Dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1, chuyện nhỏ mà không nhỏ

Có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, bài “Trao đổi về cách ghép vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1” của tác giả Phan Tử Bẳng gợi lên nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Trao đổi về cách ghép vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 

 

Trước hết xin cảm ơn tâm huyết của tác giả. Dù chỉ là một nhà giáo giảng dạy trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhưng vẫn quan tâm đến vấn đề giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tác giả cho rằng “
thực ra vần chính là nguyên âm”. Đây là một quan niệm rất mới mẻ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng tác giả đã có chút nhầm lẫn. Đúng ra thì ngôn ngữ âm thanh có trước; chữ viết có sau, có chức năng ghi lại âm thanh ngôn ngữ bằng một hệ thống kí tự. Nhưng trải qua một thời gian dài, có sự chọn lọc, hệ thống các chữ cái ghi âm đã phản ánh khá trung thực quá trình phát âm của con người trong giao tiếp.                       

Nguyên âm, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt là “âm mà khi phát âm, luồng hơi từ trong phổi ra không gặp phải trở ngại đáng kể…”; nguyên âm được biểu diễn bằng các chữ cái tương ứng. Trong 29 chữ cái tiếng Việt có 11 nguyên âm. Còn vần là “bộ phận chủ yếu của âm tiết trong tiếng Việt, là âm tiết trừ đi thanh điệu và phụ âm đầu (nếu có)” (Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, 2004). Như vậy có rất nhiều vần trong tiếng Việt, trong đó bao gồm các nguyên âm. Nói cụ thể hơn: nguyên âm chính là vần, hoặc âm tiết, nhưng vần thì không thể đồng nhất với nguyên âm, mà có sự kết hợp với phụ âm, bao gồm âm đệm, âm chính (nguyên âm) và âm cuối (phụ âm).    

Trong ví dụ mà tác giả nêu ra, rõ ràng khi phát âm “a” thì có thể há miệng cho luồng hơi đi ra một cách thoải mái, trong khi đọc “anh” thì phải uốn lưỡi, khép môi nhanh. Dĩ nhiên khi đọc từng âm riêng biệt thì có sự khác biệt so với khi đọc kết hợp các âm với nhau, với tốc độ phát âm nhanh. Nếu đo bằng máy móc, chắc chắn thời gian phát âm một vần sẽ dài hơn thời gian phát một nguyên âm.

Về quy tắc “Nếu sự ghép vần làm xuất hiện 2 chữ cái nguyên âm trùng nhau đứng liền nhau thì ta bỏ đi 1 chữ cái đó” như nhà giáo Phan Tử Bẳng viết, chúng tôi đã được một thầy giáo dạy cho hồi học THCS, và  thấy rất đúng. Ví dụ chữ  “Giếng”, thực ra đã bỏ đi một chữ “i” cho khỏi trùng lặp.

Nhà giáo Phan Tử Bẳng còn nêu ra một số băn khoăn xung quanh cách đọc chữ “quốc”, hiện tượng có nhiều chữ cùng ghi một âm…Tất cả đều xuất phát từ lịch sử của chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ do một số giáo sĩ phương Tây và người Việt Nam mượn bộ chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Quá trình ghi âm, các tác giả cố gắng phản ánh trung thành với âm đọc phổ biến lúc bấy giờ.     

Do nhiều nguyên nhân, nguyên tắc ghi âm không được tuân thủ triệt để, dẫn tới hiện tượng không thống nhất trong chữ viết gây khó khăn cho người học. Ví dụ dùng đến ba chữ cái để ghi một âm : c/k/q, hoặc ng/ ngh như tác giả nêu và một số hiện tượng khác như d/gi; g/gh. Hoặc phụ âm “p” thực ra không tồn tại trong tiếng Việt, mà chỉ có âm “ph”. Âm “p” chỉ ứng dụng trong một số trường hợp phiên âm tiếng nước ngoài. 

Phụ âm “q” cũng vậy, chỉ tồn tại cùng với “u” tạo thành âm “qu”.  Thực ra về nguyên tắc ghi âm thì “giữ” và “dữ”, “dành” và “giành”, “ca” và “ka” đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian đã hình thành thói quen trong cộng đồng, được cộng đồng coi như nguyên tắc hay truyền thống, mà những nỗ lực thay đổi đều thất bại. 

Giới ngôn ngữ học gọi đó là tính võ đoán (không giải thích được lí do). Không chỉ tiếng Việt mà nhiều ngôn ngữ khác cũng có hiện tượng bất hợp lý này, mà người học buộc phải học thuộc lòng một cách máy móc. Một người nước ngoài nói vui: “Các anh học tiếng Việt thì dễ, “các tôi” học tiếng Việt khó lắm”. Một trong những cái khó của tiếng Việt (hay những ngôn ngữ khác) là hiện tượng “bất quy tắc”, võ đoán.    

Trường hợp “quốc” và “cuốc” cũng vậy. Chắc hẳn đây là hai âm khác nhau, tuy nhiên cách biểu thị bằng chữ viết chưa hợp lý, và được cộng đồng chấp nhận như một trường hợp ngoại lệ, không thể thay đổi bằng một cách viết khác.

Tác giả viết “người Việt Nam ta ở các vùng phát âm khác nhau khá nhiều, mặc dù viết như nhau. Vậy thì nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì tiếng Việt là tiếng vùng nào, tiếng vùng miền Bắc hay tiếng vùng miền Nam…”. Vì tác giả không đưa ra ví dụ, nên chúng tôi không biết những băn khoăn cụ thể của tác giả. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiện nay có hai khái niệm “tiếng phổ thông” và “tiếng địa phương”, và tiếng Việt bao gồm cả hai thứ “tiếng” đó. Còn cách phát âm chuẩn của tiếng Việt không phải tuân theo người miền Bắc, cũng không phải theo người miền Nam, mà tuân theo cách đánh vần đúng của những từ ngữ viết đúng chính tả. 

Hiện nay, cơ bản chính tả tiếng Việt đang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa”. Trong văn bản này quy định “Nguyên âm “-i” ở cuối âm tiết được viết bằng “-i”( viết hi, ki, li, ti, mi thay cho hy, ky, ly, my, ty) trừ “-uy” (/-w i/) vẫn viết “-uy” để phân biệt với “-ui” (so sánh: sui-suy, tui-tuy) và giữ sự thống nhất với “-uyên”, “-uyêt”, “-uyt”. Chúng tôi nhất trí với nhà giáo Phan Tử Bẳng là riêng chữ “quý” không thể viết thành “quí”.

Hiện nay, tiếng Việt vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, rất cần sự quan tâm trao đổi của các nhà nghiên cứu, nhà giáo và đông đảo mọi người để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

         

                  Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Bài viết trên của thầy giáo dạy môn ngữ văn của bậc THPT có những điểm đồng tình và không đồng tình với bài viết “Trao đổi về cách ghép vần của Sách giáo khoa Tiếng Việt 1” đã đăng trên Diễn đàn Dân trí của tác giả Phan Tử Bẳng.

Nhằm xác lập cơ sở khoa học và khách quan cần thiết cho việc dạy tiếng Việt cũng như giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Mẹ đẻ, Diễn đàn Dân trí hoan nghênh những ý kiến trao đổi để đi tới sự thống nhất về quan niệm cũng như khi sử dụng tiếng Việt, cả khi viết và đọc tiếng Việt.