Chịu thiệt cuối cùng vẫn là … người hâm mộ

Thay vì cùng nhau chia sẻ bản quyền để tiết kiệm chi phí, một số “nhà đài” lại muốn chơi trội, mua bản quyền độc quyền hòng thu hút người xem về phía mình đồng thời “bóp chết” đối thủ cạnh tranh. Lợi đâu chưa thấy, trước mắt chỉ thấy sự tẩy chay của người hâm mộ.

Chịu thiệt cuối cùng vẫn là … người hâm mộ - 1
Người hâm mộ cứ phải liên tục "móc hầu bao" cho việc thay đổi thiết bị mới được xem giải Ngoại hạng Anh

Đối với nhiều người Việt Nam thì bóng đá là môn thể thao “vua”. Không chỉ cổ vũ cuồng nhiệt cho đội tuyển Việt Nam trong những giải đấu quan trọng như Sea games, AFF cup… , người hâm mộ bóng đá Việt Nam còn dành nhiều sự quan tâm đối với những giải bóng đá lớn như: Euro, World cup hoặc các giải vô địch quốc gia của những nền bóng đá phát triển trên thế giới như: Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý… Hầu hết các giải bóng đá ấy, người hâm mộ đều phải xem qua truyền hình.

Chi phí cao, “nhà đài” có “làm khó” người hâm mộ ít tiền?

Từ chỗ được xem miễn phí các trận đấu tại giải bóng đá ngoại hạng Anh, giải vô địch các nước Tây Ban Nha, Đức, Ý…, giờ đây, người hâm mộ đã phải làm quen dần với việc mua đầu thu kỹ thuật số VTC (ba mùa giải vừa qua) hay đăng ký dịch vụ truyền hình cáp để có thể thưởng thức các trận đấu.

Tuy nhiên, những thông tin về mức chi phí mà người dùng phải chịu nếu tiếp tục còn muốn theo dõi các giải đấu lớn mà các “nhà đài” có độc quyền phát sóng đưa ra thời gian qua đã làm dấy lên những phản ứng khá quyết liệt từ phía khách hàng. Anh Đinh Văn Ngọc làm thợ trong một xưởng cơ khí trên đường Nguyễn Du - Tp Vinh đồng thời cũng là một “tín đồ” của túc cầu giáo tỏ ra bức xúc: “Giá cả bây giờ cái chi cũng lên, nay lại đến giá cước để xem bóng đá. Không xem thì bứt rứt, khó chịu vì lỡ đam mê rồi mà xem thì lại phải chi phí thêm một khoản. Đề nghị các đài truyền hình có thu cước thì cũng thu vừa phải để những người lao động có thu nhập thấp như chúng tôi còn có cơ hội mà xem bóng đá đỉnh cao. Chứ với mức thu mà các đài đưa ra chắc là tôi cũng phải nghỉ dùng luôn”.

Cùng chung quan điểm với anh Ngọc, bác Nguyễn Văn Hải, một công chức đã nghỉ hưu ở phường Quang Trung - Tp Vinh bày tỏ: “Đồng ý là truyền hình họ mua bản quyền, người dân muốn xem thì phải trả tiền để bù lại chi phí, nhưng giá cước cao gấp mấy lần so với trước như các đài truyền hình đưa ra là chưa hợp lý, hợp tình, chỉ hợp với người giàu, người có thu nhập cao. Hưu trí như chúng tôi, muốn xem chắc cũng đành chịu”.

Đối với những sinh viên đang trọ học, việc được xem các trận đáu bóng đá ở những giải đấu quốc tế ưa thích qua sóng truyền hình giờ đây càng có phần “xa xỉ”. Trần Nam Sơn, sinh viên năm thứ 2 khoa Vật Lí trường đại học Vinh bộc bạch: “Em ở cùng chỗ trọ với 3 bạn khác. Chúng em có chung niềm đam mê bóng đá và rất thích xem các trận đấu của giải ngoại hạng Anh. Mùa giải này, bọn em định cùng bớt tiền tiêu vặt của mỗi đứa hàng tháng, chung nhau lắp truyền hình cáp để xem bóng đá Anh vào dịp cuối tuần. Nhưng trước đây, xem trên truyền hình cáp giá cước chỉ có 55.000 đồng/tháng, lại được khuyến mãi miễn phí lắp đặt. Bây giờ biết tin chỉ xem được tất các trận đấu trên K+ mà chi phí thì cao quá, chắc chúng em phải gác lại ý định “góp gạo thổi cơm chung” xem bóng đá ban đầu thôi”.

