Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì?

(Dân trí) - Nhiệm kỳ Quốc hội XI sắp kết thúc cũng là dịp cử tri và đại biểu cả nước nhìn lại chặng đường đã qua. Trong cương lĩnh hành động các đại biểu đã hứa những gì? Thực hiện như thế nào... và đặc biệt là kết quả ra sao? Dân trí đã trao đổi nhanh với một số đại biểu trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI.

Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Đỗ Trọng Ngoạn: Không xấu hổ với những điều đã hứa

Khi ứng cử Đại biểu Quốc hội ông đã có lời hứa gì với  cử tri?

Tôi có hứa với dân 3 điều, thứ nhất là luôn luôn tiếp xúc dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Thứ hai là bảo vệ dân, nhất là những oan sai của dân, đặc biệt là những người nghèo. Thứ ba là đấu tranh với những bất công, ngang trái trong cuộc sống, đặc biệt là nạn quan liêu, tham nhũng.

Sắp hết một nhiệm kỳ, điểm lại những điều đã hứa trước dân ông thấy mình đã làm được những gì?

Đánh giá những điều mình làm, tốt hơn hết là để người khác nói mới khách quan. Nhưng tôi có thể nói rằng, tôi đã thực sự cố gắng và không cảm thấy xấu hổ với những gì mình đã làm, đã hứa. Dù rất bận rộn nhưng tôi đã cố dành 2/3 thời gian vào đó và quyết tâm làm thật tốt chức năng của đại biểu Quốc hội.

Tôi đã tham gia rất nhiều dự án luật. Có người bảo rằng “Sao anh Ngoạn giỏi thế, tham gia nhiều thế, cái gì cũng biết?” Tôi nói luật chính là cuộc sống chứ có phải là cái gì đấy cao xa đâu. Tôi có điều kiện tiếp xúc dân và hiểu dân, có thể những điều chuyên ngành về luật tôi chưa hiểu hết nhưng tôi biết cái nào là hợp lý.

Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì? - 1

Tôi đã có nhiều ý kiến tham gia cùng Quốc hội quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Đối với chức năng giám sát, tôi tự thấy mình đã tham gia quyết liệt, ráo riết, đặc biệt là những chất vấn về chống tham nhũng, thất thoát... Cuối cùng là tiếp dân, không ngày nào tôi không tiếp dân, nhận đơn thư của dân.

Điểm lại những việc mình làm thì tôi cũng thấy rằng đã thành công một số việc. Tôi nhớ có lần về Bắc Giang, nơi tôi ứng cử, cử tri nói với tôi rằng “Chúng tôi bỏ phiếu cho anh là xứng đáng, là không xấu hổ so với đại biểu khác. Anh là người nhiều tuổi làm được nhiều việc và đặc biệt là đứng về dân”.

Ông đã hài lòng với những việc ông làm, những lời ông hứa?

Hài lòng thì chưa mà trăn trở còn nhiều. Trăn trở nhất là nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, tôi không không có khả năng giải quyết. Nhiều vụ việc chồng chất đã lâu ngày, người nọ đổ cho người kia. Trong khi đó, chức năng của mình chỉ là chuyển đơn, giám sát thôi. Nhiều lần dân gửi đơn, họ nói, họ khóc mà mình bất lực, thấy có lỗi.

Thứ hai tôi đã đề xuất một số việc nhưng chưa được ủng hộ hoàn toàn, chẳng hạn như việc Quốc hội thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bổ nhiệm, việc nữa là đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết về chống tham nhũng đối với những địa chỉ, lĩnh vực đã rõ, trong đó có sự phân công trách nhiệm cụ thể của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh.

Ông đã thực hiện khá tốt những lời hứa của mình trước dân, vậy những người hứa với ông và Quốc hội, theo ông họ đã thực hiện như thế nào?

Tôi đã chất vấn rất nhiều vị Bộ trưởng, nhiều người có trách nhiệm và đã nhận được những phản hồi khác nhau. Có rất nhiều người đã giữ được lời hứa, chẳng hạn như Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng về chế độ chính sách cho người cao tuổi, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Lao động, Thương binh  và xã hội.

Tuy nhiên, cũng có những người vẫn còn “nợ” tôi, như Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến vì tuy đã trả lời nhưng còn rất chung chung.

Cho đến nay điểm lại tôi đã chất vấn Chủ tịch Quốc hội 2 lần, Thủ tướng 2 lần, mấy chục vị bộ trưởng... Tuy nhiên, tôi chỉ hài lòng khi ngoài việc trả lời bằng văn bản, người chịu trách nhiệm phải có những hành động cụ thể để thực hiện những điều đó. Và đến nay, Bộ Tài chính đã làm tốt việc này trong nhiều vấn đề tôi đã chất vấn. Còn nhiều bộ khác thì chưa làm được.

Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì? - 2
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bà Bùi Thị Bình: Tôi chỉ có thể kiến nghị thôi

Đến thời điểm này, có thể nói tôi đã nghiêm túc thực hiện những điều mình đã hứa. Đó là gặp gỡ thường xuyên với cử tri. Ngoài tiếp xúc cử tri định kỳ, tôi còn kết hợp để có thêm nhiều hình thức tiếp xúc khác. Những khó khăn của các đồng bào dân tộc, tôi đã nhiều lần phản ánh trên nhiều diễn đàn Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Chính phủ và các bộ ngành.

Những việc tôi làm hàng ngày là đang thực hiện những điều đã hứa. Kết quả những việc tôi đang làm khó có thể nói ra những điều cụ thể nhưng tôi cho rằng mình đã cố gắng và đã có những đóng góp. Chính phủ đã quyết định kéo dài thực hiện Chương trình 135, đó là có sự tác động rất lớn của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mà tôi là một thành viên.

Bên cạnh đó cũng có những điều tôi muốn làm nhưng bất lực, bởi một mình tôi thì không đủ sức. Có lần, tôi lên vùng Lục Khu ở Cao Bằng, đây là vùng thiếu cả nước sạch lẫn nước phục vụ sản xuất. Thương đồng bào nhưng không biết làm sao, bởi tôi chỉ có thể kiến nghị thôi, mà từ kiến nghị đến thực tế còn xa lắm.

Tất cả những điều tôi hứa trước cử tri giờ vẫn đã và đang làm, cố gắng hết sức mình. Tôi tin rằng, tất cả những việc tôi làm dân đều biết cả. Không biết họ đánh giá thế nào nhưng tôi tự cảm thấy mình đã làm hết trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì? - 3

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc: Công việc chính của tôi vẫn là... chuyển đơn

Là đại biểu Quốc hội lần đầu, kinh nghiệm chưa nhiều lại làm chuyên trách cho một địa phương rất xa (tỉnh Đồng Nai) nên đóng góp của tôi còn hạn chế.

Trong việc thực hiện trách nhiệm với cử tri ở nơi mình tranh cử và cử tri cả nước thì công việc chính của tôi vẫn chỉ là... chuyển đơn. Với Đồng Nai, tôi có tham gia giám sát một số vụ việc và nhận thấy thực tế lãnh đạo, các cơ quan chức năng ở đây rất nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc chuyển đơn tới một số cơ quan, địa phương khác thì tôi cảm giác nhiều khi bị “lọt thỏm”, đến nơi rồi nhưng không thấy hồi âm. Thực tiễn hoạt động cho thấy, nếu anh không xuống tận nơi, không đi vào tận ngóc ngách thì hiệu quả rất hạn chế.

Tuy nhiên, tiếp xúc cử tri ở địa phương đến lúc hiểu được “tàm tạm” thì cũng sắp sang một nhiệm kì mới. Nhìn lại chặng đường vừa rồi, trong các phát biểu, chất vấn tại Quốc hội, tôi là người hay vận dụng các vấn đề lịch sử để đề cập các vấn đề hiện tại cũng như vận dụng những kiến thức cá nhân trong các diễn đàn của Quốc hội và đã có những ý kiến khác nhau về điều này.

Tuy nhiên, tôi nghĩ mỗi đại biểu có mặt mạnh riêng của mình và những đóng góp nằm trong lĩnh vực sở trường sẽ chất lượng hơn, nhất là khi bản thân nội dung hoạt động của Quốc hội ngày càng đi sâu vào những cái rất cụ thể.

Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì? - 4
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Minh Thuyết: Đại biểu đừng mang họ “Hứa”

Lời hứa trước cử tri của tôi thì đơn giản thôi, gồm 3 điều. Thứ nhất là tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Thứ hai là hoàn thành nhiệm vụ đại diện cho ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là trong các lĩnh vực chống tham nhũng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển miền núi. Thứ 3 là cố gắng trau dồi học tập để có thể đáp ứng nhiệm vụ đại biểu.

Điểm lại những lời hứa này, tôi thấy mình đều đã thực hiện nhưng kết quả còn ở các mức độ khác nhau. Tôi đã tham gia đầy đủ các hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri và đã đề xuất một số ý kiến được chấp nhận.

Chẳng hạn, khi tiếp xúc cử tri cần lên kế hoạch để đến được những nơi vùng sâu, vùng xa nhất mà trong các khóa trước chưa có đại biểu đặt chân đến. Qua tìm hiểu những nơi này mới thấy được những khó khăn của đồng bào, mới ghi nhận được tâm tư nguyện vọng của dân.

