Coi trọng giáo dục truyền thống cho học sinh

Công tác giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách của học sinh. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giáo dục truyền thống dân tộc cho học sinh càng có ý nghĩa quan trọng.

Tuy nhiên không ít nhà trường chúng ta chưa quan tâm đúng mức và thiếu những hình thức sinh động giáo dục truyền thống cho nên có một bộ phận không nhỏ học sinh nhận thức hết sức nông cạn và hời hợt về truyền thống lịch sử của dân tộc.

 

Trước hết phải khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam có một truyền thống lịch sử rất đáng tự hào với nhiều chiến công hiển hách. Những mốc son, dấu ấn đáng nhớ ấy là kết tinh của lòng yêu nước, ý thức tự  tôn, tự hào dân tộc, tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng của bao thế hệ cha anh đi trước. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Trong số đó có rất nhiều tấm gương trẻ tuổi: Kim Đồng, Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân…

 

Thời gian qua, dư luận đ• rất xúc động khi đọc các cuốn sách: “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” của bác sỹ - liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Họ thực sự là những biểu trưng sinh động của tinh thần kiên cường bất khuất và lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam một thời. Để có được cuộc sống hoà bình hôm nay, lớp lớp cha anh đi trước đã phải đổ biết bao mồ hôi, máu và nước mắt.

 

Truyền thống lịch sử của dân tộc rất đáng tự hào, đáng tiếc là có một bộ phận học sinh tỏ ra thờ ơ, hờ hững với quá khứ hào hùng đó. Thật đáng buồn khi một số học sinh đã học đến lớp 12 vẫn không thể nhớ nổi ngày quốc khánh trong khi lại thuộc lòng tên hàng loạt những diễn viên Hàn Quốc, tên các trò chơi điện tử đang thịnh hành nhưng kết quả thi môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng trong những năm qua bộc lộ nhiều mảng tối trong chất lượng dạy và học môn lịch sử nói riêng và công tác giáo dục truyền thống nói chung khiến dư luận xã hội hết sức quan ngại.

 

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết, các nhà trường cần phải xác định một cách nghiêm túc vai trò của công tác giáo dục truyền thống đối với học sinh từ đó có chương trình tuyên truyền, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Để công tác giáo dục truyền thống cho học sinh có hiệu quả cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền: sân khấu hoá, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nhân các ngày lễ lớn nhằm khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc ở học sinh. Cần căn cứ vào cấp học, lứa tuổi học sinh mà đưa ra những hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước cho học sinh.

 

Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc đối với học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước chính là góp phần hình thành bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Bùi Minh Tuấn

(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Đạo đức, nhân cách cũng như bản lĩnh của một con người luôn gắn bó mật thiết với truyền thống của quê hương, đất nứoc. Muốn cho con em chúng ta phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ mới, chúng ta cần coi trọng  giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc.

 

Học sinh chỉ có thể phát triển toàn diên khi được tiếp thu một nền giáo dục toàn diện, nhưng trên thực tế các môn học có liên quan trực tiếp đến việc giáo dục truyền thống như lịch sử, văn học..còn bị xem nhẹ; mặt khác chưa biết tận dụng các hình thức hoạt động ngoại khóa sinh động để bòi dắp thêm ý thức tự hào dân tộc.

 

Nếu lãnh đạo nhà trường cũng như các thầy cô giáo đều quan tâm đến việc giáo dục ý thức truyền thống cho học sinh thì chắc chắn sẽ có nhiều sáng kiến và biện pháp sinh động nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cho học sinh.