Đánh giá đúng về kỳ thi tốt nghiệp THPT để có quyết sách đúng

(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 được Bộ GD&ĐT đánh giá là “an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”. Dù vậy, kết quả cuối cùng được công bố với tỷ lệ đậu tốt nghiệp tăng cao ở cả hai hệ THPT và bổ túc THPT khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn.

Đề thi dễ cùng với những bất cập, tồn tại trong khâu coi thi, thanh tra thi và việc “nới tay” trong khâu chấm thi được xem là những lý do góp phần dẫn tới kết quả tốt nghiệp cao chót vót với những tỷ lệ đậu thật “đẹp” ở hầu khắp các địa phương, kể cả những vùng khó khăn, giáo dục vốn yếu kém. Khi mà kết quả thi tốt nghiệp chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng học tập của học sinh thì nên chăng cần nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại của kỳ thi này.

 

Năm học 2006-2007, với nỗ lực tạo ra một diện mạo mới, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú trọng chất lượng thực, Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, “hai không” đã phát huy tác dụng.

 

Đánh giá đúng về kỳ thi tốt nghiệp THPT để có quyết sách đúng - 1
Cần có đánh giá đúng về kỳ thi tốt nghiệp THPT để đưa ra quyết sách đúng (ảnh: Khánh Hiền)



Hiệu quả lớn nhất từ cuộc vận động mang tính đột phá này là chất lượng thực trong dạy và học phần nào được nhận diện. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã “xắn tay” nhập cuộc, sát cánh, chung sức với ngành giáo dục trong nỗ lực chấn hưng giáo dục. Một thực tế đã diễn ra là khi thực hiện “hai không”, kỷ luật phòng thi được siết chặt, tỷ lệ đậu tốt nghiệp

 

THPT và bổ túc THPT đã giảm mạnh. Trong năm 2007, ở lần thi thứ nhất, cả nước chỉ có 66,7% học sinh đậu tốt nghiệp THPT và 26,6% học viên đậu tốt nghiệp bổ túc THPT. Mặc dầu phải nếm “trái đắng” nhưng phải thừa nhận rằng, kết quả trên đã phản ánh được phần nào những mảng tối trong bức tranh về chất lượng giáo dục đại trà. Sau nhiều năm “ngủ quên” trong thành tích ảo, kết quả trên cho thấy, đã đến lúc ngành giáo dục phải có những động thái quyết liệt, tích cực, nếu như không muốn để chất lượng giáo dục tiếp tục “xuống dốc”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e mail:thaolam@dantri.com.vn

Những tưởng khí thế bước đầu của cuộc vận động “hai không” sẽ được phát huy trong những năm tiếp theo nhưng đáng buồn là dường như càng về sau, sức lan tỏa, ảnh hưởng của “hai không” càng nhạt dần. Đặc biệt là trong hai năm vừa qua , biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ đậu tốt nghiệp tăng cao nhưng không phản ánh đúng chất lượng học tập thực tế của học sinh.

 

Năm 2010, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT chung trên cả nước là 92,57%, trong đó có nhiều trường đạt gần 100%. Năm 2011, cả nước tiếp tục có tỷ lệ đậu tốt nghiệp “đẹp”, theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đối với giáo dục phổ thông là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010; đối với giáo dục thường xuyên là 85,47%, tăng 18,76% so với năm 2010. Nếu như ở các năm trước, tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở các địa phương còn ít nhiều phản ánh khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền thì năm nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 90%. Trong đó, có nhiều tỉnh đạt từ 96-99% ở cả hai hệ THPT và bổ túc THPT. Với tỷ lệ đậu cao như vậy, việc tiếp tục duy trì sự tồn tại của kỳ thi có còn cần thiết?

 

Chi phí để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm không phải là nhỏ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, cả nước có trên 1 triệu thí sinh tham gia. Để phục vụ cho kỳ thi, cả nước đã phải huy động hơn 132000 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, bố trí gần 44500 phòng thi với hơn 2400 hội đồng coi thi, hơn 22800 giáo viên được điều động tham gia chấm thi.

