Dạy học bằng cái tâm sẽ đem lại hiệu quả

Tôi là một giáo viên dạy môn lịch sử, được xem là “môn phụ” và ít có sức hấp dẫn đối với học sinh, nhưng nhiều năm nay tôi vẫn đang âm thầm cố gắng tạo cho học sinh thấy hứng thú với môn học này.

Điều đó bồi dưỡng cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống lịch sử, cũng như quá khứ hào hùng bi tráng của dân tộc, ngưỡng mộ những cống hiến hi sinh lớn lao của thế hệ cha anh...
 
Tôi xin có một vài điều tâm tư chia sẻ với các bạn đồng nghiệp những mong góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục…        

Mỗi môn học có đặc trưng khác nhau nên sẽ có những phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau để mang lại hiệu quả. Đó là điều không phải bàn. Nhưng nhìn chung, về mặt nguyên lý để tổ chức giờ dạy hiệu quả cần phải có những điều cơ bản sau đây:  

Trước hết, để tổ chức giờ dạy hiệu quả cần phải có giáo án tốt. Mà muốn có giáo án tốt cần phải có sự chuẩn bị, sự đầu tư một cách nghiêm túc. Sự chuẩn bị, đầu tư về giáo án không chỉ là việc mua những cuốn sách, giáo án tham khảo trên thị trường hay lên mạng “đao” về rồi dùng lại nguyên xi…mà phải biến những kiến thức có trong những tài liệu tham khảo đó thành kiến thức của mình. Như vậy mới làm chủ được kiến thức, làm chủ giáo án và linh hoạt trong giảng dạy. Nếu không có sự chuẩn bị, đầu tư về giáo án chắc chắn giờ dạy sẽ không hiệu quả. Điều này tôi rút ra từ thực tế của bản thân.         

 

Khi đã có  giáo án tốt thì vấn đề tiếp theo đó là  phương pháp và phong cách giảng dạy của giáo viên. GV cần phải tìm ra và sử dụng những phương pháp dạy học tối ưu, trong đó cần đặc biệt chú  ý sử dụng phương pháp dạy học mới phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngoài ra, cần phải khai thác sử dụng CNTT như một phương tiện hỗ trợ hữu hiệu nhưng không lạm dụng nó. Bởi nói gì thì nói, trong dạy học, ngôn ngữ, cảm xúc của người thầy hết sức quan trọng. Cho nên cần phải đặc biệt chú ý trau dồi và sử dụng lợi thế này. Nếu GV dạy mà nói bằng giọng đều đều thì sẽ rất là đơn điệu, buồn chán, không lôi cuốn được học sinh. Đó là quy luật lây lan tâm lý, GV nói đều đều, nhỏ, buồn, thiếu khí thế và sự truyền cảm thì làm sao học sinh hào hứng học và tiếp thu bài tốt? Nhưng nếu GV dạy với bầu nhiệt huyết, truyền đạt những nội dung mới mẻ, đem lại nhiều thông tin và cảm xúc thì học sinh cũng cảm nhận và lây lan cái không khí hào hứng mà thầy giáo đem lại, nhờ vậy tiếp thu bài có hiệu quả. Vậy nên để tổ chức giờ dạy hiệu quả, GV cần phải dạy có khí thế bằng cả tâm huyết của mình mới “truyền lửa” được cho học sinh.

Để tổ chức giờ dạy hiệu quả,  ngươì thầy còn phải có cái uy. Có uy thì nói học trò mới nghe, mới nể. Cái uy này có được không phải bằng cách người thầy tỏ ra nghiêm khắc, khó tính hay lớn tiếng nạt nộ học trò mà là nhờ kiến thức, năng lực giảng dạy và nhân cách sống của người thầy.

