Đẩy lùi tệ nạn đánh bạc trong giáo chức

(Dân trí) - Các trò chơi “đỏ đen” đã khá phổ biến trong các tầng lớp nhân dân và từ lâu đã trở thành vấn nạn xã hội. Tới nay, tệ nạn đó đã len lỏi vào nhà trường, những người thầy đã trở thành con thiêu thân của trò chơi sát phạt này.

Ở các thành phố, thị trấn, ai ra đường cũng có thể nhìn thấy những tụ điểm “giải trí” ở các bến xe, các quán nước ven đường… Đấy là những nơi diễn ra gần như công khai các trò đánh bạc, lô đề mà người tham gia là lái xe, phụ xe buýt đến người chạy xe ôm, nhân viên bãi giữ xe, người bảo vệ trực đêm… và tệ hại hơn, trò sát phạt ấy còn diễn ra trong công sở, trong nhà trường và các thầy giáo cũng trở thành con bạc!

 

Những lý do mà các con bạc từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đưa ra để biện hộ cho hành vi xấu của mình nào là giết thời gian, giải trí hoặc cùng lắm cũng chỉ chuyện “khao” một chầu nước hay chầu nhậu. Nhưng trên thực tế, ranh giới giữa “con” và “người” ở chiếu bạc rất mong manh, cho nên nhiều vụ cãi nhau, đánh nhau, thậm chí giết nhau đã xảy ra ở chốn này. 

 

Thông thường đối với mỗi con người, để rèn luyện cho bản thân những đức tính tốt như say mê học tập, làm việc, khiêm tốn, công tâm… rất là khó, có người phải theo đuổi rèn luyện suốt cả đời mới hy vọng đạt được. Thế nhưng, bắt chước những tính xấu thì rất dễ, nhất là đối với thanh thiếu niên, nếu không được gia đình và nhà trường quan tâm giáo dục thì rất dễ trở thành người xấu, lười nhác, ích kỷ, hưởng lạc, không làm lại muốn ăn ngon… thậm chí trở thành “kẻ đầu trộm đuôi cướp”…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trở lại câu chuyện sa chân vào chốn đỏ đen cờ bạc cũng bắt đầu từ ý thức thiếu tự chủ, lần đầu tặc lưỡi tham gia cùng bạn bè cho vui, cho hòa đồng, nhưng nếu được trở thành ham, nếu thua trở thành cay cú… Cứ thế mà lún sâu dần vào trò chơi đỏ đen… Đấy là lẽ thường tình đối với các con bạc.

 

Song câu chuyện làm nhiều người phải ngạc nhiên vì những “con bạc” bị bắt quả tang tại Học viện Tài chính ở Hà Nội lại là các phó giáo sư, giáo sư… Những người đứng trên bục của giảng đường để giảng cho các sinh viên về đạo đức, tư cách và ý chí phấn đấu để trở thành những trí thức chân chính sau này.
 
Vậy mà bản thân mình nêu lên những tấm gương phản diện to tày liếp. Câu chuyện không chỉ gây ngạc nhiên mà còn tạo nên nỗi buồn sâu xa về thực trạng đáng quan ngại về nền nếp, kỷ cương của nhà trường chúng ta!

 

Thú thật tôi rất thất vọng khi thấy các thầy giáo trong ngành giáo dục, gánh trên vai mình trọng trách “trồng người” mà lại đâm đầu vào cái trò chơi “đỏ đen” bị liệt vào loại “tệ nạn xã hội”, gây ra bao “hiểm họa cho gia đình và xã hội”. Sự việc bị vỡ lở, họ sẽ ăn nói ra sao với học trò, với sinh viên của họ. Một trong những phẩm chất đầu tiên của người  thầy giáo là phải mẫu mực, là tấm gương sáng cho học trò noi theo.
 
Tôi còn nhớ có lần sang nhà một người bạn chơi, tôi vừa bước từ sân vào đã nghe thấy tiếng nói to của ba người bạn: “Tại sao con không nghe ba, vẫn cứ hút thuốc? Thanh niên hút thuốc sẽ có hại lâu dài, vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe?”- Bạn tôi đáp lại một câu mà tôi chỉ biết ngớ người ra: “Chứ ba cũng hút đó có sao đâu? Má có dám nói gì ba đâu?”.
 
Tôi nghĩ sẽ có một ngày những người làm công tác giáo dục sẽ “chết đứng như Từ Hải” trước những câu hỏi hồn nhiên của học trò, nhất là những em nhỏ đại loại như: “Thưa thầy, đánh bạc là tệ nạn xã hội mà sao hôm nào em cũng thấy mấy thầy đánh phỏm ăn tiền… chắc là chuyện đó không phải là tệ nạn, thưa thầy?”

 

Quả thật là nền giáo dục của chúng ta còn nhiều điều đáng lo lắng. Hết bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, chất lượng dạy và học còn nhiều vấn đề rồi bây giờ lại thêm cả tệ nạn đánh bạc đang trở thành phổ biến trong giáo chức. Như vậy không biết đến bao giờ nền giáo dục của chúng ta mới phát triển và tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ kính yêu. Trách nhiệm này thuộc về ai và biện pháp nào để chặn đứng tệ nạn đó?

 

Minh Chương
 
LTS Dân trí - Không thể coi thường tệ nạn cờ bạc đang làm mất an ninh, trật tự xã hội, làm băng hoại đạo đức, gây ra sự lãng phí lớn sức lao động cũng như của cải xã hội; nhiều gia đình tan nát, khánh kiệt tài sản cũng vì nạn cờ bạc.

 

Nhằm chặn đứng tệ nạn này, đi đôi với việc tăng cường tuyên truyền giáo dục, các cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ đánh bạc dưới mọi hình thức để nêu gương và răn đe mọi người.

 

Đặc biệt đối với nhà trường, càng cần nghiêm cấm mọi hành vi đánh bạc đối với giáo viên, nếu ai tham gia “trò chơi đỏ đen” coi như không còn đủ tư cách làm thầy. Những thầy giáo biết tự trọng không bao giờ tham gia một “trò chơi” vốn bị coi là tệ nạn xã hội.