Tư vấn pháp luật:

Cơ quan nào bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người xuất khẩu lao động?

(Dân Trí) – Chúng tôi ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động với một công ty, với chi phí là 3.000 USD. Tuy nhiên, khi sang đến nước bạn, ngoài khoản tiền này công ty đó đòi thêm tiền môi giới của chúng tôi. Chúng tôi có thể nhờ cơ quan nào của Việt Nam can thiệp?

Chi phí đi là 3.000 USD và thế chấp ngân hàng 3.000 USD, khi nào hoàn thành 5 năm thì nhận lại. Nhưng khi qua Nhật công ty đó bắt chúng tôi phải trả thêm khoản tiền môi giới lao động hàng tháng. Ngoài ra, công ty này vẫn nhờ chúng tôi làm việc nhưng không ký hợp đồng theo quy định của nước sở tại. (Lê Văn Thủ, Email: buisithu@yahoo.com).

 

Cơ quan nào bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người xuất khẩu lao động?

Ảnh minh họa

Trả lời

Xin chào bạn! Do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi không đầy đủ như: Hợp đồng lao động bạn đã ký với công ty Hiteco có nội dung như thế nào? Tuy không có thỏa thuận về trả tiền môi giới hàng tháng nhưng có thỏa thuận về tiền môi giới hay tiền dịch vụ hay không? hình thức đi làm việc ở nước ngoài như thế nào? quyền và nghĩa vụ của các bên ra sao? Công ty Hiteco có ký Hợp đồng cung ứng lao động với Công ty ở Nhật không? nội dung Hợp đồng như thế nào? Hợp đồng bạn ký với công ty Nhật như thế nào?……nên chúng tôi không tư vấn cụ thể cho bạn được.

Chúng tôi giả định nếu trường hợp của bạn đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với công ty Hiteco là doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì bạn thao khảo các quy định về tiền môi giới như sau:

Theo quy định tại Luật người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng và theo quy định tại khoản 1 mục II của thông tư liên tịch số 16/2001/TTLT_BLDTBXH-BTC của Bộ lao động thương binh xã hội và Bộ tài chính ngày 04/09/2007 quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng: Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tiền môi giới không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.

Các doanh nghiệp không được thu tiền môi giới của người lao động đối với những thị trường, những hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới”.

Tại khoản 2 Điều 17 Luật người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng quy định về Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Hợp đồng lao động như sau: “ Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Hợp đồng lao động phải có các nội dung cụ thể, phù hợp với nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động. Các thỏa thuận về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động phải được ghi trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Như vậy theo quy định của pháp luật nêu trên bạn chỉ phải nộp tiền môi giới trong trường hợp do thị trường hoặc đối tác nước ngoài có yêu cầu về tiền môi giới và tiền môi giới phải được ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tiền môi giới trong trường hợp (nếu có) do công ty Hiteco tự chi trả. Bạn có trách nhiệm hoàn trả lại tiền môi giới (một lần hoặc nhiều lần do các bên thỏa thuận) cho công ty Hiteco. Theo quy định tại khoản 2 mục II của thông tư liên tịch số 16/2001/TTLT_BLDTBXH-BTC của Bộ lao động thương binh xã hội và Bộ tài chính ngày 04/09/2007 quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng như sau: “a) Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/ người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính;

b) Doanh nghiệp đàm phán, quyết định mức tiền môi giới phù hợp với từng hợp đồng nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm (a), khoản này;

c) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định cụ thể mức tiền môi giới người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp phù hợp với từng thị trường;

d) Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương bao gồm tiền lương cơ bản và tiền lương phép.

Trong trường hợp của bạn nếu không có bất cứ thỏa thuận nào về tiền môi giới thì bạn sẽ không phải trả tiền môi giới. Bạn nên yêu cầu Công ty Hiteco đứng ra giải quyết theo quy định của pháp luật Công ty Hiteco có trách nhiệm phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh, giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động. Nếu công ty Hiteco không thực hiện đúng trách nhiệm của mình bạn có quyền Đơn phương chấm dứt Hợp đồng với Công ty Hiteco. Do lỗi của công ty Hiteco mọi chế độ và quyền lợi của bạn sẽ được pháp luật bảo vệ. Nếu bạn đang ở nước ngoài bạn có thể khởi kiện Công ty Hiteco tại tòa án nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty Hiteco có trụ sở.

Trong trường hợp bạn có các căn cứ chứng minh công ty Hiteco có các hành vi vi phạm pháp luật về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo Hợp đồng như: Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động hoặc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bạn… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà công ty Hiteco sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bạn có quyền làm đơn đề nghị gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trung ương để xử lý hành chính hoặc tố cáo ra cơ quan công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty Hiteco có trụ sở để được giải quyết.

Trong trường hợp công ty ở Nhật gây khó khăn cho quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn có thể liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại Nhật để được Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Thị Phượng

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Ban Bạn đọc