Đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học ở Đại học ở Liège

(Dân trí) - Nhiều trường đại học ở VN vẫn còn "đào tạo chay", SV không được làm quen với nghiên cứu khoa học, cho nên chất lượng và hiệu quả đào tạo có nhiều mặt hạn chế; trong khi các trường đại học trên thế giới đã gắn liền việc đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Vài thí dụ cụ thể

 

1. Khi hỏi một giáo sư dạy về giấc ngủ tại Đại học Liège,  bao nhiêu phần trăm các bài giảng của ông xuất xứ từ những công trình nghiên cứu của cá nhân, câu trả lời giao động tùy theo «lớp»  hay trình độ của sinh viên :

 

 - Cho những sinh viên hai năm đầu, cần những kiến thức nên tảng, ông khiêm tốn bảo rằng khoảng 10-15% nội dung môn ông là «cây nhà lá vườn» - kết quả của nghiên cứu cá nhân . Theo ông, người đi dạy trình bày giỏi nhất và hăng say nhất khi họ bàn về các nghiên cứu của bản thân. Dạy học cũng là một cách để ươm mầm hăng say và để «vẽ đường» cho sinh viên đi.

 

 - Cho những năm chuyên khoa, nhất là sau Đại học, nghiên cứu cá nhân chiếm đa số tổng thể nội dung các bài giảng. Dạy cho sinh viên, trong trường hợp này, đồng nghĩa với truyền nghề ở trình độ cao kèm với những câu hỏi, những thận trọng, những đường hướng, khả năng ,... cho sinh viên có thể tiếp tục công trình và đi xa hơn, sâu hơn.

 

Để có thể dạy như thế, cùng lúc với trách nhiệm lên lớp, ông nghiên cứu và điều khiển một trung tâm giấc ngủ, hướng dẫn sinh viên để cho trình một hay hai luận án Tiến sĩ, mỗi năm, cho đăng ít nhất là vài bài báo mỗi năm, đi trình bày các kết quả của mình ở các hội nghị quốc tế và trình toà các phát minh, ... Dĩ nhiên, đấy là công việc của cả một nhóm, gồm cộng sự thường trực, sinh viên Tiến sĩ và cả đồng nghiệp ở các phân khoa khác hay ở các Đại học khác.

 

Trung tâm giấc ngủ Liège, sau ba mươi năm hoạt động đã xuất bản hơn 80 bài báo, 2 bằng phát minh và một spin off (xí nghiệp được Đại học Liège giúp đở để đi vào sản xuất công nghiệp các phát minh) đang bước sang giai đoạn đi vào tự lập.  
 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

2. Thí dụ thứ nhì, sang qua phân khoa xã hội học : sau khi có một số «vốn liếng» về lý thuyết và phương pháp, các sinh viên có thể hợp tác tích cực vào các chương trình nghiên cứu điều tra xã hội học của trường : đi quan sát tại chỗ, họp «động não»  (brain storming) để tìm giả thuyết cho nghiên cứu, đi phỏng vấn các đối tượng nghiên cứu, vô phòng tin học làm ứng dụng phân tích thống kê các kết quả nghiên cứu, ...Sinh viên  có thói quen mang kinh nghiệm, các khó khăn, câu hỏi  mình gặp trên «hiện trường» (terrain) vào lớp chia sẻ với bạn bè  và từ đó «nuôi dưỡng» cho bài học cùng với giảng viên. Giảng viên thành người giúp giải quyết khó khăn chứ không chỉ là người truyền kiến thức.

 

Sau hai ba năm với chế  độ học tập ấy, luận văn  ra trường của mỗi sinh viên  là một công trình  cá nhân hoàn chỉnh vì mỗi sinh viên được đào tạo vừa có vốn lý thuyết, có vốn phương pháp lại có kinh nghiệm đủ để là một nhà xã hội học với khả năng nghiên cứu.

 

3. Thí dụ thứ ba, ở phân khoa Luật, ngay từ năm thứ nhì, sinh viên phải tập nghiên cứu các «casus» (những trường hợp), một loại bài tập ứng dụng những nguyên tắc pháp lý, những luật và tiền án lệ (jurisprudence), để giải quyết các trường hợp cụ thể. Muốn hoàn thành các bài tập này sinh viên phải vào thư viện tra cứu và tập tành viết bài lý luận bảo vệ hướng giải quyết vấn đề của mình, có chứng cứ, biện minh...Tùy chuyên ngành trong phân khoa Luật, nhưng điểm chung của các sinh viên sau 5 năm học là có thể tức khắc hoạt động (opérationnel) chứ không phải chỉ có lý thuyết.
 
Đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học ở Đại học ở Liège - 1

(nguồn ảnh internet)

 

 

4. Thí dụ thứ tư, tình cảm hơn, khi con gái tôi, lần đầu tiên đi ngoại quốc thuyết trình ở một Hội nghị quốc tế, cháu chưa đầy 20 tuổi, đang ở năm thứ ba Đại học «Thương con thân gái đi xa, mới lần thứ nhất con ra nước ngoài», tôi đã đi theo, hộ tống cháu, thuê  khách sạn ở cùng với cháu trong suốt thời gian của hội nghị, ...

Thí dụ này cho thấy là sinh viên ở Bỉ không những học nghiên cứu rất sớm mà còn có khả năng, cũng rất sớm, đưa kết quả của nghiên cứu cá nhân lên diễn đàn khoa học quốc tế. Điều này có nghĩa là các sinh viên, từ những năm đầu tiên, đã tập tành đi vào phòng thí nghiệm, nếu các em thích và nếu các em cố gắng trau dồi khả năng.

 

Sau thí dụ cụ thể,  đến lý thuyết ...

 

Ở Bỉ, cũng như ở đại đa số các nước  Âu Mỹ khác,  các Đại học đều theo đuổi ba nhiệm vụ chính : dạy học, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

 

Ba mục đích này có liên hệ hỗ tương với nhau. Trong giới hạn bài này, tôi chỉ bàn đến hai nhiệm vụ đầu tiên :  dạy học và nghiên cứu.

 

Nghiên cứu là để phát triển khoa học, để biết thêm biết sâu hơn. Đại học còn được gọi là cái «đền của khoa học» (Temple de la science).

 

Nghiên cứu là để nuôi dưỡng cho dạy học, đưa vào giảng dạy những hiểu biết mới nhất. Với sự tiến triển của khoa học trong ba bốn thập kỷ qua, một giảng viên bỏ bê sự nghiên cứu sẽ tệ hơn một cái đĩa hát cũ, cứ lặp lại những kiến thức có khi đã hết giá trị.

 

Nghiên cứu để phục vụ cho dạy học : nếu chính bản thân không nghiên cứu, làm sao có khả năng dìu dắt sinh viên làm luận án Tiến sĩ ? Định nghĩa của luận án này là viết ra một khám phá khoa học mới của cá nhân. Mà muốn khám phá thì phải tìm tòi, phải nghiên cứu khoa học.

 

Đại học chuẩn bị cho sinh viên trên đường hướng đó : thông thường, trong hai năm đầu, các em được học những hiểu biết căn bản, cơ sở trong ngành đã chọn cùng với những hiểu biết khoa học tổng quát vững chắc. Như thế, các em có thể tiếp tục trong những năm sau, đi sâu vào chuyên môn và tập tành nghiên cứu khoa học.

 

Bắt đầu năm thứ ba ở Đại học Liège, nhiều giáo sư  chỉ hướng dẫn thư mục, hay chỉ cho những đề tài nghiên cứu nhỏ, sinh viên tự bươn chải làm tiểu luận, cần thì «cầu cứu» đến giáo sư khi có vấn đề. Như vậy, kể ra không có «dạy» cũng không có «thi» (điểm cho bài tiểu luận là điểm cuối năm). Học thành tự học, thành tự quản và thành «sáng tạo», một hình thức rất tích cực của việc học.  

 

Muốn tốt nghiệp, tất cả sinh viên đều phải làm luận văn cuối học trình (TFE Travail de Fin d'Etude) chủ đề tự chọn (nhưng phải có sự đồng ý của Hội đồng học trình). Luận văn này phải là một nghiên cứu khoa học đúng nghĩa của nó.

 

Vài điều kiện cần ...

Có cơ sở :làm sao nghiên cứu nếu không có phòng thí nghiệm, không có thư viện, không có hiện trường để khảo sát, ...Qua các thí dụ cụ thể kể trên, chúng ta thấy là ở Đại học Liège, sinh viên có thể đến làm việc ở Trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ, có thể hòa mình vào các khảo sát của Phân khoa Xã hội học, làm việc ở thư viện Léon Graulich (thư viện của Phân khoa Luật) và nhất là được sự giúp đỡ của giáo sư, các trợ giáo, các chuyên viên khác,...

