Chuyện lương và giá vẫn rất sôi nổi

(Dân trí) - Từ trước tới nay có lẽ chưa đề tài nào được nhắc đến nhiều và tranh luận sôi nổi như chuyện lương và giá hiện nay. Những bài báo viết về vấn đề này đã thu hút một lượng lớn ý kiến phản hồi của độc giả với không ít tranh luận.

Không phải như một bạn đọc nào đó chua chát nhận xét, có lẽ những người này rỗi hơi, thừa thời gian thao thao bất tuyệt, hoặc hùa theo đám đông, chỉ viết để cho vui... Chúng tôi cũng nhất trí với những ý kiến rằng: nói vậy có phần khắt khe, bảo thủ.

 

Với rất nhiều người dù biết rằng chưa chắc những lời nói của mình liệu có thể làm thay đổi được gì hay không, nhưng có lý gì quyền được viết, được nói ra suy nghĩ, mong muốn một cuộc sống đảm bảo và tốt đẹp hơn, lại cũng không được phép?

 

Mọi người đều có quyền góp tiếng nói, góp ý kiến để quê hương, đất nước tiếp tục phát triển. Nhưng tất nhiên đừng đi quá giới hạn cho phép bởi ta không có quyền bôi nhọ bất kỳ ai.

 

Kể từ khi giá xăng tăng liên tiếp trong một thời gian ngắn, giá điện cũng tăng, rồi thông tin tăng lương vào 1/5 được thông báo rộng rãi, rất nhiều người dân đã và đang và sẽ còn tiếp tục điêu đứng vì hiệu ứng domino cứ liên tục "kéo đổ"  mức giá các mặt hàng phục vụ đời sống dù chúng đã không ngừng "lập kỷ lục mới".

 

Tôi cũng là cán bộ nhà nước mà cũng không thích tăng lương. Chính phủ và các ban ngành có trách nhiệm cứ nói rằng xăng, dầu, điện và cả vàng nữa dù đã tăng như vậy vẫn thấp hơn giá trên thị trường thế giới. Muốn hội nhập cần tạo điều kiện cho các mặt hàng ngang giá thế giới. Kể ra thì rất đúng, cần phấn đấu để mọi thứ ngang giá thế giới. Tuy nhiên, còn thứ quan trọng nhất thì không thấy phấn đấu ngang giá thế giới, đó là sức lao động. Lao động VN có giá rẻ nhất thế giới” - pham cong minh: bmqtkd@gmail.com.

 

Nhà nước nên có một phương án, chính sách nào đó để bình ổn giá cả thị trường, chống lạm phát. Dân ta cứ mỗi lần nghe điều chỉnh lương là từ cô, bà bán rau, bán dưa đến anh thợ cắt tóc, cô làm đầu, rồi anh, chị rửa xe... cứ tăng giá vù vù. Đấy là những thứ, những mặt hàng rất nhỏ của đời sống hàng ngày còn tăng giá chứ nói gì đến những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng ở tầm vĩ mô thì giá cả tăng đến đâu. Thử hỏi với đồng lương tăng ít ỏi trên tay mà giá cả tăng đến chóng mặt như vậy thì biết bao nhiêu triệu con người làm công ăn lương liệu có vui được không?Câu trả lời dành cho những người cầm cân nảy mực, những người lãnh đạo các cấp, những người có trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân!” - Công Tâm: sonbk2004@yahoo.com.
 
Chuyện lương và giá vẫn rất sôi nổi - 1

(ảnh minh họa)

 

Lương nhà nước thì tăng nhưng lương của khối doanh nghiệp tư nhân của chúng tôi không nhúc nhíc từ năm 2009 đến nay. Nên mỗi lần tăng lương lại khiến cho chúng tôi thêm điêu đứng. Chúng tôi không có khái niệm được bù giá hay trợ cấp bao giờ. Chúng tôi hi vọng đợt khảo sát lương trong tháng 4 này có ý nghĩa thật sự với đời sống của người dân” – climbingrose: xutetua_84@yahoo.com.

 

Các ý kiến trên rất hay, nhưng có một điều không ai đề cập đến đó là dân nghèo, dân nông nghiệp. Tôi cũng là một CCNN nhưng xuất phát từ nông thôn, tôi thấu hiểu được nỗi khổ của người dân. Mong sao bình ổn được giá cả để người dân nghèo đỡ khổ. Để nông sản được có giá trị hơn. Để người dân thu nhập nông sản cảm thấy vui. Xin cám ơn Chính phủ đã quan tâm” -  Lê Thiên Trung: lethientrung77@gmail.com.

 

Khổ nhất là những người nông dân thôi, mỗi lần tôi về quê thấy cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ. Thiên tai bão lũ rồi dịch bệnh liên miên, người dân không biết làm gì để có thêm thu nhập. Trong khi đó chi tiêu thứ gì cũng tăng, cộng với việc càng phải cố gắng chắt chiu để lấy tiền cho con cái ăn học, khiến không ít người có bệnh cũng không dám đi khám đành ở nhà dù bệnh ngày càng nặng hơn. Mỗi lần về nhìn cảnh sống như vậy tôi rất đau lòng, nhưng bản thân mình lại không thể làm gì được” - thyhue: thyhue_ict@yahoo.com.

