Sóc Trăng:

Dân khốn đốn bởi cơ quan thi hành án bất chấp pháp luật: Phản hồi thiếu thuyết phục?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) cưỡng chế thi hành án không đúng quy định khiến người dân bị thiệt thòi, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn phản hồi nội dung báo Dân trí đã phản ánh. Công văn trình bày khá chi tiết nội dung vụ việc nhưng… lòng vòng, thiếu thuyết phục, thậm chí chưa thật khách quan.

Cục THADS tỉnh Sóc Trăng vừa có Công văn số 1153/BC-CTHADS do bà Bùi Thị Thúy Nga - Phó Cục trưởng THADS tỉnh Sóc Trăng - ký phản hồi nội dung báo Dân trí đã phản ánh, khẳng định Chi cục THADS huyện Mỹ Tú thực hiện đúng pháp luật.

Sau khi được PV cung cấp công văn số 1153 của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng, bà Huỳnh Thị Phương Thảo (người bị thi hành án cưỡng chế lấy đất giao cho nguyên đơn Phan Mỹ Cao và Trương Thành Công) bức xúc: “Những nội dung mà bà Bùi Thị Thúy Nga nêu ra trong công văn gửi báo Dân trí có một số vấn đề không đúng, thậm chí không mang tính thực thi theo hiến pháp, pháp luật”.

Cụ thể, theo trình bày của bà Thảo, Bản án số 106/DS-PT, ngày 07/06/2010 do Chi cục THADS huyện Mỹ Tú thụ lý, trong quá trình thi hành án, ông Văn Công Mới (Chi cục trưởng THADS huyện Mỹ Tú) đã thực hiện không đúng pháp luật nên bị bà Ngô Thúy Hiền tố cáo. Cục THADS tỉnh Sóc Trăng có kết luận nội dung tố cáo của bà Hiền là có cơ sở. Sau khi ông Văn Công Mới bị cách chức, việc thi hành án chuyển sang cho chấp hành viên Mai Hoàng Phong.

Ngày 18/4/2014, chấp hành viên Mai Hoàng Phong ra quyết định cưỡng chế số 02/QĐ-CCTHA. Hơn ai hết, ông Phong biết việc rút tiền của bà Hiền trả cho nguyên đơn, có kết luận không đúng quy định, tức là vi phạm pháp luật, nhưng tại sao khi kê biên, cưỡng chế tài sản không khắc phục số tiền của bà Hiền trả lại vị trí ban đầu, khởi xướng bản án lại theo trình tự thủ tục như thông báo, phong tỏa tài sản, tài khoản cho bà Hiền biết có tính khách quan. Đằng này, ông Phong tiếp tục việc làm sai chưa khắc phục đem số tiền tiếp tục khấu trừ cho nguyên đơn. Vậy việc làm của ông Phong coi như cán bộ được quyền làm sai đối với dân, không khắc phục sửa sai ?.

Cán bộ thi hành án Mỹ Tú cưỡng chế lấy đất của bà Thảo giao cho bà Cao.
Cán bộ thi hành án Mỹ Tú cưỡng chế lấy đất của bà Thảo giao cho bà Cao.

Theo Công văn 1153 do bà Bùi Thị Thúy Nga- Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng ký cho rằng, ngày 28/4/2014, chấp hành viên có mời bà Hiền, Thảo, Nhung làm việc, đề nghị bà Hiền thay đổi tài sản kê biên, phát mãi là tài sản quyền sử dụng đất của bà Huỳnh Thị Phương Thảo, nhưng bà Hiền vẫn không đồng ý, nên chấp hành viên tiến hành kê biên đất của bà Thảo. Thực tế, Biên bản làm việc ngày 28/4/2014 Chi cục THADS huyện Mỹ Tú chỉ có ý kiến, giải thích quyền và nghĩa vụ cho bà Hiền, Thảo, Nhung được rõ, phải thực hiện theo đúng nội dung bản án. Như vậy, công văn 1153 trả lời của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng là không thuyết phục.

Ngày 19/8/2014, phía Chi cục THADS huyện Mỹ Tú có nêu quan điểm, nếu bà Hiền đồng ý kê biên căn nhà tường gắn liền trên đất, tọa lạc tại ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, thì Chi cục THADS huyện Mỹ Tú sẽ thu hồi Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/CCTHA, ngày 18/4/2014 giải tỏa, kê biên tài sản đã kê biên và tiến hành kê biên căn nhà tường gắn liền trên đất.

Những quan điểm này của ông Mai Hoàng Phong - Phó Chi cục THADS huyện Mỹ Tú nêu vào ngày 19/8/2014 tại Cục THADS Sóc Trăng, như trên cho rằng ý kiến này ông đã làm việc với bà Hiền, Thảo, Nhung vào ngày 28/4/2014 nhưng trong biên bản hoàn toàn không có thể hiện vấn đề này, lúc thì bà Nga cho rằng chấp hành viên đề nghị đổi tài sản, lúc thì quan điểm chấp hành viên kê biên căn nhà gắn liền với đất như trên. Trả lời này không đúng sự thật.

