Cho biên cương bình yên

(Dân trí) - Với phương châm 4 cùng - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc Đồn Biên phòng 531 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, giúp dân xóa bỏ cây thuốc phiện, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa...

Cho biên cương bình yên - 1

Chiến sỹ đồn biên phòng 531 tăng gia sản xuất tự túc lương thực

Giữ vững an ninh biên giới

Đồn biên phòng 531 trú quân trên xã Keng Đu - xã cực Tây Bắc của huyện miền nùi Kỳ Sơn. Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 25km đường biên giới với nước bạn Lào trong đó có 5km đường biên bộ và 20km đường thủy dọc sông Nậm Nơn cùng với 2 cột mốc 398, 399 thế nhưng suốt thời gian dài trên địa bàn không có vụ việc lớn phức tạp xảy ra, an ninh thôn bản được giữ vững, không có tình trạng di dân trái phép....

Thiếu tá Hồ Quốc Hải - Chính trị viên Đồn cho biế: "Để có kết quả đó ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là 6 bản dọc biên giới thành lập 6 tổ tự quản đường biên. Các tổ tự quản này có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh thôn bản và phối hợp hành động với chiến sỹ của đồn khi có sự việc xảy ra". Bên cạnh đó phong trào toàn dân đoàn kết đấu tranh phòng chống tội phạm cũng được triển khai và có kết quả tốt. Từ khi tổ tự quản đường biên ra đời, với sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả của lực lượng dân - quân phối hợp, các vụ việc xảy ra trên địa bàn đã được giải quyết một cách nhanh chóng. Còn nhớ năm 2008, tại bản Huồi Lê tổ tự quản đường biên đã phát hiện một nhóm người Lào xâm canh, phát nương làm rẫy bên đất mình đã kịp thời báo cáo với chỉ huy Đồn biên phòng và tổ chức đẩy đuổi thành công nhóm người trên, bảo vệ từng tất đất, từng khoảnh rừng...

Cho biên cương bình yên - 2

Đồn biên phòng 531 - điểm sáng văn hóa, trung tâm đoàn kết các dân tộc thiểu số xã vùng cao Keng Đu

Xã Keng Đu trước đây là một điểm nóng về ma túy. Đến Keng Đu đầu những năm 90 của thế kỷ trước chỉ thấy bạt ngàn hoa anh túc nở tím sườn núi. Mải mê, đắm chìm trong khói thuốc phiện, cái đói, cái nghèo đeo đẳng người dân Keng Đu triền miên. Keng Đu thời bấy giờ được gọi là thủ phủ thuốc phiện - nơi tập kết của các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy. Phức tạp về tình hình sản xuất, vận chuyển và buôn bán ma túy dẫn đến an ninh biên giới cũng bị đe dọa. Ban chỉ huy Đồn xác định giữ vững an ninh biên giới cần phải kéo người dân ra khỏi thuốc phiện.

Loại bỏ cây thuốc phiện trên mảnh đất phên dậu này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban chỉ huy Đồn biên phòng 531 xác định. Chuỗi ngày bám bản, bám dân tuyên truyền cho người dân tác hại của cây thuốc phiện mà từ bỏ loài cây chết người này bắt đầu. Nói thì dễ nhưng để những người có thâm niên nghiện hút 20, thậm chí hơn 30 năm từ bỏ thuốc phiện là điều không đơn giản chút nào. Cán bộ chiến sỹ của Đồn được phân công đến từng nhà dân, một mặt vận động họ xóa bỏ cây thuốc phiện, một mặt giúp họ cai nghiện và hướng dẫn người dân trồng lúa, trồng sắn, chăn nuôi phát triển kinh tế. "Phải mất 4 năm trời người dân mới hiểu ra, tin vào Đảng, vào Nhà nước, tự nguyện phá bỏ thứ cây thuốc độc này. Và đến năm 1997, Keng Đu cơ bản không còn cây thuốc phiện", Đại úy Lù Bá Tiến - Chính trị viên phó của Đồn cho hay.

Từ đây những nương anh túc được thay thế dần bằng những nương lúa vàng óng, cuộc sống của người dân 10 bản vùng cao xã Keng Đu đã thực sự bước sang trang mới. Ông Lương Phò Hom - Bí thư chi bộ bản Kèo Cơn phấn khởi: "Tất cả là nhờ bộ đội biên phòng, nhờ Đảng cả đấy".

