“Con đường đau khổ” ở Bạc Liêu: “Thất hẹn” với chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy vì nhiều khó khăn!

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Con đường đau khổ” ở xứ “Công tử Bạc Liêu”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu từng có chỉ đạo cuối năm 2017 phải cố gắng hoàn thành một bên của tuyến đường này. Tuy nhiên, đến nay dự án lại “thất hẹn” và lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu tiếp tục… cam kết đến cuối năm 2018 mới cơ bản hoàn thành.

Như Dân trí đã phản ánh, tuyến đường Cao Văn Lầu (người dân địa phương ví von gọi là “Con đường đau khổ”) là một trong những tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bạc Liêu (qua địa bàn của phường 2, phường 5, phường Nhà Mát,…), nối trung tâm TP Bạc Liêu đi ra ven biển Bạc Liêu.

Tuyến đường Cao Văn Lầu được tỉnh Bạc Liêu phê duyệt nâng cấp sửa chữa từ năm 2010, có chiều dài khoảng 7 km.

Liên quan đến tuyến đường, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông Lê Minh Khái (hiện nay ông Khái đã về Trung ương làm Tổng Thanh tra Chính phủ - PV) từng có chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công cố gắng đến cuối năm 2017 phải hoàn thành một bên của tuyến đường (phía bên phải từ trung tâm TP Bạc Liêu ra hướng biển). Tuy nhiên, tuyến đường này đến nay vẫn chưa xong.

Tuyến đường Cao Văn Lầu vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ vì còn gặp nhiều khó khăn.
Tuyến đường Cao Văn Lầu vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ vì còn gặp nhiều khó khăn.

Đã làm hết mình !

Ngày 15/3, ông Dương Chí Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, dự án xây dựng tuyến đường Cao Văn Lầu được tỉnh Bạc Liêu phê duyệt từ năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2011, tỉnh mới bắt đầu triển khai thực hiện các gói thầu.

Theo ông Bình, trong quá triển khai dự án, địa phương gặp rất nhiều khó khăn nên thời gian kéo dài cho đến nay. "Vào mùa mưa thì sình lầy, xuất hiện ổ gà,... còn mùa nắng thì bụi", ông Bình thừa nhận.

Ông Dương Chí Bình cho biết, khó khăn thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Toàn tuyến đường có tổng cộng 1.407 hộ bị ảnh hưởng phải di dời. Riêng đoạn từ cổng chào Khu dân cư phường 2 đến ngã tư phường Nhà Mát có đến 1.141 hộ ảnh hưởng. Tỉnh đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ di dời được 1.071 hộ, hiện còn 70 hộ chưa đồng ý di dời, tiếp tục có khiếu nại.

Đoạn đường nói trên về phía Tây (tức hướng bên phải từ trung tâm TP Bạc Liêu đi ra biển) vẫn còn vướng 2 hộ là Lê Thị Tâm và Đỗ Thị Thoa; còn về phía Đông (tức hướng bên trái từ trung tâm TP Bạc Liêu ra biển) thì còn 68 hộ.

“Nếu giải phóng xong mặt bằng 2 hộ bà Thoa và bà Tâm thì sẽ thông xe, hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng tuyến bên phía Tây. Chúng tôi đã làm hết mình. Hộ bà Tâm thì Thanh tra tỉnh đang xử lý, giải quyết; còn hộ bà Thoa, UBND tỉnh đã có thông báo chấm dứt khiếu nại. Thành phố cũng đã nhiều lần mời hộ bà Thoa đến đối thoại và hiện đã ban hành quyết định cưỡng chế, sẽ sớm triển khai để thu hồi mặt bằng cho đơn vị thi công”, ông Bình lý giải.

Trong khi đó, đoạn từ nghĩa trang từ trần cũ đến cổng chào Khu dân cư phường 2 dài khoảng 800 m, có 266 hộ bị ảnh hưởng. Đoạn này nằm ở gói thầu khác và mới triển khai thi công. “Chúng tôi đang lập phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ cho các hộ này”, ông Bình thông tin.

Cam kết cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2018

Khó khăn thứ hai mà đại diện lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu đưa ra là việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, viễn thông, cấp nước,… “Đa số những công trình này nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, do các đơn vị khác nhau quản lý nên chúng tôi cũng gặp khó trong việc di dời”, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu thừa nhận.

Ông Dương Chí Bình cho biết, theo quy định, đối với những công trình nào được cấp phép xây dựng thì bồi thường di dời, còn không thì chỉ hỗ trợ di dời. Những công trình nói trên chủ yếu xây dựng khoảng những năm 1993-1994, thời điểm này hầu như không có giấy phép.

“Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh đề nghị ngành điện lực di dời. Ngành điện báo lại là muốn di dời thì phải có kế hoạch, rồi xin phép Tổng công ty để di dời nên rất khó.

Còn hệ thống cấp nước, vào năm 2003 khi cấp phép công trình này, công ty cấp nước có cam kết khi nào mở rộng đường Cao Văn Lầu thì công ty sẽ di dời. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, đề nghị công ty di dời thì công ty nói là rất khó nên đề nghị nhà nước hỗ trợ để di dời. Vì thế, địa phương cũng lâm vào thế khó”, ông Bình nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cũng nêu một khó khăn nữa là về nguồn vốn. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng. Những năm đầu khởi công xây dựng, nguồn vốn của tỉnh còn hạn chế nên không đáp ứng được tiến độ thực hiện. Đến khoảng năm 2017, dự án mới được tập trung bố trí vốn khoảng 200 tỷ đồng, nên được đẩy nhanh tiến độ hơn.

Theo ông Dương Chí Bình, trong năm 2018, dự án được tỉnh bố trí khoảng 40 tỷ đồng, có thể đảm bảo đủ vốn để thực hiện theo tiến độ.

Ông Dương Chí Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho rằng, địa phương cũng đã làm hết mình và cam kết đến cuối năm 2018 cơ bản sẽ hoàn thành tuyến đường.
Ông Dương Chí Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho rằng, địa phương cũng đã làm hết mình và cam kết đến cuối năm 2018 cơ bản sẽ hoàn thành tuyến đường.

Trong thời gian tới, theo đại diện lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu, địa phương sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ; kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; yêu cầu các nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường; có chế tài xử phạt nếu nhà thầu không thực hiện đúng cam kết;...

“Chúng tôi cũng đã có cam kết với tỉnh là đến cuối năm 2018 dự án này cơ bản sẽ hoàn thành”, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu Dương Chí Bình nói.

Chỉ đạo quyết liệt là vậy, còn tiến độ hoàn thành có như cam kết hay không thì người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi, nhưng chẳng biết... chờ đến bao giờ !

Huỳnh Hải