểu những vụ đuối nước thương tâm

(Dân trí) - Theo thống kê, nước ta có hơn 6.000 trẻ em bị tử nạn do đuối nước, đặc biệt là vào mùa hè. Và tỉ lệ này xem ra vẫn gia tăng, chưa có dấu hiệu ngừng.

Nước ta có địa hình lắm sông nhiều suối, ao hồ... Vào dịp nghỉ hè trẻ em, nhất là ở nông thôn, có cơ hội để rong chơi và thỏa thích đi tắm sông, tắm biển, thậm chí là các cháu tắm ngay tại các ao hồ ngay sát nhà mình. Và hậu quả là đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm cho con trẻ.

 

Ước tính chỉ trong tháng 5 vừa, TP Hà Nội đã xảy ra 9 vụ đuối nước do tắm sông. Thanh Hóa ngày 23/6 xảy ra một vụ đuối nước làm 3 trẻ em thiệt mạng, trong đó có 2 chị em ruột, tại sông Cấm. Gần đây, ở Hà Tĩnh lại xảy ra một vụ đuối nước làm em Hồ Phi Bắc, sinh năm 2002 ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tử vong. Ở Phú Yên trong ngày 16/5 một em tắm sông không biết bơi, 3 em khác lao xuống cứu. Hậu quả là cả 4 em tử vong.

 

Đuối nước không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn xảy ra ở lứa tuổi vị thành niên. Ngày 19/5 chị Đặng Thị Giang (21 tuổi) cũng bị đuối nước tại phường Long Bình, Q. 9 TPHCM...

 

Rõ ràng tai nạn đuối nước vẫn luôn rình rập con em chúng ta. Bởi vậy không có biện pháp nào hơn là bố mẹ nên dành thời gian đưa con em đi tập bơi. Đó cũng là cách trang bị cho trẻ một biện pháp an toàn hữu hiệu nhất. Không có ai cứu mình nhanh bằng mình tự cứu mình.

 

Phải dạy cho trẻ một kĩ năng biết bơi cần thiết, để trẻ em có thể đối phó với nạn đuối nước. Nhưng cũng cảnh báo trẻ không đi tắm sông, ao hồ khi không có người lớn đi theo.

 

Cũng đã có những trường hợp không biết bơi nhưng vẫn lao ra giữa dòng sông cứu bạn mà phải bỏ mạng, rất thương tâm.

 

Hải Hồ
Xóm 11, thạch khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh