Bạn đọc viết:

Cơ cấu và hệ lụy của việc cơ cấu

(Dân trí)- Trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, chúng ta được nghe nhiều về vấn đề “cơ cấu”! Để bảo đảm bố trí cán bộ, hay Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp… cho phù hợp, đòi hỏi phải cơ cấu đủ theo lứa tuổi, thành phần, dân tộc, giới tính…

Cơ cấu và hệ lụy của việc cơ cấu - 1
Cán bộ khuyến nông huyện Mù Cang Chải hướng dẫn bà con người Mông xã Nậm Có ...
(ảnh minh họa, nguồn: baoyenbai)
Cơ cấu còn để giao trách nhiệm cho người được tổ chức tin tưởng phải luôn luôn phấn đấu, rèn luyện trau dồi đạo đức, học tập chuyên môn mới hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Một lần làm công tác cơ cấu, là một lần đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ phải tuyển chọn kỹ, để chọn người có tài, có đức, đại diện cho thành phần, giới tính được cơ cấu ra gánh vác việc nước, việc dân giao.

Thế nhưng gần đây người ta bàn tán nhiều đến việc “được cơ cấu”, chạy để “được cơ cấu” và chất lượng của đại biểu, cán bộ “được cơ cấu”… làm cho công tác cán bộ, cơ cấu cán bộ không còn khách quan, thậm chí có người cho rằng cơ cấu là kẽ hở cho kẻ xấu, “chợ quan” để không ít kẻ dùng tiền và tình mua quan, bán chức.

Từ chỗ đã được cơ cấu là được sắp xếp bố trí, không có trong cơ cấu, không nằm trong quy hoạch, nếu được dân tin, dân bầu cũng phải xin rút. Và câu châm ngôn “Một lần cơ cấu hơn phấn đấu cả đời” không phải là không đúng, mà nó đã trở thành hiện thực trong công tác tổ chức, cán bộ hiện nay.

Việc cơ cấu, bố trí cán bộ là việc làm đúng! Thế nhưng điều mà nhân dân quan tâm là sau việc cơ cấu, tìm giúp dân, người được cơ cấu, được tìm đó lãnh đạo phong trào thế nào, có phát huy dược năng lực công tác không? Và lòng tin của nhân dân vào tổ chức vào Đảng và uy tín cá nhân đó thế nào? Nếu không thì trách nhiệm thuộc về ai? Hay lại quy về năng lực, trình độ có hạn và đề nghị tiếp tục cho nâng cao trình đọ để tiếp tục quy hoạch, cơ cấu!?

Tại hội nghị tổng kết công tác hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện K, có một đồng chí là cán bộ lãnh đạo của Hội đồng nhân dân cấp trên về dự ( xin phép không nêu tên) đã nêu một ví dụ cụ thể rằng: có một vị Đại biểu hội đồng nhân dân Tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011, được cơ cấu đủ các tiêu chuẩn: là trẻ, giới tính, dân tộc, trí thức, giai tầng nhưng trong suốt cả 7 năm làm nhiệm vụ đại biểu, vị đó không phát biểu được một câu nào trong các kỳ họp, không góp được một dòng nào bằng văn bản cho Hội đồng!?

Một đại biểu Quốc hội khác, đủ các tiêu chuẩn cơ cấu, nhưng chúng tôi thấy trong suốt 4 năm nhiệm kỳ quốc hội khóa XII (2007 - 2011) cũng theo đoàn đại biểu đi tiếp xúc cử tri, nhưng không mấy khi phát biểu, càng không thấy chất vấn tại các kỳ họp của quốc hội. Khi tiếp xúc ở bên ngoài mới biết khả năng nói, viết cũng rất yếu nếu không nói là kém.

Thế giới đang chuyển từ thời kỳ hậu công nghiệp sang kinh tế tri thức. Nước ta đang phấn đấu để năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại! Để đưa đất nước đi lên, hội nhập và phát triển.

Đòi hỏi trong nhiệm kỳ này, trong cơ cấu bố trí đại biểu rất cần quan tâm đến chất lượng, chọn những người đủ tài, đức, tâm trí phục vụ đất nước. Đừng nặng về cơ cấu, tránh tình trạng “phiếu bầu” thì cao mà trình độ năng lực thì yếu!

Phùng Văn Mùi