Hà Nội:

Công ty HUDS bị tố thu giữ tài sản của dân: “Hành vi phạm luật!”

(Dân trí) - “Việc công ty HUDS viện dẫn điều 9.3 của Hợp đồng do họ lập (Hợp đồng theo mẫu) là hoàn toàn sai trái bởi xét về tính pháp lý của hợp đồng này là không có hiệu lực pháp lý, hợp đồng vô hiệu không thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, quy định của pháp luật. Vì vậy, việc công ty này cưỡng chế tài sản của dân là phạm luật”, luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.

Báo Dân trí nhận được Đơn tố cáo của anh Đồng Văn Vinh (SN 1986) cho rằng Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) đã huy động người cưỡng chế thu giữ tài sản trị giá nhiều tỷ đồng của anh trái luật. Trong khi đó, Công ty HUDS cho rằng chỉ di dời khối tài sản này theo hợp đồng đã ký kết.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sưu Toàn Cầu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc công ty HUDS viện dẫn điều 9.3 của Hợp đồng do họ lập ( Hợp đồng theo mẫu) là hoàn toàn sai trái bởi lẽ:

Xét về tính pháp lý của hợp đồng này là không có hiệu lực pháp lý, hợp đồng vô hiệu không thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, quy định của pháp luật.


Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của Công ty HUDS là hành vi cướp tài sản.

Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của Công ty HUDS là hành vi cướp tài sản.

Về hình thức hợp đồng: căn cứ vào Điều 492 của bộ luật dân sự thì “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy hợp đồng được 2 bên giữa Công ty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và đô thị (HUDS) với ông Đồng Văn Vinh và các Hộ kinh doanh khác đã vi phạm về trình tự thủ tục cho thuê nên hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý. Sở dĩ Công ty HUDs không thể lập các Hợp đồng cho thuê tại cơ quan Công chứng là vì họ không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp, mặt khác, theo quy định của Thành phố Hà Nội thì diện tích tầng 1 là sở hữu chung của các hộ dân sinh sống tại các Tòa nhà chung cư hiện hữu và đang có tranh chấp.

Bên phía Công ty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và đô thị (HUDS) đã áp dụng Điều 9 trong Hợp đồng thuê Ki ốt “Vi phạm và sử lý vi phạm hợp đồng” là hoàn toàn không có căn cứ, vì đây là hợp đồng vô hiệu, không có giá trị pháp lý mặc dù hợp đồng được hai bên xác lập, các bên có thể chưa thực hiện, đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong các quyền nghĩa vụ như cam kết đều không phải là quyền, nghĩa vụ được pháp luật bảo hộ và bảo vệ.

Vì vậy, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và đô thị (HUDS) tiến hành lập biên bản, kê biên tài sản với thành phần mà Công ty HUDS tự lập nên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì Công ty HUDS không phải là cơ quan nhà nước chỉ là doanh nghiệp không có thẩm quyền lập biên bản, kê biên tài sản và thu hồi tài sản đó. Việc thỏa thuận giữa hai bên “Nếu sau 30 ngày bên A di chuyển tài sản bên mà bên B hoặc người của bên B không đến nhận và thanh toán mọi chi phí trên thì bên A sẽ coi tài sản đó không còn thuộc quyền sở hữu của bên B và bên A có thể tự áp dụng các biện pháp xử lý mà không cần ý kiến của bên B” thỏa thuận này do bên cho thuê lập theo mẫu đã xâm phạm, gây thiệt hại tới quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu cụ thể là bên B (ông Đồng Văn Vinh) và các hộ dân khác.


Trong khi người dân tố cáo Công ty HUDS cưỡng chế thu tài sản trái luật thì phía công ty này cho rằng chỉ thực hiện dịch chuyển tài sản theo hợp đồng thuê Ki ốt đã ký.

Trong khi người dân tố cáo Công ty HUDS cưỡng chế thu tài sản trái luật thì phía công ty này cho rằng chỉ thực hiện dịch chuyển tài sản theo hợp đồng thuê Ki ốt đã ký.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới ra các quyết định xung công tài sản hay tước bỏ quyền sở hữu của các chủ thể khác. Căn cứ vào Điều 128 thuộc BLDS quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”

Như vậy, hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của Công ty HUDS là hành vi cướp tài sản, phạm vào điều 133 BLHS. Công ty HUDS muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phải khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền chứ không được tùy tiện chiếm đoạt bằng hành vi trái pháp luật”.

Trong khi trước đó, làm việc với PV Dân trí, Ông Thiều Hữu Hảo - Phó giám đốc Công ty HUDS cho rằng công ty này không cưỡng chế thu giữ tài sản của ông Vinh mà chỉ thực hiện di dời tài sản này đi chỗ khác để thu hồi mặt bằng cho thuế theo hợp đồng ký kết. Ông Hảo cũng cho rằng công ty có đủ căn cứ để khẳng định quyền sở hữu với phần diện tích cho thuê.

Tuy nhiên, ông Hảo thừa nhận Công ty HUDS là công ty sở hữu 100% vốn nhà nước, việc nhiều năm khối tài sản là ki ốt của ông Vinh không được quản lý chặt chẽ là sự buông lỏng quản lý. Ông Hảo cho biết ông Bùi Hoàng Kiều - Giám đốc Công ty HUDS là người ký hợp đồng cho thuê ki ốt với ông Vinh.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có Cơ quan thi hành án, UBND, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyền cưỡng chế. Công ty HUDS là doanh nghiệp nên họ cũng là chủ thể bình thường không có chức năng tổ chức cưỡng chế, do vậy hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và thực hiện các thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản hợp pháp của gia đình tôi là hành vi trái pháp luật”, ông Vinh phản bác và cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế