Vụ cán bộ quản lý thị trường bị đối tượng buôn lậu đánh tử vong:

Công cụ hỗ trợ cán bộ làm nhiệm vụ thô sơ và đã lạc hậu

(Dân trí) - Sau vụ việc 1 cán bộ quản lý thị trường (QLTT) của tỉnh Long An bị đối tượng buôn lậu đánh tử vong luật sư kiến nghị: Cần tăng cường công cụ hỗ trợ cho cán bộ thi hành công vụ.

Như đã thông tin tới bạn đọc trong bài báo trước, đêm ngày 15/9, trong lúc làm nhiệm vụ bắt các đối tượng buôn lậu thuốc lá trên kênh Kinh Cùng (nhánh sông Vàm Cỏ Đông, giữa khu vực giáp ranh xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Huệ và xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức), khoảng 10 đối tượng buôn lậu đã truy đuổi tấn công lại hai cán bộ quản lý thị trường thuộc Đội quản lý thị trường số1 của tỉnh Long An. Hậu quả là khiến anh Nguyễn Kim Danh, cán bộ QLTT tử vong. Sự việc nêu trên đã gây sự hoang mang và bất bình dư luận xã hội bởi sự manh động, liều lĩnh của những đối tượng buôn lậu.

Lãnh đạo tỉnh đến phúng viếng, thăm hỏi gia đình anh Danh
Lãnh đạo tỉnh đến phúng viếng, thăm hỏi gia đình anh Danh

Để rộng đường dư luận, vừa qua, Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý đối với vụ việc.

Thưa luật sư, ông đánh giá thế nào về hành vi của các đối tượng buôn lậu trong vụ việc nêu trên?

Qua phản ánh của báo chí tôi có được biết nội dung của sự việc. Với góc độ của một người làm công tác pháp luật, tôi đánh giá hành vi mà các đối tượng buôn lậu đã thực hiện đối với những cán bộ thuộc Đội QLTT số 1 của tỉnh Long An thể hiện sự một sự liều lĩnh, táo tợn, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác một cách cao độ.

Thông thường, trong các tình huống như thế này thì các đối tượng vi phạm pháp luật thường có tâm lý “bỏ của chạy lấy người”, vậy mà, trong sự việc xảy ra vào ngày 15/9/2016, các đối tượng buôn lậu đã chống trả lại một cách quyết liệt với mục đích cướp lại số hàng đã bị thu giữ. Có thể thấy hiện hành vi phạm tội của các đối tượng buôn lậu là hung hãn, quyết tâm phạm tội là tới cùng.

Với những hành vi và hậu quả nghiêm trọng mà các đối tượng đã gây ra thì các đối tượng này sẽ phải đối diện với những tội danh gì và mức hình phạt sẽ ra sao?

Cán bộ quản lý thị trường có một trong những nhiệm vụ là phòng chống hoạt động buôn lậu, đây là một công vụ được nhà nước giao cho họ. Do vậy, khi những đối tượng buôn lậu chống trả lại những người được nhà nước giao thực thi công vụ thì hành vi của những đối tượng này là hành vi của “Tội chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 257 BLHS. Theo đó:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Tuy nhiên, trong vụ việc xảy ra ngày 15/9/2016, hành vi chống người thi hành công vụ của những đối tượng buôn lậu đã gây ra hậu quả là làm chết một cán bộ, do vậy, tùy thuộc vào ý thức chủ quan những đối tượng buôn lậu đối với hậu quả chết người thì những đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS (với tình tiết tăng nặng đó là giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân) hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự đó là gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

…..

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

“3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”


Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Từ sự việc vừa xảy ra ông nhận xét gì về công tác phòng chống buôn lậu của chúng ta hiện nay?

Qua những gì mà ông Đội trưởng đội QLTT số 1 tỉnh Long an trả lời báo chí về công tác chuẩn bị trước khi đi làm nhiệm vụ thì tôi cho rằng hiện đang có một sự bất cập trong công tác phòng chống buôn lậu. Bởi lẽ, trong khi các đối tượng buôn lậu thì ngày càng tinh vi, liều lĩnh, táo tợn hơn. Từ lợi nhuận rất lớn từ hoạt động phạm tội, những đối tượng này đã tự trang bị cho bản thân nhiều hung khí nguy hiểm, hiện đại, có khả năng sát thương cao thì ngược lại, lực lượng phòng chống buôn lậu dường như chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời, mặc dù lực lượng này thương xuyên phải đối phó với những hiểm nguy do các đối tượng buôn lậu đem lại. Những công cụ hỗ trợ mà nhà nước trang bị cho lực lượng phòng chống buôn lậu không đủ mạnh để có thể trấn áp, răn đe.

Sự việc xảy ra cũng cho thấy lực lượng cán bộ phòng chống buôn lậu của chúng ta còn rất mỏng, các công cụ hỗ trợ để thực thi công vụ là không còn phù hợp với tình hình mới.

Do vậy, theo tôi để đẩy lùi thực trạng này thì không có cách nào khác là chúng ta cần phải có một sự quan tâm thỏa đáng, trang bị đầy đủ công cụ cho lực lượng cán bộ thực hiện chống buôn lậu cả về nhân lực lẫn vật lực, để lực lượng này thực sự là một lực lượng tinh nhuệ trên mặt trận phòng chống buôn lậu.

Xin cảm ơn luật sư!

Phạm Thanh (ghi)