Cục Hàng hải Việt Nam giải trình vụ tàu không được cập cầu cảng tại Thanh Hoá

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc tàu hàng là đối tác nước ngoài của doanh nghiệp chủ cầu cảng số 3, số 4 và số 5, thuộc bến cảng tổng hợp Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị từ chối vào cảng, Cục Hàng hải Việt Nam đã có giải trình về những thông tin liên quan.

Đã cho nhiều tàu trên 5 vạn tấn cập cầu cảng

Sau khi báo chí phản ánh, ngày 4/5, ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải (CHH) Việt Nam đã chủ trì cuộc họp về việc giải trình làm rõ thông tin liên quan đến việc Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Thanh Hóa không cho tàu cập cảng tại Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã từng cho tàu hơn 63 vạn tấn vào cầu cảng
Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã từng cho tàu hơn 63 vạn tấn vào cầu cảng

Tại buổi giải trình, ông Phạm Văn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Dương (Cty Đại Dương) chỉ biết khẩn thiết cầu cứu lãnh đạo CHH Việt Nam cho tàu SWANSEA được cập cầu cảng số 3 thuộc công ty để nhanh chóng bốc dỡ hàng hóa tránh thiệt hại thêm.

“Đơn kêu cứu của doanh nghiệp (DN) cách đây 20 ngày rồi, các anh làm sớm hơn nữa tôi tin chắc điều hành cảng vụ của các anh tốt hơn, nhưng 20 ngày, nhức nhối lắm. Người ta đầu tư cảng, không có tàu vào và tàu vào bị hạn chế, tất nhiên tàu vào phải đúng pháp luật và trên tinh thần vận dụng vẫn đảm bảo an toàn, để DN làm ra sản phẩm kinh tế, sản phẩm cho xã hội”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho biết.

Về phía đại diện công ty hoa tiêu tại Nghi Sơn cho biết, số lượng tàu trên 5 vạn tấn xin phép được vào Cảng Nghi Sơn liên tục tăng. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tổ chức dẫn dắt hàng chục tàu có tải trọng trên 5 vạn tấn giảm tải vào tuyệt đối an toàn. Đặc biệt ngày 14/1/2017, đơn vị đã phối hợp với CVHH cũng như được sự chỉ đạo của CHH Việt Nam cho phép tàu 63.334 tấn cập cảng tại bến số 3, cảng Nghi Sơn. Qua dẫn dắt các tàu lớn, đơn vị này khẳng đinh, việc dẫn dắt các tàu này, hiện nay đã thực hiện đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Còn đại diện Tổng công ty bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Bắc, cũng cho rằng, không để hoa tiêu gây nhũng nhiễu, phiền toái, hết lòng phục vụ DN. Đối với tàu SWANSEA, sau khi nghiên cứu các hải đồ, bình đồ và các văn bản quy phạm pháp luật, riêng quan điểm của vị đại diện này, trong điều kiện bình thường thì tàu này vẫn có đủ điều kiện vào được...

Đại diện Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, trong quy hoạch cũng có nêu vấn đề tải trọng ra vào cảng. Vấn đề chủ trương tàu cập cảng cũng được nói và nêu rất nhiều lần trong những năm về trước. Đặc biệt, năm 2016, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã làm việc tại Thanh Hóa, cũng nêu ra, trong đó Thứ trưởng Nguyễn Văn Công rất cương quyết và cho rằng câu chuyện tải trọng cập tàu là quy hoạch. Còn thực tế theo nhu cầu, chuẩn tắc luồng tàu và các quy định đảm bảo an toàn thì có thể cho tàu cập vào làm hàng trên 5 vạn tấn cũng được và đã có thông báo kết luận số 302.

Cũng theo đại diện Sở GTVT Thanh Hóa, thực tế từ năm 2014 đến nay, đơn vị cũng có thông tin trao đổi với CVHH Thanh Hóa và được biết, CVHH Thanh Hóa có thống kê rất nhiều tàu trên 5 vạn tấn vào làm hàng tại cảng Nghi Sơn, có những tàu 63 nghìn tấn. Hơn nữa, trên thực tế thì cảng Nghi Sơn chưa đạt công suất so với quy hoạch.

"Phải hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp"

Liên quan đến vấn đề nêu trên, sau khi nhận được đơn kêu cứu của DN hội viên, Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Thanh Hóa có văn bản báo cáo CHH Việt Nam, Bộ GTVT.

Cầu cảng của Cty Đại Dương
Cầu cảng của Cty Đại Dương

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HHDN Thanh Hóa, tin thần Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ nói rõ vấn đề là thay đổi về mặt tư tưởng nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước sang cơ quan kiến tạo, phục vụ nhân dân, phục vụ DN; kiến tạo và phục vụ trên tinh thần pháp luật.

Về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đã có quyết định 2368 và văn bản kết luận số 302. Thực tế theo báo cáo năm 2017, nhiều tàu trên 5 vạn tấn vẫn cho vào? Nếu như có thay đổi về mặt quy phạm pháp luật thì phải thông báo trước cho DN để có thời gian điều chỉnh. “Lâu nay các bác đang cho đi, đùng cái bác thông báo cho hội viên chúng tôi dừng, rất nguy hiểm, không chia sẻ với Chính phủ trên tinh thần Nghị quyết 35 là hướng dẫn, giúp đỡ DN. Thứ hai là làm tổn thất về mặt tài chính của DN khi quyết định sai vấn đề”, ông Đệ băn khoăn.

Ông Đệ cho rằng: “Pháp luật không phải trong tay của một ai đó để chúng ta có quyền quyết cho hay không cho. CHH Việt Nam có chỉ đạo thì phải có văn bản và phải thông báo cho DN biết trước để dừng, để thông báo cho tàu nước ngoài. Vấn đề tiền là một phần, nhưng vấn đề uy tín của Thanh Hóa xây dựng cảng ra hàng nghìn tỷ đồng như vậy thì ai là người chịu trách nhiệm”.

Cũng theo ông Đệ, nếu kết luận tàu SWANSEA không vào được thì phải có trách nhiệm rà soát lại 2 văn bản nêu trên. Đề nghị CHH tham mưu cho Bộ GTVT và Chính phủ tham mưu văn bản phải rõ ràng để cho DN dễ hiểu, dễ làm, chứ cứ ra một văn bản pháp quy mà mập mờ, cơ quan quản lý nhà nước thì hiểu như thế này, DN hiểu như thế này, không có tiếng nói chung. Rõ để tạo ra môi trường, hành lang pháp lý mới để cho DN phát triển.

Sau khi đã lắng nghe ý kiến của các bên liên quan tại buổi giải trình, thay vì trả lời thỏa đáng những vấn đề các bên nêu ra, ông Đỗ Hồng Thái vòng vo và khẳng định CHH Việt Nam không làm trái chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT.

Trong khi văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT đã có, tinh thần Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được triển khai. Nhưng về ý kiến đề xuất của các DN chủ cầu cảng cho phép tàu có tải trọng lớn hơn 5 vạn tấn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp được phép vào cảng thì ông Thái yêu cầu phải có “kế hoạch” và báo cáo, nhưng chỉ là đơn chiếc.

Còn về phía CVHH Thanh Hóa báo cáo, lý do tàu SWANSEA có trọng tải toàn phần là 63.310 MT không được phép vào cảng là bởi trọng tải tàu vượt quá khung cho phép (63.310/50.000 MT) theo quyết định công bố cầu cảng, từ đó dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn hàng hải.

Ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì buổi giải trình
Ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì buổi giải trình

Trong khi đó, tại Quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT có nêu rất rõ: "Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào cảng". Đó là chưa nói đến kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa năm 2016 được nêu rõ trong Thông báo số 302.

Hơn nữa, trên thực tế, từ đầu năm 2017, CVHH Thanh Hóa cũng đã cho cập cảng hàng chục con tàu có trọng tải trên 5 vạn tấn. Thậm chí có tàu trọng tải trên 63.300 tấn. Liệu có hay không sự “ưu ái” của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình điều hành công vụ ở đây?

Mặc dù khẳng định CHH làm đúng theo quy định khi không cho tàu trên 5 vạn tấn vào cảng, nhưng ông Thái lại đưa ra phương án là có thể nghiên cứu cho tàu SWANSEA vào cầu cảng số 3 của Cty Đại Dương với điều kiện phải nghiên cứu kỹ các điều kiện về an toàn hàng hải... Trong khi đó, hơn nửa tháng trời, Cty Đại Dương đã nhiều lần kêu cứu đến CHH. Tuy nhiên, chỉ đến khi dư luận lên tiếng thì đơn vị này mới vào cuộc giải trình, báo cáo các bên liên quan.

Trần Lê