 

Ngoài ra, còn có hàng ngàn đoàn thanh tra được các Sở GD&ĐT giao nhiệm vụ cắm chốt ở các hội đồng thi, 64 đoàn thanh tra chấm thi ở các địa phương… Chi phí cho quá trình chuẩn bị, tổ chức kỳ thi ở tất cả các khâu tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa tính đến các chi phí không nhỏ từ phía các gia đình có thí sinh dự thi.

 

Thực tế các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua cho thấy, năm nào cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Với quy định đổi chéo giáo viên giữa các hội đồng thi và thí sinh thi theo cụm thi liên trường, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh phải vượt một quãng đường khá xa để đến các điểm thi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, có 103 thí sinh phải bỏ thi và 3 giám thị tử nạn do tai nạn giao thông. Đáng nói là, không có năm nào không có những vụ tai nạn xảy ra trong những ngày thi diễn ra.

 

Qua tìm hiểu được biết, không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả bản thân nhiều giáo viên cũng đã có ý kiến đề xuất, đã đến lúc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì những bất cập, tồn tại trong các khâu tổ chức kỳ thi làm ảnh hưởng tới chất lương chung của kỳ thi. Nếu tình trạng trên kéo dài, sẽ làm xói mòn lòng tin của dư luận xã hội đối ngành giáo dục.

 

Bên cạnh đó, nhiều người “trong cuộc” cũng cho rằng: tấm bằng tốt nghiệp đã không còn giữ được “sứ mệnh” đánh giá năng lực học tập thực sự của thí sinh. Với mảnh bằng tốt nghiệp THPT, học sinh cũng khó có thể xin được việc làm ngay, muốn có nghề nghiệp, các em phải học nghề hoặc học lên cao đẳng, dại học.

 

Thực tế có nhiều em không có bằng tốt nghiệp THPT, vẫn có thể có được tấm bằng cao đẳng, đại học bằng cách đi “đường vòng”. Ban đầu đăng ký xét tuyển vào học một trường trung cấp nào đó rồi sau tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học. Bằng tốt nghiệp THPT vì thế đã không còn quá quan trọng đối với nhiều học sinh, nó chỉ mang ý nghĩa là một giấy chứng nhận hoàn thành một bậc học.

 

Năm 2007, Bộ GD&ĐT đã từng đưa ra đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, sẽ thực hiện phương án “2 trong 1”, tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Kết quả của kỳ thi này được dùng làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Chính vì những quan ngại về tính công bằng, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan mà phương án “2 trong 1” chưa được áp dụng trong thực tế. Mặc dầu vậy, căn cứ vào kết quả của kỳ thi trong vài năm qua, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều cần thiết. Nên chăng, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT có thể giao cho các cơ sở giáo dục dưới sự kiểm tra, thẩm định, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục.

 

Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vốn được xem là thực sự công bằng, nghiêm túc vẫn được giữ nguyên nhằm tuyển chọn những người có đủ năng lực tiếp tục học lên. Những đổi mới mang tính đột phá trong hình thức tổ chức thi cử trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

 

LTS Dân trí - Những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà đều băn khoăn về sự “lụi tàn” từng bước của cuộc vận “Hai không” trong ngành giáo dục những tưởng sẽ đem lại sự chấn hưng cho nền giáo dục đang mắc bệnh nan y về những thành tích ảo.

 

Bài viết trên đây của một giáo viên THPT nói lên khá rõ thực trạng của những kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua từng bước lùi trở lại về thực trạng trước khi có cuộc vận động “Hai không”. Nhưng điều đó hầu như lại hợp “khẩu vị” quen thuộc của không ít địa phương vốn quen sống bằng…thành tích ảo và cũng “hợp lòng dân” là những phụ huynh học sinh đã bỏ nhiều công sức nuôi con ăn học 12 năm liên tục.

 

Cho nên giải pháp khả thi nhất hiện nay là nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách hình thức và tốn kém nhiều mặt. Chỉ cần duy trì kỳ thi đại học, cao đẳng thật sự nghiêm túc là có thể phân loại học sinh để cho học tiếp những ngành học và bậc học phù hợp với trình độ học vấn và năng khiếu của các em.