Tất cả nhân sự của Đại học đều có bổn phận giúp sinh viên – dù là không phải sinh viên của mình – điều đó ít nhất nằm trong sứ mạng phục vụ cộng đồng, nếu không là trong sứ mạng «dạy». Tinh thần rất cởi mở. Dĩ nhiên là phải xin hẹn trước, nhưng rất nhiều du học sinh nước ngoài mới sang Bỉ rất ngạc nhiên trước thái độ sẵn sàng giúp của các giáo sư bên này.

Đại học Liège có hơn 20 Trung tâm nghiên cứu (Centres de Recherches) và mỗi giáo sư đều có một đơn vị nghiên cứu (Unité de Recherches) của mình với những ngân quĩ và tài trợ cần thiết.

 

Có vốn phương pháp : Tôi có thể nói một cách không quá chủ quan rằng nghiên cứu khoa học khác với sự tìm tòi của người thường ở chỗ những phương pháp mà khoa học gia áp dụng, những phương pháp được xác nhận.

Mỗi khoa học có những phương pháp riêng để kiểm chứng những giả thuyết trước khi khẳng định. Từ khoa xã hội học cho đến Vật lý, Toán và cả Y khoa (dù mọi người vẫn còn cho rằng y khoa là « một nghệ thuật chứ không phải là một khoa học » - la Médecine est un art et non pas une science -).

Trong những năm đầu, sinh viên nào cũng phải tập tành phương pháp khoa học của chuyên ngành mình với giáo sư về phương pháp khảo cứu.

Thêm vào đó là các môn Thống kê học, Xác suất học cũng được dạy trong hai năm đầu hệ Đại học.

Có động cơ tâm lý : hăng say và kiên nhẩn tìm tòi, sẳn sàng làm lại từ đầu nếu lỡ đi sai, ... là một động cơ cần (và có khi đủ) để đi vào  nghiên cứu khoa học dù chỉ là nghiên cứu  nhỏ trong học trình Đại học. Vì một lý do rất giản dị : học một cách thụ động (chép, học bài rồi «trả bài» lúc ra thi) dễ hơn và ít tốn công sức hơn là học một cách tích cực và lăn xả vào nghiên cứu.  Nhưng học tích cực thú vị hơn nhiều!

và có đạo đức khoa học : Trung thành với kết quả tìm ra, kính nể các đối tượng nghiên cứu (dù là một con chuột, cũng không làm nó đau đớn vô ích, đối với người thì còn phải thận trọng hơn nữa), tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả, ...

Nhưng nếu sau này tôi không làm tiếp Tiến sĩ, không đi theo đường nghiên cứu khoa học thì học nghiên cứu trong quá trình Đại học thành vô ích ?

 

Có ích chứ. Tập tành nghiên cứu là tập tành cách giải quyết những vấn đề một cách ... khoa học và cái kinh nghiệm đó quả thật là vô giá cho tất cả người có hiểu biết !

 

Đó là chưa nói đến kết quả của sự học «tích cực» và hạnh phúc của người đi tìm tòi khoa học trong thời cấp sách đến trường.

                                                       Nguyễn Huỳnh Mai

                                                              Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí-Qua bài viết trên đây, tác giả đã trình bầy thật sáng tỏ về nguyên lý đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học ở bậc đại học. Điều đó đã trở thành điều hiển nhiên ở Bỉ cũng như nhiều nước Âu Mỹ khác. Thực hiện nguyên lý đào tạo đó, rõ ràng là chất lượng và hiệu quả đào tạo được bảo đảm . Sau 4-5 năm học tập và nghiên cứu ở trường, những sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục làm tiến sĩ hoặc bước vào đời làm ngay công việc chuyên môn, không có gì bỡ ngỡ vì đã được làm quen với công việc trong quá trình đào tạo cũng như được trang bị về phương pháp luận và cách giải quyết vấn đề một cách khoa học.

 

Đấy cũng là những kinh nghiệm rất thiết thực đối với những trường đại học của chúng ta. Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo ở bậc đại học, không thể coi nhẹ công tác nghiên cứu khoa học, mà cả thầy và trò đều phải tham gia vào quá trình đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học. Phải chăng đấy cũng nguyên lý đào tạo ở bậc đại học khác hẳn với bậc học phổ thông, để không biến các trường đại học thành « trường phổ thông cấp 4 » như cách nói phê phán châm biếm chất lượng đào tạo của không ít các trường đại học hiện nay.