Bản án tuyên các bị đơn là bà Ngô Thúy Hiền, Huỳnh Thị Phương Thảo, Huỳnh Thị Phương Nhung trả cho nguyên đơn là ông Trương Thành Công, bà Phan Thị Mỹ Cao số tiền 675 triệu đồng như bản án nêu trên, bản án tuyên không rõ kỹ phần mỗi bị đơn phải trả là bao nhiêu, cũng không nêu tại điểm a, b, c về người có nghĩa vụ liên đới.

Vấn đề này tại sao bà Nga không thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14/2010-TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, hướng dẫn tại Chương 1, thủ tục thi hành án dân sự, tại Điều 1, khoản 1 “Kiến nghị đối với bản án, Quyết định của tòa án”: Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của toà án có những điểm chưa rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.

Thế nhưng, theo công văn do bà Nga ký thì Chi cục THADS huyện Mỹ Tú đã đúng khi áp dụng “khoản 1, Điều 5 theo Thông tư liên tịch nói trên, thi hành đối với nghĩa vụ liên đới “trường hợp bản án, Quyết định của Tòa án mà theo đó nghĩa vụ liên đới không xác định rõ nghĩa vụ của từng người, thì cơ quan thi hành án yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới”.

Bà Huỳnh Thị Phương Thảo bức xúc: “Đây là án dân sự, bà Nga áp dụng nghĩa vụ liên đới như án hình sự không mang tính khách quan. Tôi là bị đơn thiếu nợ bao nhiêu thì tôi trả bấy nhiêu, làm gì có chuyện pháp luật buộc tôi đứng ra trả thay cho 2 bị đơn còn lại. Trong khi đó 2 bị đơn còn lại có tài sản riêng, còn bản thân tôi có gia đình, hộ khẩu riêng, tài sản cá nhân riêng của tôi và còn nuôi con nhỏ mới 9 tuổi. Nếu thi hành án yêu cầu tôi thực hiện nghĩa vụ thay cho 2 bị đơn còn lại, vậy văn bản và biên bản làm việc để yêu cầu tôi thực hiện thay này ở đâu. Cách làm trên của Chi cục thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú là trái pháp luật”.

Bà Huỳnh Thị Phương Thảo bức xúc và cho rằng công văn của Cục thi hành án dân dự tỉnh Sóc Trăng là không thuyết phục.
Bà Huỳnh Thị Phương Thảo bức xúc và cho rằng công văn của Cục thi hành án dân dự tỉnh Sóc Trăng là không thuyết phục.

Trong Công văn 1153 do bà Nga ký cho rằng, ngày 02/8/2016, chấp hành viên có mời bà Hiền, Thảo, Nhung đến cơ quan Chi cục THADS huyện Mỹ Tú, nhưng bà Hiền, Thảo, Nhung vẫn không có mặt. Bà Nhung khẳng định nội dung này không đúng sự thật. “Gia đình tôi cam đoan không nhận được giấy mời, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi yêu cầu bà Nga cung cấp chứng cứ chứng minh chúng tôi có nhận giấy mời”, bà Nhung nói.

Về nội dung đơn khiếu nại bà Hiền, Thảo, Nhung khiếu nại “Quyết định số 01/QĐ/CCTHADS, ngày 19/7/2016 v/v giao tài sản cho người được THA” và “Thông báo số 176/TB-CCTHADS, ngày 19/7/2016 v/v tự nguyện giao tài sản cho người được THA”, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cho rằng, không có căn cứ để giải quyết khiếu nại cho nên Chi cục THADS huyện Mỹ Tú đã ra Quyết định số 02/QĐ-CCTHADS, ngày 3/8/2016 không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Hiền, Thảo. Nếu không có căn cứ thì tại sao Cục THADS tỉnh Sóc Trăng không bác đơn khiếu nại mà lại ban hành nhiều văn bản yêu cầu gia đình bà Thảo liên hệ Chi cục THADS huyện Mỹ Tú để giải quyết đơn khiếu nại “như văn bản số 877, ngày 9/7/2016; Văn bản 993, ngày 12/ 8/2016”.

Điều đáng nói và khó hiểu là ngày 16/8/2016, bà Nga tiếp tục ban hành văn bản số 1075 với nội dung “yêu cầu Chi cục THADS huyện Mỹ Tú giải quyết khiếu nại” gửi cho bà Thảo để bà liên hệ Chi cục THADS huyện Mỹ Tú giải quyết. Bà Thảo nói: “Cách làm này là hành dân hoặc kéo dài thời gian để hết thời hiệu khiếu nại của công dân. Tôi gửi kèm biên bản ngày 28/4/2014 và Biên bản ngày 19/8/2014 để chứng minh Công văn trả lời của Cục THADS tỉnh Sóc Trăng là thiếu thuyết phục”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Bạch Dương