Bạn đọc viết:

Choáng với con số nữ sinh uống... rượu

(Dân trí) - Thứ văn hóa với rượu mời, rượu phạt, rượu thưởng, rượu đẳng cấp, rượu nhập phòng, rượu đồng hương, rượu sinh nhật, rượu buồn, rượu thất tình... hiện đang tồn tại và trở thành một phần của lối sống sinh viên hiện nay.

Choáng với con số nữ sinh uống... rượu - 1

Theo kết quả cuộc khảo sát 200 mẫu sinh viên (SV) Hà Nội mới đây về “Nhận thức và hành vi sử dụng rượu bia của SV”, cho thấy: bên cạnh 97,1% nam sinh, số nữ sinh sử dụng rượu bia trong vòng một năm trở lại đây lên tới 70,8%. Số liệu này cao hơn... 14,2 lần so với số liệu thống kê trung bình tại khu vực Đông Nam Á năm 2010.

Nữ vô tửu như... kỳ vô phong

Rượu, bia vốn được các đấng nam nhi sử dụng nhiều và thường xuyên, đôi khi còn được coi là phương tiện để thể hiện bản lĩnh. Nhưng dường như, quan điểm đó đã không chỉ  đúng với nam giới nữa. Quan niệm về việc nữ giới uống rượu bia đã không còn khắt khe như trước.

Trong những cuộc vui có sử dụng rượu bia, việc các bạn SV nữ thay vì uống coca hay nước ngọt, giờ cũng nâng ly rượu  hay bia và “zô” đã trở nên rất bình thường! Thậm chí, tại các quán hàng, xóm trọ SV, hay trong ký túc xá nữ, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một cuộc nhậu mà chỉ có các bạn nữ. Vui thì uống! Buồn cũng uống! Trục tặc tình cảm lại càng phải uống! Những tai tiếng cũng từ đó mà ra. Có tới 37,8% nữ SV đã từng say rượu bia với lý do phổ biến nhất là vì không ước lượng được tửu lượng.

Say nhẹ thì mặt mũi ửng đỏ, đi đứng loạng choạng do không ước lượng được tửu lượng khi uống. Tuy nhiên, những cảnh tóc tai rũ rượi, bò ra nôn thốc nôn tháo, phải có người sốc về... đã không còn lạ lẫm với nữ sinh nữa. Thậm chí, có những nữ sinh dám đứng lên thách thức và uống tới bến với đám nam nhi hò reo cổ vũ xung quanh. Hậu quả của những trận thả cửa “không say không về” đó có khi khiến chủ nhân phải nghỉ học mất mấy ngày...

Bị coi là khinh người nếu mời mà không uống

53,5% những SV có sử dụng rượu, bia trong vòng 12 tháng trở lại đây đã từng bị say ít nhất một lần. Đó chủ yếu là hậu quả tất yếu của tình trạng nài ép diễn ra thường xuyên trong SV.

Sợ bị mang tiếng ”khinh người” là quan điểm lý giải cho việc thường xuyên say rượu bia của một bộ phận SV. Trong các bữa nhậu, dù là người có “tửu lượng” khá hay kém đều cố gắng nâng lên hạ xuống theo từng tiếng ”zô” để không mang tiếng phụ lòng anh em, bạn bè.

Nếu như quan niệm “rượu bất khả ép” là một nét đẹp trong văn hóa mời rượu truyền thống thì với SV, “ép bất khả từ” cũng là một luật bất thành văn. Bằng chứng là có tới 69,2% SV cho biết đã từng phải uống lượng rượu bia nhiều hơn mức mình muốn.

Sinh viên thiếu nhiều thứ, nhưng rượu thì...!

Có hàng ngàn lý do để SV có thể rủ nhau tụ tập, “chè chén”, chủ yếu nhất là trong các cuộc tụ tập bạn bè, các đám sinh nhật, họp đồng hương, có thành viên mới nhập phòng...  Những cuộc nhậu tay đôi, chén chú chén anh để dốc bầu tâm sự về cơm áo gạo tiền, về mối tình đơn phương, về việc phải thi lại... cứ thế diễn ra liên miên.

Với những cái cớ “to tướng” đó, SV có thể tụ tập rượu, bia với nhau liên tục từ ngày này sang ngày khác, xoay vòng từ lý do của người này sang người kia. Vì thế mà hơn một nửa SV (51,9%) tham gia nghiên cứu tự đánh giá thấy mình sử dụng rượu bia nhiều hơn từ khi vào đại học. Từ khi là SV có nhiều dịp phải uống hơn là lý do quan trọng và phổ biến nhất để lý giải cho xu hướng này.

Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu thì mặc dù đa số SV đều có những hiểu biết nhất định về tác hại của rượu bia, những quan điểm tích cực về mục đích và cách thức sử dụng rượu bia, nhưng mối liên hệ giữa nhận thức đó và hành vi lại vô cùng lỏng lẻo.

Thứ văn hóa với rượu mời, rượu phạt, rượu thưởng, rượu đẳng cấp, rượu nhập phòng, rượu đồng hương, rượu sinh nhật, rượu buồn, rượu thất tình...  cứ thế tồn tại và trở thành một phần của lối sống SV ngày nay.

Nguyễn Thị Chúc
 (Lớp Xã hội học K27, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)