Theo lý lẽ của các nhà cung cấp dịch vụ thì mức cước đặt ra là “phù hợp với thực tế” để bù lại chi phí đầu tư ban đầu và so với các nước khác trong khu vực, mức cước này còn thấp hơn một số nước. Tuy nhiên, cần phải nhận thấy là, mức thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn thấp, thậm chí là thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập của người dân một số nước mà “nhà đài” đem ra so sánh. Việc đề ra mức cước dịch vụ cao cùng với chi phí lắp đặt thiết bị đầu thu không phải là nhỏ có thể sẽ tước đi niềm vui xem bóng đá đỉnh cao của những người dân nghèo, những người có thu nhập thấp.

Các “nhà đài” trong nước “đá” nhau, các quán cà phê được… hưởng lợi ?

Qua tìm hiểu được biết, trước đây VTC mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh với giá 1 triệu USD. Nhưng năm nay, có tới 4 đơn vị truyền hình tham gia “chạy đua” để có được độc quyền phát sóng giải đấu này trong nước là VTC, SCTV, VCTV, K+. “Cuộc đua” này đã đẩy phí mua bản quyền lên hơn 10 triệu USD. Thay vì việc các “nhà đài” trong nước cùng nhau “bắt tay” chia sẻ bản quyền nhằm giảm chi phí thì việc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cạnh tranh nhau theo kiểu “một sống, một chết” đã đẩy chi phí mua bản quyền lên cao kéo theo chi phí đầu tư thiết bị và mức cước thuê bao hàng tháng  cũng bị “đội” lên. Thiệt thòi thuộc về những người hâm mộ, nhất là những người có thu nhập thấp.

Tiên đoán được trước việc người dân sẽ không “mặn mà” với việc đăng ký gói dịch vụ xem truyền hình tại nhà và sẵn sàng phục vụ một lượng lớn tín đồ của túc cầu giáo có thể gia tăng, một số quán giải khát, cà phê ở thành phố Vinh đã không ngần ngại “đầu tư” khi mà giải ngoại hạng Anh mùa bóng mới đang khởi tranh ở những vòng đấu đầu tiên.

Anh Tiến Mạnh, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ - Tp Vinh đang chọn mua một chiếc tivi LCD cỡ lớn ở siêu thị điện máy Hòa Bình trên đường Quang Trung cho biết: “Giải ngoại hạng Anh đã bắt đầu, số khách đến quán xem bóng đá, uống cà phê chắc sẽ tăng lên vì nghe đâu bên truyền hình thu cước cao hơn mọi năm, người dân xem ở nhà sẽ dần ít đi, đây cũng là cơ hội để quán mình tăng thu nhập”.

Khác với tâm trạng băn khoăn và có phần bức xúc của người dân, chủ quán cà phê, giải khát, các tụ điểm xem bóng đá lâu nay lại có vẻ mở cờ, khấp khởi. Chị Hạnh, chủ quán cà phê trên đường Lê Duẩn - Tp Vinh gần cổng trường đại học Vinh bộc bạch: “Chị đang cho mua thêm bộ máy chiếu cùng bộ loa công suất lớn, số bàn ghế cũng sẽ mua thêm. Có thể tận dụng thêm cả mặt bằng vỉa hè trước quán để phục vụ khách đến uống nước và xem bóng đá. Khách của chị chủ yếu là sinh viên, mấy mùa giải bóng đá trước, tối thứ 7, chủ nhật mô cũng đông khách. Sắp tới chắc sẽ còn đông hơn”.

Vẫn biết rằng, truyền hình trả tiền là một xu thế của thời cuộc. Muốn xem được những kênh truyền hình giải trí đã được mua bản quyền phát sóng, người xem phải chịu một khoản chi phí nhất định, âu cũng là hợp với thông lệ quốc tế, nhất là trong điều kiện hiện nay, nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, dù đã được cải thiện ít nhiều, đời sống vật chất của phần lớn người dân ở nước ta vẫn còn ở mức thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Các “nhà đài” cần có những phương án điều chỉnh thích hợp trong chiến lược kinh doanh của mình nhằm san sẻ bớt gánh nặng chi phí cho người dân. Làm sao để “giải” được “bài toán” hài hòa giữa đảm bảo mục tiêu doanh số và thỏa được “cơn khát” bóng đá đỉnh cao của đông đảo người hâm mộ nước nhà, đó cũng là một cách “đầu tư” có lợi về lâu, về dài.

Bùi Minh Tuấn