Tiêu điểm:

Đáng để lo lắng!

(Dân trí) - Nhóm học sinh Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thực hiện đồ án “Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm” đã giành giải nhất toàn quốc. Một vinh dự được trả bằng rất nhiều mồ hôi, công sức, niềm đam mê và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Thế nhưng thật tội nghiệp, mặc dù được vinh dự tham gia cuộc thi môi trường nước quốc tế tại Thụy Điển, tác giả của đồ án trên đều quá nghèo. Thày và trò không có tiền để đi ra khỏi tỉnh, lấy đâu để ra nước ngoài. Một số doanh nghiệp tại địa phương hứa hẹn giúp đỡ nhưng không hiểu sao cuối cùng lại từ chối. Ngành giáo dục, chính quyền tỉnh Sóc Trăng không lo được cho nhóm học sinh ưu tú này. Cũng có thể họ không đánh giá đúng ý nghĩa của cuộc thi quốc tế về môi trường  nước mà con em trong tỉnh là người thay mặt quốc gia để thi tài. Cũng có thể không thấy đó là niềm tự hào của địa phương, các em là những mầm tài năng cần ươm cho xã hội. Và cũng có thể họ cho đó là việc riêng của những người được giải, không phải việc của mình…?
 
Đáng để lo lắng! - 1
Nhóm học sinh thực hiện đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm"

 

Những bài viết về hoàn cảnh của thầy trò trường An Lạc Thôn đã động lòng những người yêu chữ nghĩa, thương các em học sinh nghèo học giỏi. Tập đoàn Viettel đã quyết định tài trợ cho thầy Nguyễn Ngọc Hải và ba học trò của mình sang Thụy Điển dự thi. Thầy Hải và các em vui mừng vì có cơ hội “đem chuông đi đánh xứ người” và cũng đỡ tủi thân vì một thời gian dài đi gõ nhiều cánh cửa nhưng không được mở. Một nỗi cô đơn được chia sẻ, hạnh phúc nào bằng!

 

Người ta đã nói nhiều đến việc khuyến học, khuyến tài. Không ít địa phương có hẳn chủ trương “trải thảm đỏ đón nhân tài”, nhưng khi xuất hiện người tài thì không thấy bóng dáng ai đến “khuyến” mà chính địa phương “trải thảm đỏ” đó cũng chẳng thấy “trải thảm đỏ”. Hình như những “lời hay ý đẹp” vẫn chỉ là khẩu hiệu hơn là hành động thực. Nhóm tác giả này ở một trường làng không tên không tuổi, ở một tỉnh không có bề dày thành tích  trong các cuộc thi thố tài năng nhưng đã thực hiện thành công một đồ án về bảo vệ môi trường có giá trị khoa học và thực tiễn, xứng đáng tranh tài tầm quốc tế. Với thành tích bước đầu đó, đáng lý địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ để các em có điều kiện tiến xa hơn, hoặc ít nhất cũng khuyến khích, động viên để các em nuôi dưỡng lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học.

 

Nhưng đáng tiếc là ngành giáo dục địa phương không lo được gì cho các em đi thi. Bộ GD & ĐT và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng không làm được hơn thế. Trong khi đó, người ta dễ dàng tìm tài trợ cho các cuộc thi chân dài, chân ngắn, nhảy nhót vô bổ nhưng lo ít tiền cho thi thố khoa học, kỹ thuật thì lại rất khó. Đây là điều đáng để suy tư, đáng để lo lắng.

 

Lê Chân Nhân