Đối với hoạt động tại kỳ họp Quốc hội đã tham gia đóng góp xây dựng luật, chất vấn, phát biểu và nhiều ý kiến đã được hoan nghênh. Những lĩnh vực tôi hứa sẽ tập trung là chống tham nhũng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển miền núi thì tôi đều đã nhiều lần phát biểu chính kiến. Có những vấn đề đã chuyển biến tích cực nhưng cũng còn những lĩnh vực còn chậm, hoặc chưa chuyển biến.

Những lời hứa trước cử tri, tôi luôn để trong máy tính, mỗi tháng xem lại một lần để nhắc nhở mình. Các lời hứa đều đã thực hiện nhưng hiệu quả thì không phải việc nào cũng rõ ràng. Có người nói một cách hài hước rằng nếu không cẩn thận, đại biểu Quốc hội sẽ trở thành họ “Hứa”.

Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì? - 5
Uỷ viên Hội đồng T.Ư các Hội khoa học Việt Nam, bà Nguyễn Thị Anh Nhân: Tôi rất buồn vì chưa làm được gì nhiều cho cử tri

Cương lĩnh tranh cử của tôi là sử dụng những kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học và quản lý doanh nghiệp để đóng góp, xây dựng các bộ luật. Đồng thời, tôi cũng lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh tới các cơ quan chức năng, giải quyết những bức xúc của nhân dân.

Đã gần hết nhiệm kỳ, tôi thấy công việc của mình chưa hoàn thành như mong muốn, tôi rất buồn vì mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho cử tri. Những đóng góp vào các bộ luật hầu như ít được ban soạn thảo tiếp thu vì hình như quan điểm của ban soạn thảo đã xuyên suốt trong các bộ luật nên việc tiếp thu ý kiến của đại biểu còn rất hạn chế. Như dự thảo luật về Hội đã trình đến lần thứ 10 khiến GS Vũ Tuyên Hoàng đã thốt lên: Không thấy tiếp thu gì cả.

Về việc lắng nghe, giải quyết các bức xúc của cử tri, tôi thấy mình vẫn chưa làm được gì. Việc tiếp xúc cử tri còn quá hình thức. Cử tri cứ nói, đại biểu cứ nghe và phản ánh nhưng chẳng chuyển biến gì cả, lần sau lại thế.

Tôi cũng như nhiều đại biểu khác, nhận được rất nhiều đơn, thư của nhân dân. Tuy nhiên, khi chuyển đến các cơ quan chức năng hầu như không được giải quyết đến nơi đến chốn.  Số đơn thư chuyển đi được các cơ quan chức năng trả lời chỉ khoảng 40% và ngay cả trong số 40% này, việc giải quyết cũng không có kết quả, công văn trả lời chỉ nêu chung chung, không có hướng giải quyết cụ thể, dứt điểm, đến nơi đến chốn.

Tôi rất buồn vì cử tri đã tin tưởng nhưng tôi chưa làm được gì nên lòng tin của họ đang giảm dần. Tôi biết người dân đến gặp tôi vẫn chờ đợi nhưng chẳng được gì cả, vì tôi có làm được gì để giúp họ đâu. Qui định tôi chỉ có chức năng “kính chuyển” đến các cơ quan chức năng, nhưng hình như họ lại rất... bận.

Đại biểu Quốc hội đã hứa và làm được gì? - 6
Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lâm, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch: Thời gian chủ yếu là đi họp

Đại biểu QH khi tranh cử, đã hứa điều gì thì nên cố gắng thực hiện cho tốt. Với tôi, chương trình hành động gắn liền với công tác chuyên môn. Cương lĩnh tranh cử của tôi là cải tạo thuỷ lợi, để mọi người thấy rõ vai  trò của nước trong sản xuất.

Tôi tâm niệm một điều, cương lĩnh tranh cử phải gắn với mong muốn và nhu cầu của người dân. Đã gần hết nhiệm  kỳ, tôi tự nhận thấy đã thực hiện khá đầy đủ những gì mình đã hứa. Tuy nhiên, vẫn còn một số  vấn đề tôi còn băn khoăn vì chưa thực hiện được, vì nhiều lý do khác nhau, một mình tôi không thể thực hiện được.

Tôi là đại biểu kiêm nhiệm, theo qui chế, tôi được dành 30% thời gian để thực hiện công việc của một đại biểu. Theo tôi, 30% là chưa đủ để một đại biểu có thể làm tròn trách nhiệm của mình trước cử tri. 30% nghĩa là 4 tháng/năm, trong khi đó, riêng thời gian hai  kỳ họp đã hơn 3 tháng, rồi còn họp ở đoàn, ở địa phương... nên chủ yếu là đi họp.

Nhóm PV (thực hiện)