Bạn đọc viết:

Chỉ tiêu thi đua cần sát với thực tiễn giáo dục

Bây giờ đang là lúc các trường học chuẩn bị tiến hành hội nghị Công nhân viên chức đầu năm học nhằm tổng kết hoạt động năm học qua và đề ra phương hướng, nhiềm vụ cho năm học mới cùng những chỉ tiêu thi đua cụ thể.

Trong bản phương hướng, kế hoạch nhiệm vụ năm học, các nhà trường thường đề ra các chỉ tiêu về chất lượng dạy của thầy, chất lượng học tập, rèn luyện, tu dưỡng... của học sinh. Đây được xem là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nên đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu như thế nào cho hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế.?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong nhiều năm học trước, bị ảnh hưởng bởi căn “bệnh thành tích”, nhiều nhà trường không ngần ngại đưa vào dự thảo phương hướng, kế hoạch hoạt động của đơn vị mình những chỉ tiêu cao ngất ngường. Chẳng hạn, xếp loại học lực, chỉ tiêu đưa ra thường là trên 60% học sinh xếp loại học lực trung bình, khá, giỏi còn hạnh kiểm là trên 90% đạt loại khá, tốt. Với những chỉ tiêu cao như vậy, không ít trường đã “vỡ mộng” và “nếm trái đắng” khi ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động “hai không”, tiến hành thi thực, đánh giá thực. Trong năm học 2006-2007, năm đầu tiên của cuộc chiến “hai không”, có trường đầu năm đưa ra chỉ tiêu đậu tốt nghiệp của học sinh khối 12 là trên 90%, nhưng kết quả đạt được chỉ xấp xỉ 30%. Từ khi có “hai không”, vì không muốn bị đánh giá là mắc “bệnh thành tích”, trong phương hướng, nhiệm vụ đề ra đầu năm học, không ít trường lại đột ngột hạ các chỉ tiêu phấn đấu xuống thấp. Chẳng hạn, chỉ tiêu phấn đấu học sinh đạt học lực trung bình trở lên trước đây thường trên 60% thì nay hạ xuống chỉ còn dưới 20%, hay chỉ tiêu học sinh có hạnh kiểm khá, tốt trước đây thường trên 90% thì nay chỉ còn dưới 50%. Hệ quả là gây tâm lý hoang mang, bi quan cho không ít giáo viên và phụ huynh, học sinh.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay việc các trường có những nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu phấn đấu sao cho phù hợp với tinh thần của cuộc vận động “hai không” là điều cần làm. Tuy nhiên, cần căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường mà đưa ra những chỉ tiêu hợp lí sao cho những chỉ tiêu ấy phù hợp và có tính khả thi cao. Nên chăng, dựa trên thực tế có thể giao chỉ tiêu học lực, hạnh kiểm của học sinh đến tận từng đơn vị lớp, từng giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Bên cạnh việc đề ra những chỉ tiêu như là những cái đích để phấn đấu, các trường cần xây dựng các chế tài để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, từ đó có những hình thức khen thưởng, kỉ luật kịp thời. Có như vậy, các chỉ tiêu mới thực sự đi vào thực tiễn trở thành động lực để phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của các truờng.

 

Bùi Minh Tuấn

Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An

 

LTS Dân trí - Muốn cho phong trào thi đua dạy tốt và học tốt đem lại hiệu quả thiết thực thì ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường cùng với các đòan thể trong trường cần có sự thảo luận dân chủ về các mục tiêu cũng như chỉ tiêu thi đua trước khi đưa ra Hội nghị công nhân viên chức đầu năm học.

Qua hội nghị này, với sự đóng góp ý kiến dân chủ, những chỉ tiêu thi đua được hòan thiện thêm một bước và có sự thống nhất cao trong đội ngũ giáo viên cũng như tòan thể cán bộ, nhân viên nhà trường. Từ đó, biến những chỉ tiêu thi đua thành hành động thực tế của mọi người trong nhà trường.

Đấy cũng là cơ sở để đánh giá kết quả phấn đấu và thành tích đóng góp cụ thể của mỗi giáo viên, mỗi cán bộ và nhân viên trong từng học kỳ và cả năm học.