Giúp dân xóa đói giảm nghèo

Công tác tuyên truyền vận động được xem là khâu then chốt quyết định việc thành bại của các nhiệm vụ đã đề ra. Muốn cho dân tin, dân hiểu trước hết phải hiểu dân nói gì, dân cần gì. Muốn thế phải biết tiếng nói của họ. Gần 90% dân số Keng Đu là người Khơ Mú, quyết sách "Tất cả cán bộ, chiến sỹ của đồn phải nghe và nói thạo tiếng Khơ Mú" được đề ra. Bởi vậy ngoài việc tuần tra bảo vệ đường biên giới, tăng gia sản xuất, cứ đều đặn vào tối thứ 4 hàng tuần tất cả cán bộ chiến sỹ của Đồn lại chuẩn bị bút vở tham gia lớp học tiếng Khơ Mú. Với phương châm người biết dạy cho người chưa biết, người biết ít học người biết nhiều, nhờ vậy đến nay hầu hết cán bộ chiến sỹ Đồn 531 đã nghe và nói thành thạo tiếng Khơ Mú.

Cho biên cương bình yên - 3
Thiếu tá Hồ Quốc Hải - Chính trị viên Đồn biên phòng 531: "Muốn hiểu người dân, cán bộ, chiến sỹ đồn phải nói được tiếng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Đồn trú chân".

Khi đã được nghe, hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Đồn 531 bắt tay vào giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới nơi vùng biên này. Đến nay Đồn đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế V-A-C-R cho hộ anh Xeo Phò Nang (bản Quyết Thắng). Ngoài việc hỗ trợ cây, con giống cán bộ Đồn còn hướng dẫn anh Nang chăm sóc phòng trừ dịch bệnh, giúp đỡ ngày công... Đại úy Lù Bá Tiến cho biết: "Sắp tới từ trang trại của anh Xeo Phò Nang chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình phát triển kinh tế này ra các bản khác. Ngoài chăn nuôi lợn đen, sắp tới chúng tôi sẽ giúp anh Nang phát triển đàn gà đen theo hướng hàng hóa. Đây được xác định là con chủ lực giúp người dân nơi đây thoát nghèo".

Song song với việc giúp dân phát triển kinh tế, Đồn đã góp phần rất lơn trong việc xây dựng thành công 2 bản văn hóa Huồi Phuôn 1 và Huồi Phuôn 2. Hiện tại bản Kèo Cơn đang trong quá trình thẩm định và bản Hạt Tả Vén cũng đang đẩy mạnh xây dựng mô hình bản văn hóa. Đồn đã xây dựng được 11 căn nhà theo chương trình mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo. Hàng tháng cán bộ chiến sỹ của Đồn trích một phần lương của mình đóng góp vào Quỹ tình thương. Quỹ tình thương của đồn đã hỗ trợ cho em Lương Văn Nọi và Mong Văn Nhương - hai học sinh người Khơ Mú nghèo học giỏi được tiếp tục đến trường. 

Từ nguồn quỹ này Đồn sẽ tài trợ các em đến khi học hết lớp 12 và phối hợp với các đơn vị kết nghĩa tạo công ăn việc làm khi các em trưởng thành. Không chỉ chăm lo hỗ trợ cho các em về mặt vật chất, cứ vào dịp hè khi các thầy cô giáo về xuôi, chỉ huy Đồn phân công cán bộ có năng lực trong đội vận động quần chúng kèm cặp các em ôn luyện kiến thức. Đầu năm học 2010-2011, với sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng 531 đóng góp ngày công xây dựng dãy nhà ở ký túc cho các em học sinh trường THCS Keng Đu yên tâm theo học. Ngoài ra đồn còn hỗ trợ 18 cái giường sắt cho các em học sinh nội trú nơi đây.

Với phương châm "4 cùng" cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng 531 đang từng bước làm đổi thay bộ mặt của vùng biên này. Tin tưởng rằng với sự hỗ trợ và giúp đỡ có hiệu quả của Đồn biên phòng 531, cái đói cái nghèo và lạc hậu sẽ sớm lùi xa. Và cũng từ đó thế trận vùng biên sẽ được củng cố vững vàng. Vùng đất phên dậu của xứ Nghệ đang từng bước khởi sắc.

Hoàng Lam - Nguyễn Phê