 

Chúng tôi sợ tăng lương: - Chúng tôi, những người làm cho doanh nhgiệp sản xuất kinh doanh, lương hàng tháng cố định từng người, ví dụ tôi thì được 4,6 tr đồng đã bao gồm bảo hiểm XH, BH ytế, BH thất nghiệp. - Khi nhà nước chưa tăng lương tôi nhận được hơn 4 triệu tiền hàng tháng (sau khi đã trừ các khoản BH, thuế, phí, công đoàn). - Giờ tăng lương cơ bản, tổng 4,6 triệu của tôi vẫn không đổi nhưng tiền đóng bảo hiểm tăng. Vậy tiền hàng tháng nhận được sẽ ít hơn. Nói là tăng lương, nhưng thực chất những người làm trong các doanh nghiệp sản xuất có được tăng đâu, họ sẽ bị giảm lương thì đúng hơn. Cả nước ta có rất nhiều người làm trong doanh nghiệp sản xuất. Chúng tôi sợ nhà nước tăng lương. Càng tăng, chúng tôi càng khó khăn khi tiền nhận về bị giảm đi và giá cả thì lại tăng lên” - Hà Văn Kiên: kienp22@yahoo.com.

 

Tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước là một việc làm hết sức có ý nghĩa của Chính phủ, nhưng làm sao lương tăng cũng phải đi đôi với mức sống của người dân được nâng lên. Trong những năm gần đây mỗi khi được tăng lương thì đời sống người hưởng lương lại đi xuống, giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng cao, các hàng hóa thiết yêu do nhà nước quản lý cũng theo đà tăng lên. Xin hãy đừng so sánh giá cả các mặt hàng với các nước trong khu vực, hãy xem lại thu nhâp và mức sống của người ta đã. Thật chẳng vui gì khi lương tăng!” - Văn Thành Thông: thongvt89@yahoo.com.

 

Tôi cũng chẳng mong gì đến tăng lương, vì như mọi người nói, lương chưa tăng thì mọi vật giá đã tăng. Tôi cảm thấy mỗi lần đi chợ rất căng thẳng vì với đồng lương CNVC ăn theo hệ số của 2 vợ chồng thì biết ăn gì, uống gì cho đủ chất, chứ chưa nói đến ăn ngon, mặc đẹp. Trong khi đó còn bao khoản phải chi, nào tiền thuê nhà, tiền học phí cho 2 con, tiền cưới hỏi...

 

Tôi chỉ mong nhà nước ngoài việc tập trung bình ổn giá, khoan vội tăng lương ồ ạt, vì như vây sẽ kéo theo các vật giá tăng lên. Tuy nhiên nhà nước cũng cần nâng lương cho một số ban ngành mà tôi thiết nghĩ đó là những ban ngành chủ chốt của nhà nước, nhưng lương lại cực thấp. Ví dụ tôi đây là điển hình, tôi làm bên ban ngành Đảng, với mức lương chưa đủ 2tr/tháng. Nhiều khi tôi cũng nản, suốt ngày suy nghĩ đến cơm áo, gạo tiền mà cũng không thật chuyên tâm vào chuyên môn. Vì vậy tôi thiết nghĩ nhà nước nên quan tâm đến đồng lương của CNVC, đặc biệt là khối bên Đảng” - Linh Dan: hoaquynhvang1983@yahoo.co.uk.

 

Thực tế thì cán bộ, công nhân viên chức nhà nước mới được hưởng chế độ tăng lương. Thử hỏi số người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước được bao nhiêu người? Vậy còn bộ phận lớn là nông dân và người lao động tự do thì tăng cái gì? Thực sự những người nông dân và lao động tự do nghề nghiệp không ổn định hiện nay quá khổ” - Kim Dung: kimdung4668@gmail.com.

 

Bên cạnh đó không ít độc giả cũng đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm tránh tình trạng giá cả leo thang ăn theo thông báo tăng lương, như một kênh tham khảo để các nhà hoạch định kinh tế xem xét.

 

Theo tôi, tăng lương là tốt, nhưng chọn thời điểm tăng là 1/5 hàng năm là chưa hợp lý. Tôi nghĩ nên tăng lương vào 1/1 hàng năm vì lúc đó là thời điểm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do tâm lí sắp đến tết cổ truyền. Lúc đó chính phủ cũng có những biện pháp để bình ổn giá tiêu dùng, việc tăng lương không gây biến đổi giá như tâm lí ngày tết. Sau tết giá cả sẽ lại dần đi vào ổn định và không có nhiều biến động nữa. Còn nếu tăng lương vào 1/5, sau Tết giá cả đang tăng cao và dần giảm xuống thì lại có đợt tăng lương, lại như “đổ thêm dầu vào lửa”, cứ như vậy thì chẳng bao giờ bình ổn được giá cả thị trường ” - Thu Huyền: huyenbuong@gmail.com.

 

Phải tăng lương chứ ! Không tăng thì làm sao sống nổi với giá cả? Thà ít còn hơn không. Nhưng tôi cũng rất đồng ý với rất nhiều bạn là không nên “tăng lương” theo cái kiểu như lần này, nghĩa là chưa tăng lương (chỉ tăng nhỏ giọt), nhưng trước đó hoặc sau đó thì các mặt hàng cứ tăng lên vù vù, gấp mấy lần phần tăng của lương) khiến cho đời sống đâu có được cải thiện (thậm chí lùi đi). Thế nhưng tôi vẫn thấy phải tăng lương. Tôi nghĩ : GDP có tăng thì trước hết phải nâng cao đời sống hiện nay của đại đa số người dân, chứ không phải để có con số đưa lên báo chí” - Đỗ Châu: domongchau@gmail.com....

 

Những ý kiến bạn đọc gửi gắm qua Dân trí đều rất đáng để suy ngẫm và rất mong chúng sớm đến được với những địa chỉ trực tiếp cần thiết!

 

Bách Linh