Về  phía học sinh, GV cần hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị  bài trước, xem bài trước thì khi lên lớp, học  sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Con đường hình thành tri thức trong đầu học sinh là như vậy, như nhà văn Lỗ Tấn khẳng định: “Kỳ thực ra trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi”. Thực tế học sinh rất ít khi chuẩn bị bài trước nên GV cần phải yêu cầu học sinh chuẩn bị bài, nếu không sẽ cho zê rô. GV phải thường xuyên kiểm tra việc này để đưa học sinh vào nề nếp, coi việc chuẩn bị bài là việc tất yếu phải làm. Được như vậy đảm bảo giờ dạy sẽ hiệu quả.

Một vấn  đề tưởng như đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong dạy học đó là GV nhớ tên học sinh, chuyện trò thân thiện với học sinh.Tâm lý của con người ai cũng vậy, cái tên của mình là quan trọng. Nếu ta trò chuyện với ai đó một vài lần mà lần sau gặp gỡ họ không nhớ tên ta thì rõ ràng ta không có cảm tình với người đó, nhưng ngược lại nếu ta chỉ gặp gỡ  có một lần mà lần sau gặp lại họ không những nhớ tên ta mà còn nhớ cả sở thích của ta thì rõ ràng  ta sẽ rất có cảm tình với người đó. Mà khi đã có cảm tình với ai thì ta sẽ đối xử tốt với người đó. Vì vậy trong dạy học, GV nên nhớ tên học sinh, thân thiện với học sinh để học sinh có ấn tượng tốt và  không phụ công sức, tình cảm của GV.

Có một vấn đề đặc biệt quan trọng để đổi mới phương pháp dạy có hiệu quả là trả lương cao cho GV. Đành rằng làm giáo viên là phải có lương tâm, nhưng xin đừng xem nhẹ lương tháng! Lương có đảm bảo cuộc sống thì GV mới chuyên tâm đầu tư chuyên môn nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là ý nghĩa ai cũng nhìn thấy, nhưng tôi nghĩ còn có một ý nghĩa tinh thần hết sức quan trọng. Trả lương cao cho GV, GV có đời sống khá giả thì học trò sẽ rất là trọng và sẽ phấn đấu học hành để có được cuộc sống  như thầy cô. Thông thường trong cuộc sống, tiếng nói của người giàu rất có trọng lượng. Nói thật, nếu đời sống GV, nhất là dạy “môn phụ”, dù có nói hay, năng lực chuyên giỏi mà nghèo thì tiếng nói sẽ ít trọng lượng, hiệu quả giáo dục cũng theo đó mà ít chất lượng.

Cuối cùng, tất cả mọi phương pháp và cách thức giáo dục sẽ ít hiệu quả nếu như người thầy thiếu cái Tâm.Trong dạy học, người thầy cần có cái Tâm sáng, công bằng, khách quan, quan tâm thương yêu học trò, luôn vì sự tiến bộ của học trò. Nói như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, thì trong dạy học hơn nghề nào hết cần lắm một Tấm lòng, một cái Tâm

                          

Phạm Được

GV Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Muốn nâng cao hiệu quả dạy học, điều quan trọng trước hết là người Thầy cần có Tấm lòng, có cái Tâm như lời tâm sự của Thầy giáo Phạm Được. Từ đó, người Thầy mới có ý thức trách nhiệm đầy đủ trước mỗi giờ dạy, từ việc tham khảo tài liệu, chuẩn bị giáo án đến việc tạo ra “kịch bản” sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh chủ động tham gia xây dựng bài học.

 

Cũng nhờ tâm huyết với nghề, Người Thầy có thể vượt qua nhiều khó khăn đời thường để không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như tìm ra phương pháp mới mẻ đem lại sự hứng thú cho học sinh qua mỗi giờ học. Đấy cũng là người Thầy luôn quan tâm đến sự tiến bộ của học trò và coi đấy là nguồn vui tinh thần to lớn đối với mình.

 

Quan tâm tạo điều kiện cho các Thầy giáo luôn gắn bó và hết lòng với nghề, đó là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý cũng như các đoàn thể xã hội và các bậc phụ huynh học sinh.