Có cách bắt hết rùa tai đỏ ở Hồ Gươm

Sau khi các báo phản ánh về hiện trạng Rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, một doanh nhân thâm niên 13 năm nuôi rùa tai đỏ ở Hà Nội đã đề xuất phương án ngăn chặn hiện tượng này. Xin giới thiệu bài viết của tác giả QD trên báo Tiền Phong để bạn đọc hiểu rõ hơn...

Có cách bắt hết rùa tai đỏ ở Hồ Gươm - 1
 
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng ban thường trực Hội Bảo tồn Sinh thái TP Hà Nội, cho hay, nhờ phương pháp mà ông đề xuất áp dụng ở hồ Gươm, mới đây nhất, ông bắt gần như toàn bộ số rùa tai đỏ do chính ông nuôi suốt 13 năm qua.

Khi còn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thương mại Hà Nội (KAT Group), ông Khôi có một trang trại sinh thái rộng bốn hécta ở ngay nội thành Hà Nội và từng nuôi hàng trăm rùa tai đỏ hợp pháp. Chính vì thế, ông hiểu tập tính của chúng hơn ai hết.

“Đúng là rùa tai đỏ thường nổi lên để ăn và sống lơ lửng trong nước. Tuy nhiên, khi có động như bơi thuyền thúng ra chẳng hạn, chúng thường lặn ngay và rúc xuống bùn. Với mực nước không sâu như ở hồ Gươm, việc rúc xuống bùn khi có động là không có gì khó và lâu đối với rùa tai đỏ”, ông Khôi (còn là Ủy viên BCH Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam), nói.

Phương án bắt rùa tai đỏ được đưa ra căn cứ vào tập tính của rùa mà đích thân ông tìm hiểu trên các hồ ở khu Đầm Bông của gia đình.

Theo đó, rùa tai đỏ thường ăn tất cả các loại cây, rau nổi. Với động vật, ông Khôi quan sát thấy rùa tai đỏ hầu như không bao giờ ăn các động vật sống và chuyển động. Nhưng nếu là động vật chết và thối thì đấy lại là món khoái khẩu của chúng.

“Khi tôi thả da trâu xuống, chúng ăn hết. Thả cá sống, chúng không ăn. Cũng như vậy, nếu cá chết, nó ăn ngay”, ông Khôi kể. Cũng vì đặc điểm ấy, ông Khôi có ý định nghiên cứu sử dụng rùa tai đỏ giúp làm sạch môi trường thối rữa ở các ao hồ.

“Phương pháp gom rùa tai đỏ ở hồ Gươm, theo ông Khôi gồm hai phần, phần dưới là lưới thiết kế sao cho rùa tai đỏ vào mà không ra được (tất nhiên là, không để cụ Rùa vào). Để dụ rùa tai đỏ, ông cho đặt mồi là thức ăn thối rữa với lượng vừa đủ để không làm ô nhiễm môi trường nước hồ.

Phần thứ hai của hệ thống là bè tre, nơi để cho rùa tai đỏ phơi nắng. “Hiện tượng một con rùa tai đỏ ngồi lên lưng cụ Rùa hồ Gươm chính là thể hiện thú thích phơi nắng của loài này”, ông Khôi nhận định.

Vừa dụ cho ăn, vừa dụ cho phơi nắng như vậy, trong vòng một tháng ông Khôi đã thu gom gần như toàn bộ số rùa tai đỏ mà ông nuôi từ năm 1997 đến nay rồi cho thiêu hủy trước mặt đại diện các cơ quan chức năng.

Hồ Gươm, không phải môi trường cho rùa tai đỏ sinh sản

 

Ông Khôi cho rằng, một số loại tảo ở hồ Gươm có thể là thức ăn tốt cho rùa tai đỏ nhưng hồ Gươm không phải là môi trường lý tưởng cho chúng sinh sản.

 

Như nhiều loài rùa khác, rùa tai đỏ cần có bãi cát không chỉ để phơi nắng mà còn để sinh sản. Nếu ngăn chặn được nạn thả phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ Gươm khả năng sinh sôi của chúng ở hồ Gươm là rất thấp.

 

Ông Khôi từng theo dõi và nhận thấy, một bộ giống rùa tai đỏ gồm hai rùa cái và hai rùa đực, trung bình đẻ được 50-60 quả trứng/năm, song tỷ lệ nở thành con và thành con trưởng thành trong tự nhiên chỉ 10-20%.

 

Lý do là trứng không nở được trong môi trường thích hợp. Trứng ở dưới bùn sẽ bị thối. Trứng để trên cạn sẽ bị chuột tấn công. Rùa tai đỏ con còn là thức ăn của các loài thiên địch khác như cá trê, cá chim.

 

Theo QD
Tiền Phong