Vụ cháy xưởng may ở Tân Dân (Hải Phòng):

Dân làng cố gắng phá tường, dập lửa nhưng đã quá muộn

(Dân trí) - Là những người tận mắt chứng kiến vụ cháy xưởng may giày ở Tân Dân, không ít độc giả đã lên tiếng phủ nhận những lời chị Bùi Thị Thêm (39 tuổi, công nhân may mắn thoát chết) nói, vì cho rằng không đúng sự thật.

Sau khi bài viết Đứng xem lửa thiêu chết bà con cùng làng được Dân trí đăng lại từ báo Tiền Phong hôm 7/8, có một số độc giả là người có mặt tại vụ cháy xưởng giày Tân Dân (Hải Phòng) đồng loạt lên tiếng chia sẻ những gì mà họ tận mắt chứng kiến.

 

Độc giả, hangcân121: thuhang.hvtc1412@gmail.com kể lại sự việc mình được chứng kiến và cho rằng điều chị Thêm lên án sự vô cảm của người dân làng là không đúng:

 

“Mình ở Tân Dân, hôm xảy ra vụ cháy mình có chứng kiến. Các bạn có biết hoàn cảnh lúc đó thế nào không? Lửa cháy ở gần cửa trong khi đó còn có quạt công nghiệp ngay ngoài cửa thổi lửa vào, điện không có ai cắt cả, lửa cháy rất lớn, khói đen sì. Mọi người cũng cố gắng đập tường phía sau, tuy bên ngoài chỉ là lớp gạch babanh nhưng bên trong lại gia cố bằng các song sắt nên khi đập được lớp gạch ra rồi mọi người cũng phải “bó tay”.
 
Dân làng cố gắng phá tường, dập lửa nhưng đã quá muộn - 1

Một số hình ảnh sau khi vụ cháy xảy ra (nguồn ảnh: tuoitre.vn)

 

Mình đứng chứng kiến, thấy có anh Huân (người chứng kiến vợ mình chết cháy), 1 ông nào đấy (hồi trước mình nghĩ là điên) cầm búa và chân toàn bùn nên mình đoán họ cố gắng đập phía đằng sau. Mọi người bảo đập được tường ra thì lửa phụt ra đến cả mét, và song sắt (có bức ảnh đăng trong bài viết trước) thử hỏi ai có thể tiếp cận được.

 

Nếu có trách thì trách chủ nhà, thợ hàn, chủ xưởng và cả công nhân đều ngăn không cho hàn. Nhưng chủ nhà bảo cứ làm đi, có chuyện gì họ sẽ chịu trách nhiệm. Nên việc cô Thêm nói thế mình thấy không đúng, những thanh niên đứng đấy và cả rất đông người dân đứng đấy không ai muốn kết cục đau lòng như vậy cả. Lao vào cứu ư, như trường hợp Xuân Anh đấy, vì muốn vào cứu chị, lần đầu lao vào nhưng không được bị xém tóc nhưng vì thương chị nên cố lao vào lần thứ 2 thì em đã không ra được nữa.

 

Vấn đề bây giờ không phải ngồi đó mà trách cứ mọi người mà hãy cố gắng để cứu được các nạn nhân, những thanh niên và những người dân đó đã và đang đóp góp tiền của để giúp đỡ các nạn nhân bị bỏng...”

 

Tương tự, nick nhân chứng: vuvinh2990_hp@yahoo.com cho biết tất cả những người có mặt đã cố gắng hết sức nhưng quá muộn:

 

“Không nên đánh giá con người chỉ qua lời kể trong hoàn cảnh như vậy được. Tôi là người chứng kiến hàng chục người lao vào dập lửa, cắt dây điện múc nước ở dưới giếng gần đó đến lúc cạn không thể múc được nữa. Khoảng 5-6 người vác búa, xà beng ... đập bức tường đằng sau nhưng vì tường quá chắc, lúc đập được 1 lỗ nhỏ thì thấy mọi người đã chết hết vì ngạt khói. Lửa tạt quá nóng, biết là không kịp nữa rồi nên đành thôi”.

 

Còn Nguyễn Hoàng: hpxanh@yahoo.com phân tích: 

 

“Không phải họ đứng nhìn đâu, mọi người cứ nghĩ mà xem bao nhiêu con người như thế họ đâu phải sắt đá mà đứng nhìn.Thực ra là họ bị hoảng loạn và bất lực trước đám cháy đó. Ai cũng biết hôm đó có bão, gió rất to mà xưởng thì xây nhìn ọp ẹp nhưng rất khó phá. Việc gì cũng phải nhìn nhận nhiều chiều”. 

 

Vì có quá nhiều những sự việc xảy ra gần đây cho thấy sự vô cảm, sự xuống cấp trong tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của một bộ phận người, nên đã làm nhiều người không khỏi lo lắng, e ngại hiện tượng này cũng có thể tái diễn một lần nữa trong vụ cháy xưởng giày Tân Dân.

 

Tuy nhiên sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra, và nhiều độc giả kiến nghị rằng nếu những điều chị Bùi Thị Thêm nói là sự thật thì cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm để cảnh báo cũng như răn đe những trường hợp vô cảm khác.

 

Nếu đúng như lời chị Thêm nói thì thật đau xót, căm phẫn. Và nếu những điều đó là sự thật đề nghị các cơ quan pháp luật khi thụ lý vụ án đặc biệt nghiêm trọng này hết sức chú ý đến tình tiết đề cập đến sự vô cảm của hơn chục thanh niên trai tráng đứng nhìn đám cháy. Theo tôi, phải xử lý tội những người này nặng như vợ chồng A Phong! - Hoàng Nghĩa Tuấn: tuanhoangnghiat@yahoo.com.vn đề xuất.

 

Cùng chung quan điểm về hình thức xử lý với sự vô cảm, nhưng Nguyễn Xuân Công: xthanhcong@yahoo.com cũng cho rằng cần đưa nội dung cách thức PCCC vào chương trình giáo dục để ai cũng có kiến thức khi gặp sự cố, hạn chế những cái chết oan uổng như trường hợp hai em Bùi Thị Yến và Bùi Xuân Anh: 

 

“Đọc xong mà tôi thấy lòng mình nghẹn lại, chỉ ước gì lúc đó mình có mặt để giúp được các em. Thật căm phẫn và cần có biện pháp mạnh nếu câu chuyện vô cảm đó là sự thật. Tôi nhà nước nên bắt buộc học sinh phải học PCCC khi còn học phổ thông, để cho học sinh có được những kiến thức cơ bản về PCCC nhằm tự cứu mình và người khác khi có cháy xảy ra”.

 

Và hơn cả, độc giả đồng loạt lên án gay gắt cách làm việc vô trách nhiệm, bất chấp tính mạng của hàng chục công nhân cũng như hành động trốn chạy tội lỗi của vợ chồng chủ xưởng may giày da Tân Dân. Đa phần đều kiến nghị một bản án nghiêm khắc đối với "ông bà chủ" cùng hai thợ hàn đã trực tiếp gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng này.

 

Trần Bách