Thêm một vụ bê bối về Thi hành án:

Cục Thi hành án TP. HCM cố tình làm sai bản án?

(Dân trí) - Gần đây báo chí liên tiếp đưa tin về các sai phạm xảy ra tại nhiều Cơ quan thi hành án trên cả nước. Tiêu biểu như vụ án 194 phố Huế (Hà Nội)… đã hao tốn biết bao giấy mực và gây nhức nhối trong dư luận.

Quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Nam Hà được bảo vệ

Ngày 16/01/2001, Tòa án nhân dân TPHCM đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự số 83/DSST giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu Nam Hà (sau đây gọi tắt là Công ty Nam Hà) và bị đơn là Công ty TNHH Mai Anh với phán quyết: buộc Công ty TNHH Mai Anh phải thanh toán trả cho Công ty Nam Hà 9.637.052.628 đồng vốn và lãi phát sinh = 1,35 % /tháng tới ngày thực thanh toán.

Trước đó, để đảm bảo công tác xét xử nghiêm minh, khách quan, Tòa án nhân dân TPHCM đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 2742/KCTT-DS ngày 25/12/2001 nhằm phong tỏa tài sản của Công ty Mai Anh để đảm bảo thanh toán các khoản nợ đang tranh chấp với Công ty Nam Hà, cụ thể:

"Cấm công ty TNHH Mai Anh chuyển nhượng chuyển dịch quyền sở hữu 04 trụ bơm điện Nouvoponon và 05 bồn chứa nhiên liệu thuộc sở hữu của Công ty, tại ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Cấm công ty TNHH Mai Anh chuyển dịch phần vốn góp 800.000 USD (Chiếm 66,6% cổ phần) trong Liên doanh Navarre dưới mọi hình thức".
 
Cục Thi hành án TP. HCM cố tình làm sai bản án?
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.HCM
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Quyết định này vẫn còn nguyên giá trị tại phán quyết số 83/DSST của Tòa án nhân dân TPHCM: “Tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 2742/KCTT-DS ngày 25/12/2001… để đảm bảo thi hành án”

Ngày 11/4/2002, Tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân Tối Cao tại TPHCM đã khẳng định lại một lần nữa:“Bản án sơ thẩm số 83/DSST ngày 16/1/2001…có hiệu lực pháp luật”. Đây là bản án có hiệu lực pháp luật ngay đối với các bên liên quan.

Như vậy, các cấp Tòa án nhân dân đã cùng đồng thuận trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Nam Hà.

Ngày 16/10/2006, Tòa án nhân dân TPHCM đã ban hành công văn số 246/CV-TA để giải thích về bản án số 83/DSST ghi rõ: “…Kể từ ngày 25/12/2001 (ngày Tòa án có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 2742/KCTT-DS) tất cả các tài sản và quyền tài sản của Công ty TNHH TM-DV Mai Anh được nêu trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 2742/KCTT-DS là các tài sản và quyền tài sản để đảm bảo THA bản án sơ thẩm số 83/DSST.

... Khi Công ty TNHH Mai Anh không tự nguyện thi hành bản án dân sự sơ thẩm số 83/DSST, thì các tài sản, quyền về tài sản trên sẽ được xử lý để thi hành toàn bộ Bản án sơ thẩm số 83/DSST…”

Việc làm “trái khoáy” của cơ quan Thi hành án

Ngay sau khi có Bản án Phúc thẩm, Công ty Nam Hà đã làm đơn yêu cầu THA nhưng  cho đến tận ngày 23/11/2007, Cơ quan THA mới tiến hành tổ chức bán đấu giá thành tài sản của Công ty TNHH Mai Anh với giá 45 tỷ đồng.  

Sau bao nhiêu chờ đợi “mỏi mòn” để biến phán quyết của Tòa án thành hiện thực, suốt gần 6 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, Công ty Nam Hà đã phải “gồng mình” vay mượn để tiếp tục duy trì hoạt động chờ đến ngày thu hồi được nợ của Công ty Mai Anh, thì ngày 23/06/2008 Công ty Nam Hà nhận được công văn số 3340/THA ngày 02/06/2008 với nội dung; Công ty Nam Hà chỉ được trả số tiền 8.582.273.000 đồng trong 45 tỷ đồng bán đấu giá tài sản của Công ty Mai Anh.

Theo đó, Công ty Nam Hà đã không được đảm bảo tối thiểu phần nợ gốc là khoảng 9,6 tỷ chứ đừng nói tới việc nhận được lãi phát sinh 13,5%/năm tới ngày thực thanh toán theo quy định tại bản án 83/DSST (tính đến thời điểm 06/2008 đã là hơn 7 tỷ đồng).

Như vậy, mặc cho phán quyết của Tòa án, mặc cho Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn còn nguyên giá trị, bất chấp quy định của pháp luật về việc ưu tiên thanh toán đối với tài sản“Tòa án đã tuyên kê biên đảm bảo THA cho một nghĩa vụ cụ thể, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ đó”(Điều 54 Pháp lệnh THADS năm 2004; K3, Điều 37 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP), Chi cục THA dân sự TPHCM vẫn ngang nhiên “loại” Công ty Nam Hà ra khỏi danh sách ưu tiên thanh toán sau khi bán đấu giá tài sản.

Trái khoáy hơn, chấp hành viên của Cơ quan THA đã tự ý đưa nhiều công ty khác vào danh sách chủ nợ có đảm bảo đối với số tiền 800.000 USD (là tài sản đã bị ngăn chặn bởi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời). Theo nhận định của VKSND TPHCM tại công văn số 758/VKS-P10 ngày 08/9/2009 thì hành vi nêu trên của chấp hành viên Cơ quan THA là “Vi phạm Điều 51 Pháp lệnh Thi hành án năm 2004 (Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2009)” và“cố tình kéo dài thời gian chi trả tiền THA và trái với bản án….và Quyết định THA…”
 
Cục Thi hành án TP. HCM cố tình làm sai bản án?
Công văn của VKSND TP.HCM chỉ rõ vi phạm của Thi hành án dân sự
TP. HCM (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Không đồng tình với việc phân chia của chấp hành viên, Công ty Nam Hà lại tiếp tục khiếu nại đến các Cơ quan có thẩm quyền những mong đòi lại công lý ngỡ như đã thuộc về mình. Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, doanh nghiệp lại thêm nhiều phen lao đao, khốn đốn vì quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nghiêm trọng bởi chính Cơ quan thực thi luật pháp.

Vậy các Cơ quan chức năng có ý kiến như thế nào về vụ việc? Tại sao việc giải quyết lại chậm trễ, kéo dài? Có hay không việc Chấp hành viên dùng “Quyền lực công” trù dập doanh nghiệp?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến